Bom nhiệt hạch là vũ khí rất phức tạp, cho phép tạo vụ nổ lớn gấp hàng triệu lần quả bom Mỹ từng ném xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un kiểm tra một thiết bị nhiệt hạch. Ảnh: KCNA. |
Triều Tiên hôm nay đã thử một quả bom nhiệt hạch có thể gắn lên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), đài truyền hình quốc gia Triều Tiên KCTV đưa tin. "Cuộc thử nghiệm thành công mỹ mãn", là bước tiến "đầy ý nghĩa" trong việc hoàn thành chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Trong khi đó, hãng thông tấn KCNA cho biết cuộc thử nghiệm "nhằm kiểm tra và xác thực độ chính xác, tin cậy trong công nghệ kiểm soát sức mạnh cùng cấu trúc mới áp dụng vào sản xuất bom nhiệt hạch".
Một quan chức Hàn Quốc nhận định uy lực lần thử này của Triều Tiên mạnh gấp 5 đến 6 lần so với lần thử hồi tháng 9/2016.
Trước vụ thử, Bình Nhưỡng sở hữu hàng loạt đầu đạn phân hạch (bom A) cỡ nhỏ có độ tin cậy cao và sức mạnh tương đương các quả bom ném xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản trong Thế Chiến II. Tuy nhiên, hầu hết giới chuyên gia cho rằng Triều Tiên chỉ có thể sở hữu bom nhiệt hạch (bom H) thô sơ sau năm 2020 với sức nổ 100 kiloton, tương đương 100.000 tấn thuốc nổ TNT hoặc 7 quả bom ném xuống Hiroshima.
Sức mạnh các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. |
New York Times dẫn lời David Albright, chủ tịch Viện Khoa học và An ninh Quốc tế (ISIS), trụ sở tại Mỹ, cho rằng vụ thử đánh dấu thêm một bước tiến nhanh đáng sợ của Triều Tiên. Bom nhiệt hạch là vũ khí hạt nhân thế hệ hai, sử dụng thiết kế kép gồm tầng sơ cấp là một quả bom phân hạch và tầng thứ cấp là nhiên liệu cho phản ứng nhiệt hạch.
Phản ứng nhiệt hạch giải phóng năng lượng từ quá trình tổng hợp hai hạt nhân nhẹ (đồng vị hydro như deuterium và tritium) thành một hạt nhân nặng hơn (heli). Đây cũng là phản ứng diễn ra trên Mặt Trời.
Tuy nhiên, do các hạt nhân đều tích điện dương và đẩy nhau, cần phải có lượng năng lượng rất lớn hay mức nhiệt độ khổng lồ để đưa chúng tới khoảng cách đủ gần để xảy ra phản ứng tổng hợp hạt nhân. Điều kiện này chỉ có thể đạt được nhờ kích nổ tầng sơ cấp.
Uy lực của bom nhiệt hạch là sự tổng hợp của vụ nổ phân hạch sơ cấp và nhiệt hạch thứ cấp. Một số loại bom H cỡ lớn có thể sử dụng tới ba tầng gây nổ, gồm hai tầng phân hạch và một tầng nhiệt hạch ở giữa.
Thiết kế cơ bản của bom nhiệt hạch. Đồ họa: Wikipedia. |
Mẫu bom H đầu tiên được Mỹ nghiên cứu phát triển vào năm 1951 và thử nghiệm sau đó một năm. Thiết kế bom nhiệt hạch hoàn thiện được gọi là "cấu trúc Teller-Ulam", đặt theo tên hai nhà khoa học là Edward Teller và Stanislaw Ulam. Những loại bom H tương tự cũng được phát triển bởi Liên Xô, Anh, Pháp và Trung Quốc.
Bom nhiệt hạch là thiết kế mang lại hiệu quả cao nhất ở mức đương lượng nổ từ 50 kiloton trở lên, vượt xa uy lực của các loại bom phân hạch trước đó. Mọi đầu đạn có sức nổ trên 50 kiloton của các cường quốc hạt nhân đều là vũ khí nhiệt hạch sử dụng cấu trúc Teller-Ulam.
Nhiều nhà phân tích cho rằng Triều Tiên chưa đủ khả năng phát triển và sở hữu bom nhiệt hạch, còn vụ thử hạt nhân thứ 6 chỉ là một quả bom phân hạch thông thường được thổi phồng. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã đạt hàng loạt bước tiến trong chương trình tên lửa và hạt nhân chỉ trong thời gian ngắn, khiến những tuyên bố của nước này không thể bị xem nhẹ.
"Các bạn có thể tin hay không thì tùy. Nhưng nên nhớ rằng Trung Quốc thử quả bom hạt nhân đầu tiên vào năm 1964. Chỉ ba năm sau, họ đã sở hữu bom nhiệt hạch. Không có lý do gì ngăn cản Triều Tiên phát triển với tốc độ như vậy", giáo sư Lee Sung-yoon, chuyên gia phân tích tại đại học Tufts, Mỹ, cho hay.
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/quan-su/uy-luc-loai-bom-nhiet-hach-trieu-tien-vua-thu-nghiem-3636570.html
Ngày đăng: 07:46 | 04/09/2017
/ Tử Quỳnh/VnExpress