- Với giấy gói và nhãn mác như các bộ phận của tuabin gió, chiếc UAV này đang cố gắng để vượt qua lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc để đến Libya.

Trong một diễn biến bất ngờ, máy bay không người lái Wing Loong do Trung Quốc sản xuất, dường như đang trên đường đến Libya, đã bị chính quyền Italia tịch thu ngoài khơi bờ biển miền nam nước này.

Những chiếc máy bay không người lái đã được tháo rời và đựng trong các thùng được đánh dấu là chứa các bộ phận của tua bin gió, dường như đây là một nỗ lực nhằm trốn tránh lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc áp đặt đối với Libya, để chuyển chúng tới tay của tướng Khalifa Haftar, chỉ huy của Quân đội Quốc gia Libya (LNA).

Các viên chức Italia tháo lớp bảo vệ khỏi thân máy bay Wing Loong.

Các viên chức Italia tháo lớp bảo vệ khỏi thân máy bay Wing Loong.

Tịch thu Wing Loong

Các quan chức Italia đã tịch thu ba container chứa đầy vũ khí, bao gồm cả máy bay không người lái và hai trạm điều khiển UAV, tại cảng Gioia Tauro ở miền nam nước này vào ngày 18/6, tờ The Times of London mới đưa tin gần đây.

Theo The War Zone, các container bị tịch thu sau khi được dỡ khỏi tàu chở hàng MSC Arina, con tàu này đến từ Trung Quốc. Có vẻ như kế hoạch là chuyển những container đó lên một tàu khác, sau đó sẽ thực hiện chuyến đi đến Benghazi ở Libya.

Trong khi đó, vào cuối tuần trước, các nhà điều tra Italia đã thu giữ thêm ba container nghi vấn được đưa đến cùng cảng, trên một tàu chở hàng khác. Cơ quan điều tra Italia cho biết, các bộ phận máy bay không người lái đã được đặt bên trong lớp phủ bảo vệ cùng loại, được sử dụng để vận chuyển cánh tuabin gió. Rõ ràng, đây là một nỗ lực rất có chủ đích nhằm ngụy trang các thiết bị quân sự này thành hàng hóa dân sự.

Người nhận đơn hàng này rất có thể là tướng Haftar, ông đã nắm giữ quyền lực ở phía đông của đất nước kể từ khi xảy ra đảo chính lật đổ chính quyền của cố Tổng thống Muammar Gaddafi vào năm 2011. Kể từ đó lực lượng của Haftar đã xảy ra nội chiến với lực lượng Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA).

GNA được Liên hợp quốc hậu thuẫn hiện có trụ sở tại Tripoli và do Thủ tướng Abdul Hamid Dbeibah đứng đầu. Đất nước hiện nay về cơ bản bị chia cắt thành hai phần đông và tây, mỗi phần đều có chính phủ và lực lượng vũ trang riêng.

Các viên chức hải quan Italia bên cạnh thân máy bay Wing Loong vẫn còn nguyên vẹn, trên đó có khẩu hiệu liên quan đến đặc tính tiết kiệm năng lượng của năng lượng gió.

Các viên chức hải quan Italia bên cạnh thân máy bay Wing Loong vẫn còn nguyên vẹn, trên đó có khẩu hiệu liên quan đến đặc tính tiết kiệm năng lượng của năng lượng gió.

Khả năng của Wing Loong ở Lybia

Trước đây, các máy bay không người lái Wing Loong do Trung Quốc sản xuất đã được Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất mua và cung cấp cho LNA. Wing Loong là loại UAV tầm trung, có thời gian bay dài, tương tự như MQ-9 Reaper của Mỹ.

Wing Loong được phát triển chủ yếu để giám sát, chiếc UAV này cũng có thể được trang bị vũ khí không đối đất, như tên lửa Blue Arrow-7. Với tầm bay khoảng 1.500 km và bay được liên tục trong khoảng 20 giờ, tùy thuộc vào tải trọng và các yếu tố khác, như vậy Wing Loong có thể bay khắp lãnh thổ Libya.

Để đáp trả sự xuất hiện của Wing Loong trong cuộc xung đột Libya, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu cung cấp máy bay không người lái Bayraktar TB2 cho GNA đối thủ. TB2 có tải trọng nhỏ hơn và tầm bay ngắn hơn Wing Loong, nhưng chiếc UAV này vẫn là một thành phần quan trọng trong kho vũ khí của GNA.

