Kinh tế số và kỷ nguyên số mang lại nhiều điều kiện thuận lợi cho phát hành, phổ biến phim. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực còn nhiều khó khăn với cả nhà quản lý, nhà sản xuất, phát hành phim tại Việt Nam.
Có thể "mang rạp chiếu phim" về nhà
Phân tích tác động của cách mạng 4.0 đối với phát hành, phổ biến phim tại Việt Nam, Ths Hoàng Dạ Vũ, Viện Sân khấu – Điện ảnh cho rằng, các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, Internet of Things, blockchain, big data và truyền thông 5G, 4IR đã tạo ra những thay đổi đáng kể trong cách sản xuất, phát hành và phổ biến phim.
Các công nghệ như AI và big data giúp cho việc sản xuất phim trở nên dễ dàng và tiết kiệm hơn. Công nghệ AI còn có thể dự đoán doanh thu của phim, giúp các nhà sản xuất phim quyết định đầu tư ngân sách cho bộ phim sao cho hiệu quả nhất. Với sự phát triển của internet, các bộ phim có thể được phát hành trực tuyến thông qua các nền tảng như Netflix, Amazon Prime và các trang web xem phim trực tuyến khác. Điều này đòi hỏi các nhà sản xuất phim cần phải có chiến lược kinh doanh linh hoạt để thích ứng với thị trường mới này.
Sự phổ biến của các nền tảng trực tuyến cũng thúc đẩy sự đa dạng hóa trong nhu cầu của khán giả và tạo ra một thị trường tiềm năng lớn cho các nhà sản xuất phim ở Việt Nam. Các nhà sản xuất phim cũng như các nhà quản lý cần phải thích nghi với những thay đổi này, trong đó, cần chú trọng cả việc phát hành, phổ biến phim tới khán giả trong nước phát triển quảng bá phim Việt Nam ra thị trường quốc tế.
Về vấn đề này, TS Dương Viết Huy, cán bộ Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cho rằng, hiện nay, việc trao đổi, mua, bán phim với mục đích thương mại được tổ chức rất thuận tiện bằng các phương tiện công nghệ. Khi tổ chức, cá nhân có nhu cầu, họ có thể mua và thao tác hoàn toàn trên môi trường số. Với sự phát triển của công nghệ số về âm thanh, hình ảnh và công nghệ truyền dẫn, người sử dụng có thể "mang rạp chiếu phim" về nhà. Hoạt động này được diễn ra khá phổ biến bởi các nhà cung cấp dịch vụ internet…
Cũng theo ông Huy, với tính xuyên biên giới của internet, truyền dẫn tốc độ cao và lưu trữ bởi công nghệ điện toán đám mây thì phim trên internet không thể kiểm soát được nếu không có sự hỗ trợ của công nghệ. Trong hoạt động xuất, nhập khẩu phim, việc kiểm tra nội dung phim, phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim phổ biến trên không gian mạng là nhiệm vụ quan trọng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (có phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công an).
Với sự phát tán của phim rất nhanh, cơ quan quản lý nhất thiết phải có biện pháp công nghệ để xử lý tại gốc hoặc dò quét tự động trên không gian mạng. Việc đầu tư công nghệ cho nhiệm vụ này là cực kỳ tốn kém về nguồn lực, bao gồm cả tài chính và nhân lực công nghệ. Về mặt lý thuyết, ứng dụng trí tuệ nhân tạo có thể rà quét tự động theo cơ chế và thuật toán do nhà quản lý đặt ra nhưng đòi hỏi hệ thống công nghệ cực kỳ đắt đỏ.
Cùng với hậu kiểm, cần thiết lập cơ chế kiểm soát bằng công nghệ thì cơ quan quản lý kết hợp với truyền thông, giáo dục, các hình thức xử phạt... để bảo đảm răn đe cũng như tạo được môi trường phim lành mạnh trên internet, tạo điều kiện xây dựng thị trường điện ảnh của Việt Nam ngày càng phát triển, theo kịp trình độ các nước trong khu vực và quốc tế. Đây là một việc rất khó.
Phải giải bài toán về công nghệ
Một thách thức nữa là khó khăn trong thực hiện các quy định về bản quyền phim - một trong những yếu tố rất quan trọng quyết định sự thành bại của hoạt động phổ biến phim. Năm 2022, theo nghiên cứu của Media Partners Asia, Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực, sau Indonesia và Philippines về tỷ lệ vi phạm bản quyền trên không gian số.
Vi phạm bản quyền diễn ra với nhiều hình thức khác nhau và trên mọi nội dung trong đó có xem phim trên web phim lậu. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng trên môi trường số, việc bảo vệ tác phẩm gốc khỏi bị sao chép hoặc sử dụng sai mục đích trên mạng internet ngày càng trở nên phức tạp. Hiện tại có khoảng 200 trang web chiếu phim vi phạm bản quyền, với hàng trăm triệu lượt xem mỗi năm, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng từ tiền quảng cáo.
Để đối phó với các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức/cá nhân vi phạm liên tục nghĩ ra nhiều hình thức mới để đánh cắp bản quyền như thay đổi tên miền liên tục, tạo ra hàng trăm website trong cùng một thời điểm, livestream, streaming và loại hình mới nhất là review phim. Trong khi đó, quy trình báo cáo vi phạm, gỡ bỏ các website này mất từ vài ngày, thậm chí hàng tuần. Các thách thức nêu trên về bản quyền đã đặt ra cho cơ quan quản lý những bài toán công nghệ nhất thiết phải giải được để bảo vệ thị trường điện ảnh tại Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trao đổi về những thách thức của hoạt động phát hành, phổ biến phim tại Việt Nam dưới tác động của cách mạng 4.0, TS Đỗ Quốc Việt, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, Luật Điện ảnh hiện hành không còn quy định phim nhập khẩu phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh cấp giấy phép nhập khẩu và giám định phim mà thay vào đó là quy định mở để mọi tổ chức, cá nhân đều có thể nhập khẩu phim và chỉ cần cam kết không vi phạm Điều 9 Luật Điện ảnh.
Việc phổ biến phim không chỉ còn là “mảnh trời riêng” của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào và phim phổ biến tới người xem không còn bó hẹp chỉ ở môi trường rạp, trên sóng truyền hình hay mua, thuê băng, đĩa về xem ở nhà. Những thuật ngữ mới như: Nền tảng phổ biến phim, mã bảo mật (code), khóa (key) phim, phim bộ chiếu song song hay webdrama… được bổ sung ngày càng nhiều.
Do đó, việc thay đổi phương thức quản lý cũng trở thành điều tất yếu. Tuy nhiên, nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến để mang lại hiệu quả một cách thực sự, có được phương thức vận hành mới, đồng bộ, mang lại hiệu quả cho công tác quản lý hoạt động điện ảnh có thể áp dụng vào thực tiễn cuộc sống phải cần có thời gian.
Ngày đăng: 08:46 | 05/07/2023
N.Nguyễn / CAND