Máy bay không phải "cây kim trong đống cỏ khô"; Ukraine không dễ dàng che giấu và bảo vệ số máy bay F-16 đang có trước các cuộc tấn công của Nga.
Những chiếc F-16 đầu tiên của Ukraine được đưa vào hoạt động từ tháng 7. Ngoài vài lần xuất kích đánh chặn các cuộc tập kích đường không của Nga, chúng gần như nằm đất. Sự xuất hiện của F-16 không mang lại những tác động có thể làm thay đổi chiến trường như Kiev từng tuyên bố, và khả năng chiến đấu của chúng đang bị kìm hãm vì một lý do nào đó.
Bình luận về vấn đề này, chuyên gia quân sự Nga Andrei Krasnoperov nói với Sputnik rằng, máy bay không phải "cây kim trong đống cỏ khô". Ông cũng cho rằng Ukraine đang làm mọi cách có thể để che giấu và bảo vệ số máy bay F-16 hiện tại trước các cuộc tấn công của Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong buổi lễ đưa phi đội F-16 đầu tiên vào hoạt động trong tháng 7/2024. (Ảnh: AP)
"Với vật thể kim loại lớn như F-16, chỉ có thể bảo vệ nó bằng các hầm ngầm", ông Krasnoperov nói.
Theo Sputnik, một cuộc tấn công của Nga vào căn cứ không quân Starokonstantinov, miền tây Ukraine vừa qua đã phá hủy nhiều máy bay F-16 của Kiev. Tuy nhiên, thông tin này chưa được Bộ Quốc phòng Nga xác nhận.
Ông Krasnoperov nói thêm, ngay cả các hầm trú chứa máy bay bằng bê tông cũng chỉ mang đến khả năng bảo vệ tạm thời. Nếu bị tên lửa Kinzhal tấn công thì các căn hầm sẽ sụp đổ.
Chuyên gia này phân tích, máy bay là sản phẩm kỹ thuật cao, chỉ cần một mảnh đạn nhỏ đánh trúng cũng có khả năng khiến chúng không thể hoạt động. Việc sửa chữa F-16 ở Ukraine là điều bất khả và cần đến các chuyên gia nước ngoài thực hiện.
“Cho đến nay, Ukraine chỉ nhận 6 chiếc F-16 và họ đã mất một chiếc trong một tai nạn không rõ ràng. Trong trường hợp Ukraine muốn sử dụng F-16 tấn công các kho đạn nằm sâu bên trong lãnh thổ Nga, chúng phải đối mặt hệ thống phòng không dọc theo mặt trận", ông Krasnoperov nói.
Chuyên gia Nga khẳng định, ngay cả mạng lưới hầm ngầm đang được xây dựng tại các sân bay ở miền tây Ukraine cũng sẽ không cứu được những chiếc F-16 nếu chúng xuất hiện nhiều hơn trên không. Nếu Nga xác định được mục tiêu, các cuộc tập kích tên lửa sẽ sớm được thực hiện.
Ông Krasnoperov nói, cách tiếp cận của phương Tây đối với việc giao F-16 cho Kiev chỉ mang tính hình thức, rằng các nước NATO thay vì vứt bỏ F-16 sắp hết hạn sử dụng thì chuyển nó đến Kiev. Đổi lại, các thành viên NATO sẽ nhận được hỗ trợ để mua sắm tiêm kích tàng hình F-35 từ Mỹ.
Điều này cũng có nghĩa là khi phi đội F-16 của Ukraine được mở rộng theo đúng cam kết của NATO, chúng cũng không thể tạo nên thay đổi đủ lớn.
Ngày đăng: 08:37 | 29/09/2024
Trà Khánh / VTC News