Thủ tướng Italia cảnh báo, nhiều thành viên chủ chốt trong EU phản đối trao tư cách ứng viên EU cho Ukraina.

Trong một buổi họp báo tại Bỉ, Thủ tướng Italy Mario Draghi ngày 31/5 tiết lộ rằng: "Hầu hết các nước lớn trong EU, ngoại trừ Italy, đều phản đối việc cấp tư cách thành viên cho Ukraine".

Theo ông Draghi, vào tháng 6, các quan chức EU có thể sẽ cố gắng soạn ra một đề xuất kế hoạch để đẩy nhanh tiến độ kết nạp Ukraine.

Theo Thủ tướng Italy, hầu hết các nước phải chờ vài năm để được trở thành ứng cử viên, chứ chưa đề cập tới việc trở thành thành viên chính thức của liên minh.

4941_06.01_ViYc_Ukraine_YYy_nhanh_tiYn_trinh_gia_nhYp_EU_Yang_gYp_sY_phYn_YYi_cYa_nhiYu_nYYc_thanh_vien_chY_chYt_trong_khYi._NguYn_NghY_viYn_chau_Au
Ảnh minh họa

Ukraine đã nộp đơn xin gia nhập EU vào ngày 28.2, bốn ngày sau khi bùng phát xung đột với Nga. Hội đồng Châu Âu “thừa nhận nguyện vọng và sự lựa chọn Châu Âu của Ukraine” vào tháng 3 và cho biết đã nhanh chóng chuyển thủ tục giấy tờ của Kiev cho Ủy ban châu Âu. 

Những ý kiến phản đối, ủng hộ Ukraine rất khác nhau giữa các nước và thay đổi theo thời gian. Theo trang EURACTIV, cho đến nay, chỉ có 8 nước EU ủng hộ vô điều kiện việc cấp cho Ukraine tư cách ứng viên trong tương lai gần, bao gồm: Estonia, Latvia, Litva, Ba Lan, Czech, Slovakia, Italia và Bulgaria. 

Các quốc gia do dự trong việc ủng hộ cấp tư cách ứng viên cho Ukraine bao gồm: Thuỵ Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Bỉ, Ireland, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Áo, Croatia, Romania, Hy Lạp, Cyprus. Một số trong những quốc gia này do dự vì chờ đợi vào đánh giá của Uỷ ban Châu Âu. Chẳng hạn Ireland đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc cấp tư cách ứng viên EU cho Ukraine nhưng vẫn chờ ý kiến ​​của Ủy ban Châu Âu nên được EURACTIV đánh dấu là "do dự".

Trong khi đó, một số quốc gia khác như Slovenia và Hungary đều bày tỏ sự ủng hộ đối với việc trao quy chế ứng cử viên cho Ukraina càng sớm càng tốt khi bắt đầu nổ ra xung đột Nga-Ukraine. Tuy nhiên, sau các cuộc bầu cử thay đổi chính phủ ở Slovenia và quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Hungary và Ukraine thì lập trường hiện tại của hai nước này là không rõ ràng.

Vào đầu tháng 5, Nga tuyên bố không chấp nhận việc Ukraine trở thành thành viên EU, tương tự như không chấp nhận việc Kiev gia nhập NATO.

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, đề nghị gia nhập EU của Ukraineđã trở thành một trong những vấn đề được các nước EU quan tâm. Câu hỏi liệu có nên cấp cho quốc gia này tư cách ứng cử viên - bước quan trọng đầu tiên trên con đường dài và quanh co để trở thành thành viên EU - dự kiến ​​sẽ nằm trong chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo quốc gia thành viên trước khi kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch EU của Pháp vào ngày 1.7.

Nhưng cho đến nay, có rất ít sự đồng thuận về bước đầu tiên của Ukraine sẽ như thế nào. Tổng thống Volodymyr Zelensky thậm chí còn đi xa hơn khi nói rằng Ukraine“không cần các lựa chọn thay thế để ứng cử vào EU”.

“Chúng tôi không cần thỏa hiệp” - ông Zelensky nói với các phóng viên ở Kiev trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa trong chuyến thăm vào tuần trước.

Tuần trước, Bộ trưởng châu Âu của Pháp Clement Beaune nhận định rằng nỗ lực của Ukraine nhằm gia nhập EU dường như sẽ khó hoàn thành trong 15-20 năm nữa.

Kể từ khi chiến sự bùng phát hơn 3 tháng trước, EU đã tung ra tổng cộng 6 gói trừng phạt Nga để gây áp lực lên Moscow, trong đó gói gần nhất thống nhất trên nguyên tắc về việc cấm vận một phần dầu nhập khẩu từ Nga.

Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho biết ông hoan nghênh sự đồng thuận của EU với gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga, nhưng kêu gọi "tạm dừng" cho tới khi EU nắm rõ được tác động của việc cấm vận dầu Nga. Ông nhấn mạnh rằng ưu tiên chính hiện tại là tìm ra cách tốt nhất để "giữ giá cả nhiên liệu trong tầm kiểm soát".

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo các nước châu Âu đang "tự sát về kinh tế" khi muốn từ bỏ nhiên liệu Nga.

Ngày đăng: 10:35 | 01/06/2022

PV (th) / Nghề nghiệp và cuộc sống