Vùng trồng vải thiều Bắc Giang được “canh gác” nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn, không bị tác động bởi dịch COVID-19.
Ngoài việc xây dựng các kịch bản tiêu thụ vải thiều trong tình hình dịch COVID-19 và chủ động kết nối với thị trường tiêu thụ, Bắc Giang cũng dán tem vải thiều "không COVID-19" trước khi đưa đi tiêu thụ.
Canh giữ vải thiều như canh kho báu
Những ngày cuối tháng 5, người dân các xã của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ an toàn vùng vải sắp đến ngày thu hoạch.
Ngoài việc thiết lập các chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại các trục đường liên thôn, liên xã, người dân còn lấy cành cây để rào các đường lên đồi vải, ngăn người lạ xâm nhập.
Nhiều chủ vườn vải cũng chủ động lắp các biển "không tiếp khách lạ" tại vườn vải để thông báo nhằm không để những người có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 xâm nhập vào vùng sản xuất vải.
Huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) được biết đến là vùng trồng vải thiều nổi tiếng ở nước ta. |
Chia sẻ về điều này, anh Đỗ Lý Tưởng (thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn), một trong những thương lái có tiếng của vùng này cũng nhận thấy năm nay là mùa vải đặc biệt nhất.
“Từ tuần trước, huyện Lục Ngạn đã lập các chốt kiểm soát. Từ xã đến thôn đều có chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Ở đây chúng tôi nói vui là bảo vệ vùng sản xuất vải như bảo vệ kho báu”, anh Đỗ Lý Tưởng hóm hỉnh chia sẻ.
Năm nay, huyện Lục Ngạn được mùa vải nhưng lại có rất ít thương lái Trung Quốc được sang để buôn bán vì phải đáp ứng các quy định kiểm tra nghiêm ngặt trước dịch COVID-19.
Anh Tưởng và nhiều thương lái khác cũng rất lo lắng, sợ rằng dịch bệnh sẽ ảnh hưởng lớn việc bao tiêu sản phẩm vải năm nay. Vì vậy, từng gia đình, từng thôn xóm, từng xã ở huyện Lục Ngạn đều canh phòng cẩn thận để không cho dịch COVID-19 xuất hiện ở vùng vải.
Cùng chung tâm trạng với anh Tưởng, anh Triệu Cường (xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn) cũng đang như “ngồi trên đống lửa" khi gia đình anh có hơn 300 gốc vải thiều sắp cho thu hoạch. Anh Cường là một trong những hộ trồng nhiều vải nhất xã Nam Dương.
Tuy nhiên, khi những biện pháp chặt chẽ việc kiểm soát dịch bệnh ở cấp xã và huyện được triển khai thì gia đình anh Cường cũng bớt lo lắng.
Những ngày qua, lãnh đạo xã Nam Dương triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ an toàn vùng vải sắp đến ngày thu hoạch.
“Người dân đi qua các chốt kiểm dịch của xã phải đo thân nhiệt và sát khuẩn tay. Thương lái cũng phải được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi vào xã. Riêng thôn tôi ở có đến 5 chốt kiểm soát”, anh Cường thông tin.
Thời gian này, người dân trong xã cũng phải hạn chế đi lại và phải thực hiện các biện pháp phòng dịch.
“Tôi ở nhà gần nửa tháng rồi chả tiếp xúc với ai, có gặp người trong làng thì cũng cách 2m đứng ngoài cổng nói vọng với nhau. Hầu như cũng chả tiếp khách”, anh Cường hồ hởi chia sẻ.
Để đảm bảo vải thiều Lục Ngạn "không COVID-19", chính quyền địa phương và người dân triển khai nhiều biện pháp canh giữ vải như kho báu, để biển không tiếp khách lạ. |
Ông chủ vườn vải này cũng chia sẻ thêm, hiện nay nhiều nhà có điều kiện lắp đặt camera giám sát khu vực nhà và khu vườn, cùng với 3 chốt kiểm soát các lớp từ cấp huyện, cấp xã, cấp thôn nên những người lạ cũng không có cơ hội xâm nhập vào vùng trồng vải.
Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh COVID-19, anh Cường tin rằng những người dân ở vùng sản xuất vải vẫn có thể tiêu thụ được nếu tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch.
Khi có những ca bệnh COVID-19 đầu tiên ở Bắc Giang, những người nông dân xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn đều nhắc nhỏ với nhau thực hiện nghiêm chỉnh các quy định phòng dịch COVID-19.
“Đến mùa vải thiều, nhà tôi và các nhà khác ở xung quanh đây không ai sang nhà nhau chơi cả. Ai ở đâu thì ở yên đó”, ông Quàn Văn Bảo (xã Hồng Giang) tâm sự.
