Nhiều lãnh đạo ở xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hoá (Thanh Hoá) khi trả lời báo chí đã tỏ ra ngạc nhiên vì nhiều thành viên trong gia đình mình “bỗng nhiên thuộc diện cận nghèo”.
Có thể tin được không khi bí thư xã Thiệu Thành, chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã lại “không hề biết” nhiều người thân của mình, trong đó có gia đình con trai, con gái nằm trong danh sách hộ cận nghèo?
Còn giải thích của Bí thư Đoàn xã Thiệu Thành Nguyễn Thị Giảng, năm 2015, cán bộ thôn đến nhà vận động chị vào danh sách hộ nghèo, cận nghèo "nhưng tôi nghĩ mình là cán bộ, có dân nhìn vào nên từ chối. Thế mà chẳng hiểu vì sao nhà tôi lại có mấy khẩu nằm trong danh sách hộ cận nghèo của xã".
Cũng là “chẳng hiểu vì sao” nhưng có một câu chuyện đã và đang tồn tại ở nhiều nơi, đó là “vận động" những người không nghèo để được thành... nghèo.
Từ bao giờ “nghèo” và “cận nghèo” có yếu tố đặc quyền, đặc lợi? Bởi lẽ đi cùng từ “nghèo” có được sự hỗ trợ về vay vốn, là được nhận những khoản trợ cấp cho dù chính những người được nhận lại không hề nghèo.
Đảng, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ cho những người nghèo với những khoản tiền không nhỏ với mục đích giúp người dân vượt qua khó khăn. Nhưng những nỗ lực ấy khi về đến cơ sở đã bị “phù phép”, trao không đúng đối tượng. Vì thế, sinh ra những câu chuyện “dê lạc vào nhà bí thư, gà chạy vào nhà cán bộ” như đã từng xảy ra.
Cách đây vài năm Viện Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ) phối hợp với Đại sứ quán Ailen tại Việt Nam thực hiện khảo sát tại 4 tỉnh: Điện Biên, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Trà Vinh, nơi thực hiện các dự án xóa đói giảm nghèo có sự hỗ trợ của Đại sứ quán Ailen. Kết quả là 73,3% ý kiến người dân cho rằng có tiêu cực trong triển khai các dự án xóa đói giảm nghèo.
Cho đến giờ, vẫn chưa có khảo sát mới nhưng từ câu chuyện ở xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hoá (Thanh Hoá) thì đó là những vấn đề không cũ. Nhưng trái khoáy ở chỗ người thân của cán bộ xã “được làm hộ nghèo” thì chính những nguời nghèo thật ở Thiệu Hoá lại không có tên trong danh sách cần được hỗ trợ.
Cái mất không chỉ là những khoản hỗ trợ không đúng đối tượng, mà còn là lòng tin của người dân nghèo vào những chính sách đầy nhân văn của Nhà nước. Đó mới là cái mất lớn nhất.
Những người không nghèo nhưng có trong danh sách “nghèo” và “cận nghèo” nghĩ gì về câu chuyện vợ chồng các cụ Nguyễn Văn Lương, vợ là Dương Thị Huệ (cùng 90 tuổi) gửi đơn tới UBND xã Thạch Đài huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh xin ra khỏi danh sách hộ nghèo để nhường cho hộ khác. Lý do chỉ là “nhờ con cháu nuôi dưỡng đến nơi, đến chốn”.
Hay chẳng đâu xa, ngay tại thôn Lương Thiện, xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá, cụ Đỗ Thị Mơ, 83 tuổi, sinh được 11 người con nhưng hiện ở một mình trồng rau, nuôi gà nhiều lần lên xã để nộp đơn xin ra khỏi hộ nghèo.
Cụ Mơ, vợ chồng cụ Lương và rất nhiều người khác từng xin ra khỏi danh sách hộ nghèo chỉ vì “không muốn ỷ lại, dựa dẫm vào nhà nước nữa”.
Trong tư tưởng còn suy nghĩ muốn được công nhận là “nghèo” để tước đi cơ hội của người khác, để ngửa tay nhận những đồng hỗ trợ, ngồi chờ vào những nguồn lực khác thì không có lòng tự trọng và chắc chắn không thể làm giàu, không thể phát triển.
Ngày đăng: 09:03 | 16/05/2020
/ laodong.vn