Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) thông tin vào chiều 17/8 cho biết, Việt Nam xuất hiện biến thể phụ mới BA.2.74 của chủng Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn. Như vậy, nước ta đang có 4 biến thể phụ của chủng Omicron trong cộng đồng được cho rằng gia tăng ca mắc mới và có khả năng lẩn tránh miễn dịch. Các biện pháp ứng phó của Việt Nam khi ca mắc đang gia tăng sẽ như thế nào?
Ca mắc tăng nhanh trở lại
Theo Bộ Y tế, trong 7 ngày qua, Việt Nam ghi nhận 14.490 ca mắc COVID-19 mới. Sau một thời gian dài không có ca bệnh COVID-19 tử vong thì trong những ngày gần đây đã ghi nhận tử vong. Điển hình ngày 16/8, Việt Nam ghi nhận gần 3.000 ca mắc mới - tăng kỷ lục trong hơn 3 tháng qua và 2 ca tử vong. Đến nay, cả nước đã có 11.370.462 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo nhận định của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), hiện nay dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Trên thế giới, biến thể Omicron đang chiếm ưu thế so với các biến thể khác, trong đó đã ghi nhận các biến thể phụ như BA.4, BA.5, mới nhất là các biến thể dòng phụ thế hệ thứ hai của biến thể Omicron như BA.2.74, BA.2.75, BA.2.76. Các biến thể phụ này có khả năng lây lan nhanh hơn so với biến thể gốc và có thể làm gia tăng số ca mắc trở lại.
Cục Y tế Dự phòng cũng cho biết, tại Việt Nam ngoài biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.12.1, đã ghi nhận thêm biến thể phụ mới BA.2.74 (không phải biến thể phụ BA.2.75 như đã thông tin trong công văn của Cục Y tế Dự phòng trước đó). Tại Việt Nam, biến thể phụ mới BA.2.74 được ghi nhận lần đầu tiên tại báo cáo ngày 8/8 của Bệnh viện Bạch Mai. Như vậy, trong nước đã ghi nhận biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74, BA.2.12.1, nhất là thời gian vừa qua cả nước ghi nhận trung bình khoảng 2.000 ca mắc mới mỗi ngày, số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại.
Trao đổi với phóng viên Báo CAND, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết: “Virus có thể tồn tại lâu dài, có thể tiến hoá theo chiều hướng nhẹ đi và lưu hành lâu dài như cúm mùa, nhưng có thể biến chủng nặng hơn hoặc vô hiệu hoá vaccine, thực tế đang diễn biến phức tạp, khó lường”.
Tạo “lá chắn” cho trẻ đến trường
Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện nay tốc độ tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 còn chậm, đặc biệt là tiêm vaccine mũi 2 cho trẻ từ 5-11 tuổi và mũi 3 cho trẻ từ 12-17 tuổi. Địa phương tiêm thấp tính đến ngày 16/8 là TP Hồ Chí Minh (52,2%), Hà Tĩnh (49,5%), Đà Nẵng (45,5%), Quảng Nam (44,6%), Bình Thuận (57,4%). Năm học mới sắp bắt đầu, hàng triệu trẻ em trên cả nước quay lại trường học, song nhiều phụ huynh vẫn từ chối tiêm vaccine cho trẻ, khiến cho “lá chắn” bảo vệ trẻ trước COVID-19 chưa đạt yêu cầu đề ra.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, trẻ em vẫn bị nhiễm COVID-19, mặc dù khi nhiễm bệnh nhẹ, tuy nhiên cũng có trường hợp bệnh nặng như đã ghi nhận trẻ mắc hội chứng MIS- C (viêm đa hệ thống hậu COVID-19). “Trẻ em vẫn tiêm rất nhiều loại vaccine. Từ lúc lọt lòng trẻ đã tiêm vaccine viêm gan B ngay tại bệnh viện, sau đó tiêm vaccine lao, sởi, bại liệt, bạch hầu… Việc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ đã được WHO cấp phép và tiêm cũng an toàn, phụ huynh không nên lo lắng quá mà cần phải cho trẻ đi tiêm để phòng bệnh”, chuyên gia khuyến cáo.
Cùng lúc có 4 biến thể phụ của Omicron trong cộng đồng mà chủ đạo là biến thể phụ BA.4, BA.5 ở nhiều tỉnh phía Nam, biện pháp ứng phó với thực trạng gia tăng ca mắc hiện nay sẽ như thế nào? PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, vẫn duy trì 2 biện pháp: Ngành y phải tiếp tục giám sát đánh giá tác động, đánh giá đúng nguy cơ để đáp ứng phù hợp. Thứ hai là tổ chức việc dự phòng cá nhân, người dân không chủ quan lơ là, dẫn tới bệnh lây lan nhanh. Người dân vẫn phải đeo khẩu trang ở nơi có nguy cơ cao, khử khuẩn, không tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ. Môi trường có nguy cơ là môi trường kín, đám đông và phải bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương là người già, người bệnh nền, người suy giảm miễn dịch.
Ông Phu cũng nhấn mạnh, COVID-19 không biến mất, có thể trở thành bệnh cúm mùa, vì thế người dân không nên chủ quan mà lơ là các biện pháp phòng dịch. Thời gian qua ghi nhận nhiều ca tái nhiễm, thậm chí có người nhiễm lần thứ 3, thứ 4. “Sau 4-6 tháng tiêm vaccine, miễn dịch giảm đi, kể cả miễn dịch tự nhiên (đã mắc COVID-19) nên vẫn tái nhiễm. Do vậy cần phải tiêm vaccine và cần phải tiêm nhắc lại. Không có biến chủng lâu bền (như bệnh sốt xuất huyết, chủng mắc rồi thì không mắc lại nữa), mà COVID-19 cùng một chủng vẫn bị tái nhiễm tuýp khác nhau, thậm chí vẫn tái nhiễm biến chủng đó”, chuyên gia khuyến cáo.
Ngày đăng: 13:23 | 18/08/2022
Trần Hằng / Công an nhân dân