Nói rồi, ông thở dài khi vào mùa vải năm nay lại đúng lúc những ca COVID-19 đang tăng nhanh ở Bắc Giang.
“Bỏ thì thương mà vương thì tội”, ông Bảo trầm ngâm khi nói về vườn vải nhà mình chuẩn bị vào dịp thu hoạch.
Tại những hộ gia đình có người đi cách ly cũng được dán biển thông báo ngay trước cổng ra vào. |
Người nông dân này chia sẻ, dù không biết có thể bán được hết số vải trong vườn không nhưng vẫn phải thực hiện phòng dịch thật tốt. Thậm chí, khi ra vườn chăm sóc vải, các thành viên của gia đình ông cũng tuân thủ tuyệt đối việc đeo khẩu trang và đứng xa nhau 2m.
“Gia đình tôi có 2 người thì khi ra vườn cũng phải đứng cách nhau 2m”, ông Bảo nhấn mạnh việc thực hiện phòng dịch ngay trong gia đình.
Năm nay, nhà ông Bảo có khoảng 150 gốc vải và dự kiến sẽ thu được khoảng 6 tấn quả. Đang chuẩn bị bước vào đợt cao điểm của mùa vải thiều, những người nông dân như ông Bảo cũng lo lắng cho đầu ra của sản phẩm. Trong trường hợp xấu nhất, gia đình ông sẽ sấy khô lượng vải không thể tiêu thụ được để bảo quản.
“Thường thì chúng tôi thích bán tiền tươi thóc thật vì có phải ai cũng biết sấy vải đâu. Nếu sấy không chuẩn cháy vải lại không bán được”, ông Bảo tâm sự.
Các chốt kiểm soát được lập nên để kiểm soát chặt chẽ người ra, vào vùng vải. |
Mặc dù chưa ghi nhận ca F0 nhưng khi dịch COVID-19 bùng phát tại Bắc Giang, chính quyền xã Hộ Đáp (huyện Lục Ngạn) tổ chức cho người dân ký cam kết thực hiện các biện pháp cách ly y tế tại nhà nhằm bảo vệ vùng vải thiều an toàn không có dịch bệnh.
“Chúng tôi gửi tới mỗi hộ một bản cam kết, có chữ ký của đại diện hộ gia đình và thôn xóm. Bản cam kết được thu về xã để làm cơ sở khi người dân vi phạm.
Chính quyền xã cũng tuyên truyền, yêu cầu người dân khi hái vải, bó vải, bán vải… phải đeo khẩu trang, không để người dân lên vườn vải nhưng không thực hiện các quy định phòng dịch.
Cũng có một số hộ cẩn thận căng dây bảo vệ vườn vải nhưng chỉ là số ít vì chúng tôi là xã miền núi, mỗi gia đình sống cách nhau 100-200m, ít hộ sống gần nhau”, ông Bạch Đức Hồng – Chủ tịch UBND xã Hộ Đáp cho hay.
Chốt kiểm soát 3 lớp từ cấp huyện, cấp xã, cấp thôn luôn có người dân địa phương túc trực. |
Ông Hồng chia sẻ, những hộ gia đình trồng vải theo mô hình VietGAP biết cách bảo vệ vườn vải của mình. Bởi, mùa quả năm 2020, vải xuất bản sang Nhật Bản có giá 30.000 đồng/kg nên các chủ vườn ở nhà chăm sóc vải cẩn trọng. Bản thân họ cũng rất lo lắng cho vụ thu hoạch của mình.
Để nâng cao ý thức người dân khi vườn vải đang chín rộ, hệ thống loa truyền thanh ở xã, thôn phát 3-5 lần/ngày tùy theo nội dung văn bản chỉ đạo khẩn của huyện Lục Ngạn.
Huyện chuyển văn bản thành file mp3, giao lãnh đạo các xã. Các xã chuyển file cho các tổ chốt và trạm đài tại xã, thôn để kết nối với hệ thống loa đài, tuyên truyền tới người dân trong khu trồng vải.
“Đây là cách làm rất hiệu quả của huyện Lục Ngạn nói chung và từng xã nói riêng”, ông Hồng chia sẻ.
Chủ tịch UBND xã Hộ Đáp cũng cảm thấy rất thú vị và đồng tình với nhận định của một số người khi cho rằng “vùng vải thiều Lục Ngạn đang được canh gác nghiêm ngặt như canh kho báu”.
Cùng với đó, chính quyền xã thường xuyên nhắc nhở người dân nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của tỉnh Bắc Giang, huyện Lục Ngạn để vùng sản xuất vải luôn được an toàn.
Các lực lượng được tăng cường để đảm bảm vùng vải an toàn, không COVID-19. |
Vải thiều không COVID-19
Bên cạnh những nỗ lực của từng hộ dân trồng vải, chính quyền tỉnh Bắc Giang cũng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để bảo vệ vùng sản xuất vải thiều.
