Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về thị trường chứng khoán, bởi so với mức đỉnh đầu năm nay thì đến đầu tháng 10 này, thị trường chứng khoán nước ta có mức giảm mạnh nhất thế giới.
Quang cảnh phiên họp của UBTVQH |
Sáng 11-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào các báo cáo của Chính phủ về kinh tế xã hội, dự toán ngân sách năm 2022 và kế hoạch 2023.
Báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh việc kiểm soát được dịch Covid-19 là nền tảng quan trọng để mở cửa nền kinh tế, đưa đời sống người dân trở lại trạng thái bình thường mới ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội ngày càng nặng nề hơn.
Cả năm 2022 dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu so với kế hoạch Quốc hội giao, tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch 5 năm.
Một chỉ tiêu dự kiến không đạt là tốc độ tăng năng suất lao động xã hội, ước tăng khoảng 5,2% (mục tiêu đề ra là 5,5%). Ngoài ra, hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do giá xăng dầu, nguyên liệu, vật tư đầu vào, chi phí sản xuất cao.
Dự báo tình hình năm 2023, báo cáo của Chính phủ nêu: “Có thể nói tình hình thế giới, trong nước có thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là đối với việc điều hành kinh tế vĩ mô”.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, ước thực hiện cả năm 2022 có 14/15 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt mục tiêu, trong đó tăng trưởng GDP ước khoảng 8%; CPI khoảng 4%. Đây là những kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, nhiều thách thức lớn hơn so với dự báo.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra |
Về các tồn tại, hạn chế, cơ quan thẩm tra đề nghị đánh giá kỹ hơn về thị trường chứng khoán, bởi thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang phát triển nhanh nhưng có nhiều biến động và tiềm ẩn rủi ro. Vụ việc xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan cùng với những vụ việc khác liên quan đến thị trường trái phiếu đã xảy ra trong năm đang được xã hội, người dân rất quan tâm.
Ông Vũ Hồng Thanh dẫn chứng: kết thúc phiên ngày 7-10, chứng khoán Việt Nam đã giảm 484 điểm, tương ứng 31,8% từ đỉnh (ngày 6-1-2022), là thị trường có mức giảm mạnh nhất thế giới. VN-Index hiện đang ở mức thấp nhất kể từ phiên ngày 10-12-2020; HNX-Index và UPCoM-Index cũng đang ghi nhận mức điểm thấp nhất trong gần hai năm trở lại đây.
Thị trường bất động sản có dấu hiệu tăng nóng trong những tháng đầu năm 2022, có tình trạng “đẩy giá” gây sốt ảo bất động sản. Rủi ro liên thông giữa thị trường vốn với hệ thống các tổ chức tín dụng và thị trường bất động sản gia tăng.
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế xảy ra tại bệnh viện công ở nhiều địa phương, ảnh hưởng lớn tới công tác khám bệnh, chữa bệnh…
Đặc biệt, cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng; nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán. Điển hình, vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Cục Quản lý dược – Bộ Y tế, Bộ Tư lệnh cảnh sát biển; Vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao; Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế (AIC); vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, tập đoàn FLC, tập đoàn Tân Hoàng Minh…
Ngày đăng: 14:24 | 11/10/2022
Tiến Hưng / ANTD