Có thời điểm, gần 1/3 số “điểm đen” ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội là do rào chắn hè, đường phục vụ thi công các công trình hạ tầng giao thông đô thị. Đáng nói là nhiều nhà thầu yếu kém năng lực và thiếu trách nhiệm khiến cho dự án bị chậm tiến độ, ùn tắc tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài.

Việc bố trí rào chắn trên đường Nguyễn Xiển phục vụ dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá chưa hợp lý đang gây ùn tắc nghiêm trọng. Ảnh: Tuấn Khải

Rào chắn chiếm 2/3 mặt đường gây ùn tắc kéo dài

Gần một tháng trở lại đây, tuyến đường Minh Khai, Đại La (quận Hai Bà Trưng) thông thoáng hơn hẳn sau khi nhà thầu tháo dỡ rào chắn phục vụ thi công dự án đường Vành đai 2 (cả trên cao và dưới thấp), trả lại lòng đường cho phương tiện giao thông. Nhưng không phải chủ đầu tư, nhà thầu thi công nào trên địa bàn Thủ đô cũng ý thức được trách nhiệm với xã hội như vậy.

Điển hình là một loạt “lô cốt” mọc lên trong quá trình thi công dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá khiến cho các tuyến đường Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân), Vũ Trọng Khánh, Phùng Hưng (quận Hà Đông) ùn tắc trầm trọng, gây bức xúc dư luận. Chỉ dài khoảng 300m nhưng đường Vũ Trọng Khánh có đến 9 “lô cốt”, chiếm 2/3 lòng đường rồi… bỏ hoang. Cũng tại dự án này, từ đầu tháng 11-2022, trên đường Nguyễn Xiển xuất hiện một giếng thi công được rào tôn với diện tích khoảng 100m2, chiếm 2/3 lòng đường. Chỉ ít giờ sau khi được rào tôn, trên tuyến đường này đã lập tức xuất hiện tình trạng hàng nghìn phương tiện nối đuôi nhau dài hàng cây số vì tắc đường.

“Nhà thầu quây tôn rồi để đấy, hằng tuần trôi qua không có công nhân đến thi công, trong khi đường Nguyễn Xiển là tuyến giao thông huyết mạch, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao. Chúng tôi rất bức xúc với thái độ vô cảm của chủ đầu tư và nhà thầu dự án này”, ông Nguyễn Đức Cường (khu đô thị Đại Thanh, huyện Thanh Trì) nói.

Ngay trong khu vực nội đô, từ gần một năm nay, các tuyến đường Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng (quận Đống Đa)… cũng lâm vào cảnh ùn tắc do dự án cầu vượt tại nút giao Chùa Bộc - Tôn Thất Tùng chậm tiến độ. Dự án này động thổ vào tháng 11-2021, theo kế hoạch phải hoàn thành trong tháng 6-2022, nhưng sau đó đã gia hạn đến tháng 12-2022. Thời điểm hiện tại, tiến độ thi công vẫn rất chậm chạp và dự án tiếp tục gia hạn đến quý I-2023. Như vậy, ùn tắc giao thông vẫn diễn ra hằng ngày, gây bức xúc cho người dân.

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn rất nhiều dự án khác vẫn đang rào chắn nhưng tiến độ thi công rất ì ạch, thậm chí có lúc công trường bỏ hoang thời gian dài như: Công trường thi công các ga ngầm thuộc dự án đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội; dự án cải tạo đường Âu Cơ và An Dương Vương… Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, có lúc, gần 1/3 số “điểm đen” ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố là do rào chắn phục vụ thi công các công trình hạ tầng giao thông đô thị.

Nhà thầu yếu kém và vô cảm

Liên quan đến ùn tắc trong quá trình thi công dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã từng có văn bản đề nghị chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội chỉ đạo nhà thầu thu gọn rào chắn, hoàn trả mặt bằng, vệ sinh môi trường tại các hố ga và giếng đã hoàn thành thi công để bảo đảm an toàn, phục vụ người dân đi lại thuận tiện. Đối với các vị trí rào chắn đang thi công đề nghị đẩy nhanh tiến độ; phối hợp với các lực lượng chức năng có biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, có phương án phân luồng để tránh gây ùn tắc…

Thay vì khẩn trương phối hợp cùng với các cơ quan chức năng của thành phố tìm giải pháp khắc phục, chủ đầu tư cũng chỉ biết đổ lỗi là do liên danh nhà thầu không đủ năng lực về nhân sự, thiết bị, tài chính dẫn đến một loạt hạng mục bị chậm trễ. Chủ đầu tư đã có 12 văn bản nhắc nhở, cảnh báo, đôn đốc và yêu cầu nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Tuy nhiên, nhà thầu vẫn cố tình chây ỳ, tiến độ thi công chưa được cải thiện.

Trong khi đó, tại dự án xây dựng cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, đại diện nhà thầu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Long Trần Thị Thu Hiền lý giải, dầm thép của cầu vượt được sản xuất tại 2 xưởng ở Hải Phòng và một xưởng ở Hưng Yên, quãng đường vận chuyển dài. Dầm thép thuộc diện hàng quá khổ, quá tải (mỗi phiến dầm dài 11m, rộng 6,5m) nên không đi qua được trạm thu phí trên quốc lộ 5. Do vậy, doanh nghiệp đang phải đàm phán với phía đơn vị đang quản lý, khai thác tuyến đường này. Dù không phải lần đầu tiên đơn vị xin cấp phép chở hàng quá khổ, quá tải nhưng đây cũng là điều doanh nghiệp chưa lường tới. 

Để hạn chế dự án chậm tiến độ khiến cho ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp, kéo dài như vậy, cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội cần có những giải pháp quyết liệt hơn, xử lý trách nhiệm của cả đơn vị chủ đầu tư. Dự án càng trọng điểm, cấp bách thì trách nhiệm càng cần cụ thể.

http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-thong/1048723/un-tac-giao-thong-vi-lo-cot-chiem-duong

Ngày đăng: 08:02 | 28/11/2022

TUẤN KHẢI / HNM.com.vn