Ông Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Bắc Giang chủ động xây dựng kế hoạch về sản xuất vải thiều an toàn dịch bệnh với nhiều biện pháp đồng bộ như đưa cách ly tất cả các đối tượng F1 ra ngoài vùng vải thiều tập trung của huyện.
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang cũng tập trung tuyên truyền, vận động người dân trong vùng vải thiều không đi ra khỏi địa bàn, tập trung cho sản xuất, tiêu thụ vải thiều.
Các vùng sản xuất vải thiều trong tỉnh cũng lập các tổ chốt kiểm soát phòng dịch COVID-19 đối với người, phương tiện vào vùng vải thiều tập trung; kiểm tra y tế các mã vùng trồng, chủ vườn trồng vải thiều, các cơ sở đóng gói, sơ chế.
Đặc biệt, lái xe và phương tiện vận chuyển, người lao động tham gia thu hái, đóng gói, vận chuyển vải thiều, bảo đảm an toàn, không bị mắc COVID-19.
“Do đó, có thể khẳng định, vải thiều Bắc Giang có chất lượng vượt trội, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, được trồng trọt, chăm sóc ở “vùng vải an toàn dịch bệnh”, không bị tác động COVID-19. Người tiêu dùng trong và ngoài nước có thể yên tâm tin dùng”, lãnh đạo Bắc Giang khẳng định.
Các lực lượng được huy động tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19 để bảo vệ vùng vải thiều an toàn trước sự lây lan nhanh của dịch bệnh. |
Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Oanh, Bí thư Huyện uỷ Lục Ngạn chia sẻ, ngay từ đầu vụ vải, huyện thực hiện nhiều biện pháp phòng dịch ở mức cao để hạn chế tối đa việc dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến việc tiêu thụ vải.
Trong đó, huyện Lục Ngạn cho lập nhiều trạm gác, chốt kiểm dịch COVID-19 để đảm bảo dịch bệnh không thể vào vùng sản xuất vải thiều.
Lãnh đạo huyện Lục Ngạn đánh giá, các trạm gác, chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 hoạt động hiệu quả, trách nhiệm nên vùng sản xuất vài thiều sẽ an toàn trước đại dịch.
“Chúng tôi tin tưởng rằng, với những yêu cầu nghiêm ngặt trong công tác phòng chống dịch, những nguy cơ về lây lan dịch COVID-19 đều được loại bỏ khỏi vùng vải”, Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn ông Nguyễn Việt Oanh nói.
Khu vực trồng vải để xuất khẩu sang thị trường Nhật - Mỹ - EU - Úc... |
Chia sẻ cụ thể về phương pháp chặn dịch COVID-19, ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho rằng, các chốt kiểm soát làm rất tốt nhiệm vụ ngăn chặn từ xa, giúp cách ly hiệu quá các ca F1 mới.
“Các chốt kiểm soát người và phương tiện ra vào theo nguyên tắc thôn nào giữ thôn nấy, xã nào giữa xã đấy thì hiệu quả rất cao.
Việc này kiểm soát được người đi đến và phương tiện ra vào. Bên cạnh đó khoanh vùng nhanh được các F2, F3 yêu cầu cách ly tại nhà, tại chốt kiểm tra nhiệt độ có thể rà soát được F1 đưa đi cách ly tập trung”, ông Nguyễn Thế Thi cho hay.
Xe chở vải cũng được phun khử trùng đảm bảo an toàn đến với người tiêu dùng. |
Chính vì có sự phối hợp tốt trong việc ngăn chặn dịch COVID-19 nên ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang nhận định, việc tiêu thụ nông sản tại Bắc Giang vẫn tương đối ổn định, do linh hoạt trong sản xuất, tiêu thụ.
Lãnh đạo Sở Công Thương cũng cho biết các ngành Công Thương, Nông nghiệp, Y tế đã phối hợp để lập hồ sơ và giấy xác nhận lô hàng vùng sản xuất an toàn dịch bệnh COVID-19.
Vì vậy, người tiêu dùng cả nước hoàn toàn có thể yên tâm việc sử dụng các trái vải ở Bắc Giang “không COVID-19”.
Hải Dương xuất khẩu 50 tấn vải thiều sớm
50 tấn vải sớm trong mùa vụ năm 2021 được các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu sang Nhật Bản, Singapore và Malaysia hôm 18/5. |
Vải thiều lần đầu lên sàn online
Quả vải thiều Hải Dương sẽ được bán trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử Alibaba, Vosco, Sendo và Lazada dự kiến từ ... |
Ngày đăng: 14:43 | 27/05/2021
/ vtc.vn