Sau 1 năm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực tạm thời (từ ngày 1/1/2021) và 7 tháng có hiệu lực chính thức (từ ngày 1/5/2021), kim ngạch xuất khẩu (XK) của Việt Nam sang Vương quốc Anh trong năm 2021 đã có những tăng trưởng tốt, bất chấp việc chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy do đại dịch COVID-19 gây ra.

11 tháng năm 2021, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Anh đạt hơn 6 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó Việt Nam thặng dư thương mại 4,46 tỷ USD.

1.jpg -0

Mặc dù dịch COVID-19 phức tạp, xuất khẩu sang Anh của Việt Nam vẫn tăng trưởng ấn tượng.

Kỳ tích trong xuất khẩu

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19, thương mại Việt Nam - Anh vẫn có những bước phát triển tích cực. Vương quốc Anh hiện là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu, đứng thứ 9 trong số các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại hàng đầu của Anh tại ASEAN và đứng thứ 26 trong số đối tác xuất khẩu của Anh trên thế giới. Tổng kim ngạch XK của Việt Nam sang Anh đạt 5,24 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hầu hết các mặt hàng XK của Việt Nam sang Anh đều tăng trưởng tốt. Dẫn đầu tốc độ tăng trưởng lần lượt là các mặt hàng: sắt thép (1.183%); cao su (82,3%); nông sản (70,8%); sản phẩm mây, tre, cói và thảm (60,3%); hạt tiêu (48%); phương tiện vận tải và phụ tùng (35,3%); gốm sứ (35,2%); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (21%). Bên cạnh những nhóm hàng có kim ngạch XK tăng trưởng ngoạn mục, vẫn có nhóm hàng có kim ngạch giảm đáng kể như thủy sản; nguyên phụ liệu dệt may, da giày; dây điện và cáp điện. Tuy nhiên, “Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến nhu cầu thị trường giảm và cuộc khủng hoảng vỏ container kéo dài từ đầu năm 2021 thì kết quả XK của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cả năm 2021 có thể nói là “kỳ tích”.

Trong kỳ tích đó, Hiệp định UKVFTA đóng vai trò đòn bẩy vững chắc, nhờ được giảm thuế nhập khẩu về 0% sau ngày 1/1/2021. Nhiều sản phẩm có lợi thế cạnh tranh vượt trội tại thị trường Anh so với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và nhiều nước khác. Nguyên nhân chính là những nước này chưa có hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam với Vương quốc Anh,” ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh (kiêm nhiệm Ireland) nhấn mạnh.

Ngược lại, XK của Anh 11 tháng đầu 2021 sang Việt Nam đạt 778.178.006 USD, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm 2020. Các mặt hàng nhập khẩu từ Anh có tốc độ tăng trưởng lớn nhất lần lượt như kim loại thường khác (637%); điện thoại các loại và linh kiện (184%); nguyên liệu dệt, may, da giày (38,1%); dược phẩm (34,2%); ôtô nguyên chiếc các loại (23,1%). Mức tăng trưởng thương mại kỳ vọng cho cả năm 2021 và 2022 dự báo khả quan khi kinh tế Anh phục hồi cộng với sự nỗ lực của các DN Việt Nam và sự tiếp sức, hướng dẫn của các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.

Trong kỳ tích đó, nhiều loại trái cây Việt Nam tiếp tục có “mùa quả ngọt” khi kim ngạch XK mặt hàng rau, quả sang thị trường Anh tăng khá cao. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch XK rau, quả của Việt Nam sang Anh 11 tháng năm 2021 đạt gần 17,7 triệu USD, tăng 70,8% so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả trên có đóng góp không nhỏ của Thương vụ Việt Nam tại Anh. Trong năm 2021, Thương vụ Việt Nam tại Anh đã phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức 7 chương trình xúc tiến thương mại và giao thương trực tuyến, trong đó có 2 chương trình xúc tiến thương mại nông sản và 1 chương trình tập huấn cho DN về GlobalGAP – hộ chiếu cho nông sản tiếp cận thị trường châu Âu.

Thông qua những chương trình này, nhiều DN Việt Nam đã hiểu biết về cơ hội và thách thức thị trường, cũng như biết cách xây dựng chiến lược tạo lập quan hệ bạn hàng và phát triển thị trường bền vững dựa trên chất lượng sản phẩm và khả năng thực hiện cam kết. Ngoài các hoạt động xúc tiến thương mại, Thương vụ còn trực tiếp phối hợp với Cục trồng trọt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thương mại quốc tế Anh tháo gỡ khó khăn về thủ tục để các DN Việt Nam tận dụng được cơ chế hạn ngạch thuế quan đối với các loại gạo thơm XK sang Anh ngay sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực.

