Nỗ lực phản công của Ukraine dọc chiến tuyến Đông Nam giúp nước này giành quyền kiểm soát một số ngôi làng, nhưng đổi lại bằng thiệt hại nặng về nhân lực và thiết bị quân sự do phương Tây cung cấp.
New York Times dẫn lời phát ngôn viên cơ quan quân sự tỉnh Odessa (Ukraine), ông Serhiy Bratchuk, ngày 18/6 khẳng định, lực lượng nước này đã tập kích thành công một bãi đạn của Nga gần ngôi làng Rykove thuộc tỉnh Kherson. Vị quan chức Ukraine sau đó đăng tải đoạn video ghi lại đám cháy lớn, được cho là từ khu vực kho đạn bị tập kích, bùng lên giữa cánh đồng.
Rykove cách khu vực Ukraine kiểm soát ở bờ Tây sông Dnipro khoảng 100km về phía Đông Nam, cho thấy Kiev dường như sử dụng tên lửa tầm xa phóng từ máy bay do phương Tây viện trợ. Mẫu tên lửa hiện đại tầm xa nhất mà Ukraine sở hữu là Storm Shadow, do Anh cung cấp.
Nếu được xác nhận, đây có thể là mục tiêu đáng kể nhất nằm phía sau chiến tuyến của Nga mà Ukraine tập kích thành công sau khoảng 2 tuần kể từ thời điểm Nga và phương Tây tin rằng Kiev đã bắt đầu phát động chiến dịch phản công dọc chiến tuyến Đông Nam.
Những ngày vừa qua, Ukraine tuyên bố tái kiểm soát một số ngôi làng ở tỉnh Zaporizhzhia và Donetsk, với tổng diện tích hơn 100km2. Hôm 18/6, ông Vladimir Rogov, quan chức Zaporizhzhia do Nga bổ nhiệm xác nhận, Kiev đã giành được ngôi làng Piatykhatky nhưng hứng chịu thiệt hại nặng nề.
"Các cuộc tấn công 'như sóng' của đối phương đã mang lại kết quả, bất chấp tổn thất to lớn đối với họ", ông Rogov nói, cho biết thêm, lực lượng Ukraine tại Piatykhatky đang bị pháo binh Nga tấn công dữ dội.
Cùng ngày 18/6, Bộ Quốc phòng Nga thông báo, lực lượng nước này đã đẩy lùi một loạt cuộc tấn công của Ukraine trên ít nhất 3 khu vực tiền tuyến, trong đó, Kiev đang gây sức ép mạnh mẽ nhất ở hướng Zaporizhzhia nhưng chưa thể đạt đột phá, Reuters đưa tin.
Theo giới quan sát, đợt phản công lần này của Ukraine khó khăn hơn nhiều giai đoạn mùa Thu 2022 khi Kiev có thể nhanh chóng tái kiểm soát khu vực rộng lớn ở tỉnh Kherson và Kharkov do Nga chủ động rút về phía bên kia sông Dnipro (ở Kherson) và sông Oksil (Kharkov) để lập tuyến phòng thủ.
Khi chiến tuyến ổn định hơn, Nga đã đưa ra chiến trường nhiều loại khí tài phòng thủ, bao gồm các hệ thống tác chiến điện tử có khả năng gây nhiễu GPS, khiến các loại vũ khí mà Ukraine nhận được từ phương Tây như tên lửa, pháo HIMARS, máy bay không người lái (UAV) tự sát không có nhiều cơ hội đánh trúng các mục tiêu nằm phía sau tiền tuyến.
Trên chiến trường, Nga cũng áp đảo hoàn toàn về năng lực tác chiến đường không do các hệ thống phòng không của Ukraine hoặc đã bị phá hủy, hoặc còn rất ít đạn dược để hoạt động.
Ngoài ra, các ngôi làng mà Ukraine vừa giành được đều nằm ở ranh giới kiểm soát giữa hai bên. Phía sau đó là các bãi mìn dày đặc được bao phủ bởi hỏa lực pháo binh mạnh mẽ và công sự chống tăng, nên không thể coi chúng là thành quả mang tính bước ngoặt khi so sánh với thiệt hại mà Ukraine hứng chịu.
Hôm 16/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Kiev chịu tổn thất lớn trong cuộc phản công. Theo ông Putin, Ukraine mất 186 xe tăng, hơn 400 xe bọc thép. Trước đó vài ngày, nhà lãnh đạo Nga từng khẳng định, Kiev đã thiệt hại tới 25-30% lượng thiết giáp mà phương Tây cung cấp.
Hình ảnh do phía Nga đăng tải cho thấy hàng chục thiết giáp, bao gồm xe tăng Leopard 2A6 hiện đại nhất do Đức sản xuất và xe chiến đấu M2 Bradley của Mỹ bị phá hủy trên chiến trường. Về nhân lực, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định, Kiev mất 7.500 quân nhân chỉ sau ít ngày giao tranh.
Ukraine không công bố thiệt hại trong xung đột với Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thừa nhận, Kiev hứng tổn thất về thiết bị khi phản công, nhưng quả quyết rằng, Ukraine vẫn có rất nhiều thiết bị và "sức mạnh chiến đấu".
EuroPravda dẫn lời người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự Estonia Margo Grosberg thì đánh giá Ukraine mất gần 10% số trang thiết bị do các nước phương Tây cung cấp kể từ khi phản công, thấp hơn số liệu mà Nga đưa ra.
Trong khi triển khai lực lượng tinh nhuệ và khí tài hiện đại để phản công, Ukraine cũng đang chống đỡ các đợt tiến công của Nga dọc chiến tuyến kéo dài gần 1.000km. Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Malyar cho biết, quân đội Ukraine phải "vừa tấn công, vừa phòng thủ" khi Nga cũng đang "tấn công theo nhiều hướng".
"Đối phương đang tăng số lượng các đợt pháo kích bằng cả pháo binh lẫn các cuộc không kích. Bằng cách đó, họ đang ngăn chặn cuộc phản công", bà Malyar nói, thừa nhận các lực lượng của nước này đang đối mặt với nhiều khó khăn ở khu vực phía Nam do địa hình đồng bằng trống trải.
Các nhà phân tích nhận định, nếu Ukraine lần này không giành lại được lãnh thổ đáng kể, cuộc xung đột có thể rơi vào thế bế tắc kéo dài, khiến các nước phương Tây mệt mỏi và suy giảm viện trợ. Mỹ đến nay là bên viện trợ lớn nhất, với hơn 40 tỷ USD đã chuyển cho Kiev dưới dạng các gói hỗ trợ an ninh.
Ngày đăng: 07:49 | 19/06/2023
Thái An / CAND