Chuyên gia bày tỏ ủng hộ chủ trương cấm khai thác đào rừng, bảo vệ rừng tự nhiên, tuy nhiên, cũng lưu ý để không ảnh hưởng tới người trồng và bán đào Tết.
Tại Hội nghị tổng kết công tác 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 24/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cấm tuyệt đối việc chặt phá đào rừng, yêu cầu các địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp chặt đào rừng chở về xuôi để chơi Tết.
"Trên các bờ đê, đường phố các cây đào rừng đẹp như vậy bị chặt về bày la liệt, bán không được thì làm củi, như vậy làm sao còn một nông thôn miền núi rừng đẹp? Các địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp chặt đào rừng chở về xuôi để chơi Tết”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo
Ủng hộ chủ trương này, GS. Đặng Huy Huỳnh, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng đây là việc rất thiết thực.
Theo GS Huỳnh, mỗi dịp Tết, nhiều người chặt đào rừng mang về thành phố làm ảnh hưởng đến cảnh quan, thiên nhiên miền núi và rất phản cảm.
"Đào rừng về phố cũng chỉ sống được thời gian ngắn vì không thích nghi với môi trường, khí hậu. Mỗi dịp Tết đến, người dân bỏ chơi đào rừng thì cây sẽ được giữ lại ở miền núi, góp phần phát triển du lịch địa phương và thể hiện cách ứng xử văn minh với thiên nhiên", ông Huỳnh nói thêm.
Những cây đào rừng được chuyển từ vùng cao xuống đồng bằng. |
Trả lời VTC News, TS. Nguyễn Hùng Vỹ - nhà nghiên cứu văn học dân gian, nguyên giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng bày tỏ ủng hộ chủ trương cấm khai thác đào rừng, bảo vệ rừng tự nhiên. Tuy nhiên, ông Vỹ cũng lưu ý để không ảnh hưởng tới người trồng và bán đào Tết.
"Tôi hoàn toàn ủng hộ việc bảo vệ rừng, không khai thác rừng tự nhiên, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên rừng núi. Tuy nhiên chỉ nên cấm chặt đào rừng tự nhiên chứ không nên cấm khai thác đào trồng từ các trang trại của người dân", ông Vỹ nói.
Theo TS. Nguyễn Hùng Vỹ, nhiều năm trước đây, người dân miền xuôi ít chơi đào rừng dịp Tết, chỉ đồng bào trên các vùng núi lấy cành đào về chơi trong nhà. Tuy nhiên sau này, nhiều người mang đào rừng từ miền núi về Hà Nội cũng như vùng đồng bằng để chơi vì thấy đẹp và lạ nên ngày càng nhiều người thích chơi đào rừng dịp Tết.
Nhu cầu chơi đào rừng tăng dẫn đến việc nhiều người dân trồng thêm đào để bán nhưng cũng xuất hiện tình trạng tàn phá đào rừng.
Việc người dân đổ lên vùng núi để lấy đào rừng về chơi Tết, cùng với việc khai thác quá mức đào rừng để bán khiến cảnh quan thiên nhiên chung vốn rất đẹp đẽ lại mất đi.
XUÂN TRƯỜNG
Thủ tướng yêu cầu xử nghiêm người chặt đào rừng mang về xuôi chơi Tết |
Hoa lê, đào rừng nở sớm hút khách Hà thành, người bán "hốt bạc" |
Rực rỡ sắc hoa đào rừng ở vùng rẻo cao Tây Bắc Mù Cang Chải |
Ngày đăng: 08:00 | 26/12/2020
/ vtc.vn