Tôi thích ăn vải. Với tôi thứ đáng giá nhất của những ngày mùa hè nóng nực và đôi khi gây bực bội như hôm nay là món vải. Không năm nào tôi không thôi nao nức khi nhìn thấy những chùm vải đỏ au được xe thồ qua phố.
Thế nhưng tôi lại đang lo rằng những mùa sau sẽ không còn vải để ăn khi giá vải mua tại hàng rong trên phố Hà Nội rớt liên hồi. Từ mười lăm nghìn đồng, rồi mười nghìn đồng mỗi ký. Mấy hôm nay họ bán tám nghìn đồng một cân. Tôi mới ngậm ngùi hỏi cậu thanh niên bán vải cho mình, giá mua tại vườn là bao nhiêu. Ban đầu cậu trả lời rằng bốn nghìn đồng, rồi sau thú thật là ba nghìn đồng. Cậu giải thích với tôi về “chênh lệch giá bán ra” là bởi hàng loạt chi phí để đưa vải đến tay người mua ở Hà Nội.
Tôi thực sự tin và hiểu rằng lời giải thích của cậu là thật. Thế nhưng lòng chẳng vui hơn. Cả một năm chăm bón, ngóng trông để rồi bán những cân vải với giá không hơn hai cái kẹo, đến bao giờ người trồng vải bớt thiệt thòi, rủi ro?
Chuyện vải rẻ thê thảm chẳng có gì mới, vì nó diễn ra quá lâu rồi. Hoàn toàn vẫn là những tình tiết cũ: thương lái Trung Quốc đang thu mua của nông dân Việt Nam một ngày tuyên bố không nhập vải. Họ bảo năm nay Trung Quốc đã trồng được rồi. Đôi khi tôi băn khoăn tự hỏi phải chăng việc nông dân chúng ta không bán được sản phẩm của mình là lỗi của thương nhân Trung Quốc hay họ cũng chỉ là những người kinh doanh bình thường, mong muốn kiếm tiền từ những thương vụ mua đi bán lại. Họ đâu có trách nhiệm phải sang Việt Nam mua sản phẩm giá cao để giúp nông dân Việt Nam.
Rất nhiều người không thích thương lái Trung Quốc, thế nhưng tại sao chúng ta vẫn dựa dẫm vào họ để giải phóng các sản phẩm nông nghiệp của mình. Và lao đao, khó chịu khi họ không mua như cách mình trông đợi?
Tôi theo dõi các thông tin về nông nghiệp, có nhiều chuyên gia hàng đầu, nhiều đại diện các tập đoàn bán lẻ, nhiều bài viết khiến tôi choáng ngợp trước những tham vọng, các ý tưởng to lớn như “cánh đồng mẫu lớn”, “nông nghiệp 4.0”; hay những ví von “nông nghiệp Việt Nam như cô gái đẹp chờ người đến tán tỉnh”… Tôi không chê các ý tưởng lớn, nhưng tôi tin chẳng có ý tưởng lớn nào thành hiện thực nếu như những ai liên quan không tập trung vào giải quyết vấn đề hàng ngày. Là chuyện biết bao người đang đầm đìa mồ hôi mồ kê ngoài kia, chở những quả vải quả vải ngon lành trong lo âu mà chưa bao giờ biết thế nào là “nông nghiệp 4 chấm”.
Trước khi bàn đến mọi giải pháp cho nông nghiệp, cần nhớ một đặc tính quan trọng của nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam: nước ta hiện đang có 70 triệu mảnh ruộng và 14 triệu nông hộ. Mỗi nông hộ lại tự hạch toán kinh doanh riêng. Trong "câu chuyện bó đũa" kinh điển, chúng ta có một 14 triệu chiếc đũa xếp riêng lẻ và có thể bị bẻ gãy bất kỳ lúc nào.
Tôi đã làm việc với nông dân hàng chục năm qua, nhưng thực sự tôi vẫn phải tìm kiếm trên mạng khá lâu để biết nông nghiệp 4.0 là thế nào. Những nông dân trồng dưa, dứa, ớt, su su chờ giải cứu không hề biết mình ở đâu trong cánh đồng lớn của nền nông nghiệp “nhiều chấm”? Rồi vòng luẩn quẩn lại tiếp tục vào mùa này năm sau. Nhiều nông dân sẽ bỏ lại những mảnh ruộng, cánh đồng của mình để trở thành công nhân trong các khu công nghiệp hay những người bán rong trong đô thị đầy bất ổn.
