Ngày 21/7, ông Ranil Wickremesinghe chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Sri Lanka. Khôi phục niềm tin trong nhân dân hay nhanh chóng vực dậy đất nước sau khủng hoảng sẽ là những lựa chọn mà vị tân Tổng thống cần cân nhắc ngay lúc này.

Văn phòng Tổng thống thông báo ông Wickremesinghe đã tuyên thệ nhậm chức trước Chánh án Jayantha Jayasuriya. Theo các nguồn tin chính thức, chính trị gia 73 tuổi này dự kiến sẽ sớm thành lập nội các với tối đa 30 Bộ trưởng.

Trước đó, trong cuộc bỏ phiếu bầu Tổng thống tại Quốc hội Sri Lanka diễn ra ngày 20/7, ông Wickremesinghe giành được 134 phiếu bầu từ 225 thành viên Quốc hội, bỏ xa hai đối thủ là nghị sỹ Dullas Alahapperuma thuộc đảng cầm quyền Podujana Peramuna (SLPP) được 82 phiếu bầu và lãnh đạo đảng Quyền lực nhân dân quốc gia (NPP) Anura Kumara Dissanayake chỉ được 3 phiếu bầu.

Ưu tiên hàng đầu của tân Tổng thống Sri Lanka -0
Tân Tổng thống Sri Lanka gánh vác trọng trách lớn lao đưa đất nước vượt qua khủng hoảng.         Ảnh: CNN

Ông Wickremasinghe đã từng 6 lần giữ chức Thủ tướng của Sri Lanka. Ông trở thành quyền Tổng thống theo quy định của Hiến pháp Sri Lanka sau khi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa rời khỏi đất nước và thông báo từ chức.

Với sự ủng hộ mạnh mẽ từ Đảng Nhân dân Sri Lanka (SLPP) cầm quyền, chiếm đa số trong Quốc hội, ông Wickremesinghe đã trở thành Tổng thống thứ 8 của Sri Lanka. Tổng thư ký Đảng SLPP, ông Sagara Kariyawasam nhận định, trong thời điểm này, tân Tổng thống Ranil Wickremesinghe là người duy nhất có kinh nghiệm và năng lực trong việc đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết tình trạng khủng hoảng tại quốc gia Nam Á này. Tân Tổng thống sẽ đảm nhận chức vụ trong thời gian còn lại nhiệm kỳ của ông Rajapaksa, đến tháng 11/2024.

Trên cương vị Tổng thống Sri Lanka, ông Wickremesinghe đối mặt với nhiệm vụ đưa quốc đảo Nam Á này thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập năm 1948. Đây được coi là sứ mệnh tối quan trọng của ông. Sri Lanka đã trải qua nhiều tháng thiếu lương thực, thuốc men và nhiên liệu, mất điện kéo dài cùng với lạm phát phi mã, sau khi cạn kiệt ngoại tệ không nhập khẩu được các mặt hàng thiết yếu, dẫn tới cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có.

Giá cả các mặt hàng thiết yếu tại Sri Lanka đã tăng gấp 3 lần trong những tháng gần đây. Theo Chương trình Lương thực thế giới (WFP), gần 5 triệu người Sri Lanka - tương đương 22% dân số nước này - cần viện trợ lương thực. Mặc dù chính quyền tân Tổng thống Wickremesinghe chưa đưa ra các kế hoạch cho tương lai nhưng một số nhà lập pháp đã tuyên bố ủng hộ ông nhằm thành lập một chính quyền đa đảng phái. Trong một tuyên bố, nhà lãnh đạo Sri Lanka cho biết sẽ bắt đầu các bước thay đổi Hiến pháp để cắt giảm quyền lực của Tổng thống và củng cố Quốc hội, khôi phục luật pháp và trật tự, cũng như việc đưa ra các hành động pháp lý đối với những người biểu tình.

Đáng lưu ý, trong bài phát biểu sau chiến thắng, tân Tổng thống Wickremesinghe thừa nhận đất nước đang phải đối mặt với "những thách thức lớn". Ông nhấn mạnh chính phủ sẽ phải xây dựng một chiến lược mới để đáp ứng nguyện vọng của người dân. "Giờ đây, tất cả mọi người cần phải đoàn kết", ông kêu gọi. Điều này xuất phát từ thực tế rằng làn sóng biểu tình đã lan rộng trên khắp Sri Lanka trong nhiều tháng qua, với đỉnh điểm là việc người dân tràn vào dinh thự Tổng thống và Thủ tướng, yêu cầu các nhà lãnh đạo từ chức.

Hồi tuần trước, cựu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã bỏ chạy khỏi đất nước, trốn tránh sự phẫn nộ của người dân. Cựu Tổng thống Gotabaya bị phản đối vì điều hành kinh tế yếu kém, đẩy đất nước lâm vào cảnh suy thoái trầm trọng. Những người biểu tình cũng không chấp nhận Tổng thống Wickremesinghe, cho rằng chính trị gia 73 tuổi này cũng góp phần gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị chưa từng có tại quốc đảo. 

Theo nhận định của một số chuyên gia, việc ông Ranil Wickremesinghe được bầu làm Tổng thống tiếp theo của Sri Lanka có thể "kích hoạt" một làn sóng biểu tình phản đối trên khắp cả nước, khi tân Tổng thống Sri Lanka được coi là một người quá thân thiết với gia đình Rajapaksa vốn cầm quyền 2 thập kỷ qua tại nước này. Việc làn sóng biểu tình kéo dài, cùng niềm tin vào chính quyền càng bị sứt mẻ, đã cho thấy sự thiếu ổn định, chia rẽ chính trị nội bộ của Sri Lanka, làm gián đoạn nỗ lực cải cách của quốc đảo này.

Vì thế, trước khi giải bài toán vĩ mô về khủng hoảng, tân Tổng thống Wickremesinghe sẽ phải khôi phục niềm tin của người dân vào đảng cầm quyền và chính phủ mới trong bối cảnh sự bất bình của người dân vẫn chưa lắng dịu. Al Jazeera nhận định, "tình trạng biểu tình có thể không kéo dài" nếu tình hình thực tế dần cải thiện dưới thời ông Wickremesinghe. Nói cách khác, để vượt qua cuộc khủng hoảng kép chưa từng có này, tân Tổng thống Wickremesinghe sẽ cần khôi phục sự ổn định chính trị, thu phục lòng dân trước khi tính tới những kế hoạch to lớn hơn nhằm đưa đất nước Sri Lanka trở lại.

https://cand.com.vn/the-gioi-24h/uu-tien-hang-dau-cua-tan-tong-thong-sri-lanka-i661268/

 

Ngày đăng: 08:32 | 22/07/2022

An Nhiên / cand.com.vn