Tuy nhiên, hiện nay có vẻ như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống đã giảm hỗ trợ cho LNA, sau một sự cố gây chú ý vào năm 2020. Trong đó một chiếc Wing Loong đã được LNA sử dụng để tấn công một học viện quân sự ở Tripoli, khiến 26 học viên thiệt mạng. Một cuộc điều tra của BBC cho thấy vũ khí được sử dụng là tên lửa Blue Arrow-7 do Trung Quốc sản xuất.

Bất kể tình trạng hỗ trợ của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cho các hoạt động máy bay không người lái của LNA như thế nào, nhưng sự hiệu quả của Wing Loong vẫn là lý do chính đáng để LNA mua các lô hàng tiếp theo từ Trung Quốc.

UAV Wing Loong của Trung Quốc.

UAV Wing Loong của Trung Quốc.

Nhu cầu về UAV trong cuộc xung đột Lybia

Trong khi đó, các chuyên gia phân tích cho rằng, động cơ bán máy bay không người lái của Trung Quốc có thể xuất phát từ nhu cầu về dầu mỏ của Libya. Tờ Times of London đưa tin rằng, hồi tháng 4/2024, hai người Libya đã bị buộc tội tại Canada sau khi phát hiện ra rằng, họ đang môi giới một thỏa thuận gửi máy bay không người lái cho LNA để đổi lấy "hàng triệu thùng" dầu.

Mặc dù điều này rõ ràng là vi phạm lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Libya, trong đó cấm xuất khẩu dầu mỏ, cũng như nhập khẩu vũ khí đến quốc gia này, nhưng nó cũng gây ra tình huống khó khăn cho Italia.

Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Giorgia Meloni, Italia đã tìm cách xây dựng mối quan hệ với Tướng Haftar của LNA, cũng như với Thủ tướng Dbeibah của GNA, để cố gắng hợp tác với họ nhằm phá vỡ các tuyến đường di cư từ Bắc Phi đến Italia.

Cùng lúc đó, Haftar ngày càng xích lại gần Nga hơn, điều này đã gây ra mối lo ngại ở Washington. Đối với Moskva, Haftar đang trở thành đồng minh chủ chốt ở Bắc Phi, giúp cho các tàu của Nga dỡ vũ khí tại cảng Tobruk, nơi chúng được chuyển đến để hỗ trợ các hoạt động quân sự của Nga và các lực lượng được Moskva hậu thuẫn trên khắp lục địa.

Trong khi đó, tình hình bế tắc ở Libya vẫn tiếp diễn, khi máy bay không người lái vũ trang hiện đã trở thành một năng lực cực kỳ quan trọng đối với cả hai bên.

LNA và GNA đã bắt đầu cuộc nội chiến bằng các cuộc không chiến, bao gồm cả các máy bay phản lực thời Chiến tranh Lạnh do Pháp và Liên Xô sản xuất, những máy bay này đã phải chịu tổn thất lớn và khả năng hoạt động hiện tại của chúng, cũng như số lượng phi công được đào tạo hiện rất hạn chế.

Và máy bay không người lái đã thay thế hiệu quả cho những chiếc máy bay chiến đấu có người lái, thực hiện hàng nghìn cuộc không kích trong thời gian qua. Năm 2019, trước khi cuộc xung đột toàn diện giữa Nga và Ukraine nổ ra, Đặc phái viên Liên hợp quốc Ghassan Salamé đã mô tả cuộc nội chiến Libya là "cuộc chiến máy bay không người lái lớn nhất thế giới".

Cả hai bên trong cuộc xung đột ở Lybia đều nhận thức rõ ràng về những lợi thế mà máy bay không người lái mang lại, cả về giám sát và tấn công, đặc biệt là ở khoảng cách xa. Với suy nghĩ đó, không có gì ngạc nhiên khi lực lượng của Haftar sẽ nỗ lực hết sức để có được nhiều máy bay Wing Loong do Trung Quốc sản xuất.

https://vtcnews.vn/uav-wing-loong-cua-trung-quoc-nguy-trang-thanh-tua-bin-gio-bi-italia-bat-giu-ar883001.html

Ngày đăng: 09:05 | 23/07/2024

LÊ HƯNG(Nguồn: The War Zone) / VTC News