Cần sự chủ động và sẵn sàng của doanh nghiệp

Để đưa được hàng vào thị trường Anh, ông Dario Miraglia, Giám đốc thương mại, Công ty Vestey Foods International (một DN lớn của Anh chuyên nhập khẩu, phân phối thực phẩm, rau củ), cho rằng, ngoài các yêu cầu, tiêu chuẩn quốc tế chung, mỗi thị trường đều có quy định, thủ tục, giấy tờ riêng nên DN cần nắm vững các quy định này. DN Việt Nam cần trao đổi với các đối tác kinh doanh tại Anh để đáp ứng các yêu cầu này. Điều quan trọng với DN Việt Nam là tìm hiểu, nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường, sau đó tìm đối tác kinh doanh trên các website, liên hệ trực tiếp hoặc thông qua cơ quan thương vụ Việt Nam tại Anh.

Chia sẻ kinh nghiệm đưa đơn hàng vào thị trường Anh, bà Hoàng Hương Giang, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, thị trường Anh khá khó tính, họ yêu cầu hệ thống quản lý của nhà máy và tiêu chuẩn đánh giá vô cùng chặt chẽ, vì vậy May 10 luôn phải chấp nhận trải qua những đợt đánh giá hàng năm về trách nhiệm xã hội, an toàn sức khỏe người lao động. May 10 đã có hoạt động xuất hàng và kinh doanh rất thuận lợi với phía Anh từ năm 2009 và cho đến nay. Trong quá trình thương mại, hình thức thanh toán chủ yếu mà DN sử dụng vẫn chủ yếu là LC. Bà Giang cho rằng, các DN trong lĩnh vực thời trang cần đầu tư nhiều hơn về yếu tố “đội ngũ bán hàng và thiết kế” để cho ra đời những mẫu sản phẩm và chào giá phù hợp, nhanh nhất.

Để DN Việt Nam có thể nhanh chóng tận dụng cơ hội mà UKVFTA mang lại, ông Nguyễn Cảnh Cường cho biết, hiện nay, Chính phủ Anh đã chủ động thực hiện chiến lược thương mại “Global Britain” nhằm thúc đẩy XK. Anh cũng sẵn sàng mở cửa thị trường nội địa theo phương thức “có đi có lại” với các đối tác nước ngoài thông qua các FTA. Do vậy, DN Việt Nam cần nhanh chóng tận dụng cơ hội từ UKVFTA mang lại. Trong đó, DN phải tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn Anh, châu Âu, đồng thời tích cực chủ động xây dựng và phát triển quan hệ bạn hàng với các tập đoàn phân phối lớn như Tesco, Sainburry, Whole Foods, Waitrosse, Mark & Spencers, Liddle, Cosco, Aldi, Strada, Westmill.

Đặc biệt, phải chủ động được công nghệ bảo quản và vận chuyển nông sản bằng đường biển; sử dụng tốt chính sách tín dụng ưu đãi và dịch vụ đánh giá, xác minh tín nhiệm của khách hàng của các ngân hàng Anh. “UKVFTA đã tạo nên những lực đẩy mới giúp DN Việt Nam có ưu thế cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, một năm chưa phải là thời gian đủ dài để sản phẩm Việt Nam lấn át sản phẩm của các nước khác, nhưng mức tăng trưởng kim ngạch XK 15,6% trong 11 tháng năm 2021 là rất đáng khích lệ trong bối cảnh hiện nay.

Trong thời gian tới, nếu các DN Việt Nam giữ vững được sự tín nhiệm của bạn hàng và kiên định thực hiện được cam kết giao hàng, đảm bảo chất lượng thì thị phần hàng hóa Việt Nam tại Anh sẽ từng bước gia tăng trong thời gian tới,” ông Cường khẳng định.

Phan Đức

Hiệp định thương mại tự do UKVFTA: Ngành nào của Việt Nam hưởng lợi? Hiệp định thương mại tự do UKVFTA: Ngành nào của Việt Nam hưởng lợi?
Mỹ lo bị bỏ lại sau hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới RCEP Mỹ lo bị bỏ lại sau hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới RCEP
Canada dừng đàm phán hiệp định thương mại với Trung Quốc Canada dừng đàm phán hiệp định thương mại với Trung Quốc

Ngày đăng: 08:22 | 04/01/2022

/ cand.com.vn