Các chính sách của ông Tập có thể bị cựu lãnh đạo mổ xẻ và yêu cầu thay đổi khi Trung Quốc đang trong căng thẳng thương mại với Mỹ.
Cảnh quan ở Bắc Đới Hà. Ảnh: Kyodo. |
Các lãnh đạo đảng hàng đầu Trung Quốc cả đương nhiệm và nghỉ hưu có truyền thống hàng năm đến Bắc Đới Hà, khu nghỉ dưỡng cách thủ đô Bắc Kinh 280 km về phía đông, để đi nghỉ và thảo luận kín về nhân sự cũng như các chính sách quan trọng. Khác với các năm trước, truyền thông Trung Quốc năm nay thể hiện nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc họp đang diễn ra, như đưa tin rằng Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tiếp Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Maria Fernanda Espinosa ở Bắc Đới Hà.
Cuộc họp từ lâu đã là nơi để các lãnh đạo về hưu bình luận, phê phán hoặc hậu thuẫn các chính sách của những người kế nhiệm. Wang Zhengxu, chuyên gia về chính trị cấp cao Trung Quốc tại Đại học Nottingham, cho biết từ thập niên 1980, cuộc gặp Bắc Đới Hà là một kênh quan trọng để các cựu lãnh đạo thể hiện ảnh hưởng còn lại của mình.
Việc truyền thông nhà nước ám chỉ cuộc họp đang diễn ra có thể là dấu hiệu cho thấy ông Tập đang tỏ lòng tôn trọng với các "bô lão" trong đảng, những người được cho là không hài lòng với việc củng cố quyền lực và xử lý mối quan hệ với Mỹ của ông Tập, theo Nikkei.
Giới chuyên gia cho rằng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang leo thang có thể là chủ đề thảo luận chính tại Bắc Đới Hà. Hai bên đã áp thuế 25% với 50 tỷ USD hàng hóa của đối phương. Mỹ dọa áp thuế 10% với thêm 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Trump ngày 1/8 còn dọa nâng mức thuế dự kiến này lên 25%. Đáp lại, Bắc Kinh cho biết họ sẵn sàng áp thuế 10-25% với 60 tỷ USD hàng Mỹ, trong đó có khí hóa lỏng.
"Thất bại trong các cuộc đàm phán thương mại với Washington khiến các bô lão đảng có lý do để chất vấn ông Tập", cây bút Tetsushi Takahasi của Nikkei nhận xét.
Ở Bắc Đới Hà, ông Tập có thể còn phải đối mặt với một vấn đề khác. Các lãnh đạo nghỉ hưu được cho là không hài lòng với cách ông Tập bổ nhiệm thân tín vào vị trí quan trọng và xây dựng sự sùng bái cá nhân. Giới trí thức ở Bắc Kinh đã bày tỏ hy vọng rằng các bô lão sẽ sử dụng cuộc họp năm nay để gây áp lực cho ông Tập không đi xa hơn trên con đường này.
Trong cuộc họp tại Bắc Đới Hà năm ngoái, đề xuất đưa tư tưởng Tập Cận Bình vào hiến pháp đã được nhắc đến trước khi được mang ra biểu quyết trước quốc hội, theo Nikkei. Tuy nhiên, các cựu lãnh đạo đã không được biết trước về việc xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước và cảm thấy họ đã bị gạt sang một bên. Giờ đây, tại Bắc Đới Hà, họ có cơ hội để báo động về chủ nghĩa sùng bái cá nhân.
Dường như để làm giảm bớt những lo ngại đó, đảng Cộng sản Trung Quốc gần đây đã giảm ca ngợi ông Tập. Nhà chức trách Trung Quốc từ giữa tháng 7 bắt đầu gỡ bỏ nhiều ảnh chân dung của ông Tập tại Bắc Kinh.
Một số trang tin tiếng Trung ở nước ngoài đưa tin rằng quyền lực của ông Tập có thể đang lung lay. Họ viết rằng cựu chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và cựu thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ, đã bày tỏ những nghi ngại về chính sách của ông với Ủy ban Trung ương của đảng.
Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào chứng minh điều đó. Cuối tháng 7, ông Tập đã rời Bắc Kinh để thực hiện một chuyến đi nước ngoài dài ngày. Điều này sẽ rất rủi ro về mặt chính trị nếu chỗ đứng của ông không vững chắc.
Dù vậy, cây bút Katsuji Nakazawa của Nikkei cho rằng đúng là luồng gió chính trị của Trung Quốc đang có sự thay đổi. Một nguồn tin trong nội bộ đảng nói rằng việc này xuất phát từ những "vương tử" (ám chỉ những lãnh đạo là con của các cựu quan chức đảng cấp cao và có ảnh hưởng) đã sống ở Mỹ và châu Âu. Họ có khả năng thể hiện quan điểm mà không cần phải quá e dè ông Tập.
Bản thân ông Tập cũng được coi là một "vương tử" vì bố ông từng là phó thủ tướng. Tại đại hội đảng tháng 10 năm ngoài, ông Tập đã không thăng chức cho "vương tử" nào mà thay vào đó bổ nhiệm những cấp dưới cũ của mình vào các vị trí quan trọng.
Nakazawa cho rằng hành động này có thể khiến họ bất bình và ông Tập cần khéo léo khi làm việc với các cựu lãnh đạo, những người vẫn có ảnh hưởng đến các "vương tử".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) và hai người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào (trái) cùng Giang Trạch Dân (phải) tại đại hội đảng tháng 10 năm ngoái. Ảnh: Reuters. |
Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và Chu Dung Cơ đều được coi là có công giúp Trung Quốc phát triển kinh tế với hai quyết định: gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và duy trì chiến lược ngoại giao "náu mình chờ thời" mà cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã đưa ra.
Tuy nhiên, ông Tập đã không ngại thể hiện tham vọng trở thành cường quốc sánh ngang với Mỹ kể từ khi lên nắm quyền, dẫn đến kết quả là chiến tranh thương mại hiện nay. Một số nhà phân tích cho rằng việc Trung Quốc quá đề cao tinh thần chủ nghĩa dân tộc đã gây ra vấn đề như hiện giờ.
Ba cựu lãnh đạo Trung Quốc nói trên đều là những người từng dành nhiều nỗ lực để ổn định quan hệ Mỹ - Trung. Thông điệp của họ cho ông Tập có thể là: "Ông không nên đi quá nhanh. Cần phải xử lý tình hình tốt hơn".
"Có thể ông Tập sẽ điều chỉnh chính sách của mình với những ý kiến từ các bô lão trong cuộc họp năm nay", cây bút Katsuji Nakazawa nhận xét.
Deng Yuwen, cựu phó tổng biên tập Thời báo Nghiên cứu, tờ báo liên kết với trường trung ương đảng Trung Quốc, có chung quan điểm. "Sau cuộc họp tại Bắc Đới Hải, chiến lược của Trung Quốc có thể được điều chỉnh. Tình hình hiện giờ có thể khiến trong nội bộ đảng có nhiều cách nhìn hơn", ông nhận xét.
Trong quá khứ, từng có những nỗ lực hủy bỏ cuộc họp tại Bắc Đới Hà với lý do sự kiện cho các quan chức về hưu quá nhiều tiếng nói với các vấn đề hiện tại. Nhưng những nỗ lực đó đều bất thành.
"Việc truyền thông nhà nước Trung Quốc ngầm thừa nhận sự tồn tại của cuộc họp Bắc Đới Hà năm nay có thể là thông điệp từ ông Tập đến các bô lão rằng ông tôn trọng truyền thống hàng năm và sẵn sàng lắng nghe ý kiến của họ", Takahasi đánh giá.
Lãnh đạo Trung Quốc có thể đang họp bí mật tại Bắc Đới Hà
Việc Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường không xuất hiện trên bản tin thời sự Trung Quốc những ngày qua ... |
Ngày đăng: 15:47 | 11/08/2018
/ VnExpress