Giáo sư Đặng Đức Anh, Viện trưởng Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết vaccine Covivac có thể hiệu quả với biến thể nCoV, song cần tiếp tục nghiên cứu.
Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đang phối hợp với Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) nghiên cứu vaccine Covivac trên người. 120 tình nguyện viên, tuổi từ 18 đến 59, khỏe mạnh, không mắc bệnh nền và được sàng lọc kỹ, tham gia thử nghiệm.
Giáo sư Anh cho biết dự kiến trong khoảng cuối tháng 2, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 sẽ bắt đầu. Hiện nay, nhóm nghiên cứu đang hoàn thiện tất cả hồ sơ để triển khai trong thời gian ngắn nhất.
Trả lời VnExpress về hiệu quả của vaccine trên biến thể mới, ông nhận định: "Hiện nay, vaccine vẫn đáp ứng được những biến thể virus mới. Tuy nhiên, một số dữ liệu cho thấy đối với biến thể Nam Phi, tác dụng của vaccine giảm một chút".
Theo ông, tất cả số liệu này cần tiếp tục theo dõi, vì đây là biến thể mới xuất hiện. Virus sẽ tiếp tục thay đổi, có những đột biến khác. Chúng ta cần giám sát hết sức chặt chẽ sự lưu hành của chúng để đánh giá được hiệu quả, độ bảo vệ của vaccine".
Covivac được bào chế từ công nghệ trứng gà có phôi, tức là nuôi cấy virus trong trứng gà, sau đó hút lấy virus đã nhân bản để tinh chế, lọc tách, bất hoạt, không còn khả năng gây bệnh rồi đưa vào bào chế vaccine. Công nghệ này trước đó đã được IVAC ứng dụng sản xuất nhiều vaccine khác, ví dụ vaccine cúm. Covivac đã được thử nghiệm trên động vật như chuột đất vàng, chuột nhắt, thỏ..., kết quả cho thấy tạo được miễn dịch cao trên động vật.
Vaccine Covid-19 được IVAC tại Nha Trang nghiên cứu thành công, ngày 30/12. Ảnh: Xuân Ngọc. |
Chiều 9/2, trong buổi gặp mặt động viên và chúc Tết tập thể cán bộ Viện, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã đánh giá cao những đóng góp của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương trong việc điều chế vaccine Covid-19. Năm 2020, Viện phân lập thành công nCoV, đưa Việt Nam trở thành một trong 4 nước đầu tiên thế giới phân lập được nCoV. Ông Long cho biết nhờ vậy Việt Nam có tên trên bản đồ nuôi cấy và phân lập virus thế giới, đồng thời phục vụ phát triển vaccine sau này.
Công ty công nghệ sinh học Nanogen cũng nghiên cứu loại vaccine Covid-19 khác, tên gọi Nanocovax. Hiện thử nghiệm vaccine trên người đã đi được một nửa giai đoạn một. Ngày 20/1, 20 tình nguyện viên được tiêm liều thứ hai mức 25 và 50 mcg.
Cuối năm 2020, các nhà khoa học cảnh báo về độ nguy hiểm của biến thể nCoV từ Anh và Nam Phi. Kể từ khi xuất hiện, chúng nhanh chóng chiếm ưu thế tại nhiều khu vực trên thế giới. Cả hai biến thể đều có khả năng lây truyền cao hơn, làm tăng tỷ lệ tử vong, được dự báo là sẽ khiến đại dịch tồi tệ hơn. Đột biến E484K trong biến thể Nam Phi có khả năng làm giảm độ nhận biết của kháng thể người với virus. Như vậy, nó giúp nCoV vượt qua hàng rào miễn dịch sinh ra bởi vaccine. Gần đây, một số nhà sản xuất vaccine Covid-19 như Moderna và Pfizer thông báo sản phẩm có hiệu quả đối với biến thể mới.
Thục Linh
Ngày đăng: 11:00 | 10/02/2021
/ vnexpress.net