Chiến lược giải cứu thế nào? Tôi đoán có lẽ Bộ Nông nghiệp, Bộ Công thương đã có đầy ý tưởng trên bàn. Nhưng nhìn vào mắt người nông dân, tôi chỉ nghĩ rằng, điều chúng ta cần làm cho họ là không chỉ cố tìm cách xuất khẩu mà tạo ra các nhu cầu trong nước.
Để tạo ra điều đó, cần tạo cơ hội cho nông dân tham gia các nhóm sản xuất, hợp tác xã. Không thể gộp 14 triệu thành tố của nền nông nghiệp lại để tính toán, mà phải gộp lại thành những bó đũa vừa hơn. Những nhóm này phải được vận hành hiệu quả để nhờ đó, chính nông dân có cơ hội tự bán hàng, tự xuất khẩu và tự đầu tư vào các dây chuyền chế biến – hay nói chính xác họ làm chủ chuỗi vận hành của sản phẩm sau thu hoạch.
Trong cách vận hành, khá gần với mô hình công ty cổ phần, hợp tác xã sẽ hoạt động minh bạch công khai và dân chủ, với sự tham gia của tất cả nông dân và tránh được việc ban chủ nhiệm nhũng nhiễu. Lợi nhuận chia theo mức đống góp của từng nông hộ nhưng quyền đưa ra quyết định thì bình đẳng và công bằng.
Tôi làm việc với một hợp tác xã thương mại công bằng gồm các nông hộ trồng cà phê ở Đăk Lăk, ngoài tiền lời chia cho các thành viên, năm ngoái họ còn dư 8 tỷ đồng và đóng góp vào việc xây dựng các công trình cộng đồng cho chính xã mình, hỗ trợ cho người khác.
Nông dân của Indonesia, chỉ “0 chấm” mà họ đã tự xuất khẩu cà phê chính mình trồng sang Mỹ thông qua việc tự thuê các đơn vị cung cấp dịch vụ môi giới, xuất nhập khẩu. Nông dân Ấn Độ trực tiếp xuất đưa sản phẩm trên cánh đồng nhà mình vào từng chợ đầu mối, siêu thị. Họ chưa bao giờ trông chờ ai giải cứu mà tự họ tìm thị trường, cách đi thông qua các nhóm của mình.
Khi những nông dân nhỏ tập hợp lại với nhau để có sức mạnh của trí tuệ, lắng nghe hơi thở thị trường và tự chủ động hoạt động kinh doanh của mình; Khi người nông dân chọn cách chủ động đứng lên tìm cách khác thay vì làm theo thói quen; khi họ vượt lên cách làm cũ, cách nghĩ cũ và tự chủ động hơn mở rộng thị trường của chính mình thay vì chỉ hì hụi với gốc vải; khi họ có quyền lựa chọn với cánh đồng và sản phẩm của mình, họ trở thành những công nhân nông nghiệp chứ không còn là các nông dân cô đơn bất lực trước mỗi mùa thu hoạch.
Bởi nếu tiếp tục như thế này, người nông dân và người tiêu dùng đều thiệt, chỉ một số người mua bán trung gian có lợi.
Cây xoài, cây sầu riêng là những “gái đẹp” đã làm được điều đó – tự cứu mình mà không cần chờ ai “tán tỉnh”. Quả xoài cát Chu, xoài cát Hoà lộc đã sống khỏe lâu nay bằng thị trường nội địa. Có lần tôi đưa một đoàn khách nước ngoài đi tìm hiểu thị trường Việt Nam để nhập xoài vào nước họ. Họ choáng váng khi giá xoài cát bán tại Việt Nam cao hơn 2 tới 3 lần xoài ở nước họ. Cây điều của chúng ta cũng đã làm được điều đó rồi, bởi cả thế giới đang đổ xô vào mua bán và “tán tỉnh” hạt điều Việt Nam.
Còn quả vải, ngon và đẹp, nhưng sao số phận vẫn buồn đến vậy?
Nông sản Việt là cô gái đẹp: Thật không?
"Người nông dân Việt Nam chỉ biết và chỉ nghĩ tới việc sản xuất, trồng cấy cho ra được sản phẩm, chứ không biết bán ... |
Nông sản Việt phải “giải cứu” triền miên do thiếu thông tin thị trường
Thông tin thị trường tiêu thụ nông sản luôn phải được theo dõi, cập nhật cho người sản xuất cũng như doanh nghiệp xuất khẩu. |
Trần Ban Hùng
Ngày đăng: 20:00 | 22/06/2018
/ VnExpress