Giống các cuộc chiến gần đây, xung đột Nga - Ukraine có sự tham gia đắc lực của các cỗ máy sát thủ trên không - UAV cảm tử.

Tuần này Nga sử dụng các UAV “cảm tử” để đánh sâu vào Ukraine và thủ đô Kiev. Với kích cỡ nhỏ, các thiết bị bay không người lái này được thiết kế để tấn công ở cự ly xa. Chúng đủ linh hoạt để tránh nhiều hệ thống phòng không khác nhau.

Khác với các UAV tấn công khác, các máy bay không người lái mà Nga vừa sử dụng trên chiến trường Ukraine không mang theo vũ khí để tiêu diệt mục tiêu vì bản thân chúng đã là vũ khí.

Tin tức cho hay, các UAV “kamikaze” này được Nga nhập khẩu từ Iran.

UAV cảm tử được Nga và Ukraine sử dụng thế nào trong xung đột 2022? - 1

UAV Shahed-136 do Iran chế tạo. Đồ họa: AFP.

Samuel Bendett, một nhà phân tích về quân đội Nga tại trung tâm nghiên cứu CNA có trụ sở ở Virginia (Mỹ) nhận định: "Đây vừa là vũ khí quân sự vừa là vũ khí tâm lý”. Ông nói thêm: “Các cuộc công kích nhằm vào các thành phố lớn được bảo vệ trước các mối đe dọa từ trên không này cho thấy Nga vẫn có năng lực gây ra thiệt hại cho các mục tiêu”.

Như vậy, cho tới nay, có thể nói các cuộc tấn công bằng UAV đã trở thành một đặc điểm thường trực của cuộc xung đột Ukraine - Nga, với hai bên đều nỗ lực tận dụng loại phi cơ không người lái chết người này theo nhiều cách khác nhau.

UAV tự sát là gì?

Giới chức Mỹ và Ukraine nhận định các UAV mà Nga vừa triển khai thời gian gần đây được sản xuất ở Iran với tên gọi Shahed-136. Chúng được thiết kế để tấn công các mục tiêu cụ thể bằng thuốc nổ được mang qua cự ly xa tới 2.414km.

Nga được cho là đặt lại tên loại UAV này thành Geran-2. Iran phủ nhận đã cung cấp cho Nga loại vũ khí đó.

Các UAV nói trên là một phần trong chủng loại “đạn dược lảng vảng” - nghĩa là chúng được thiết kế để bay lởn vởn trên chiến trường, tìm kiếm mục tiêu như radar, theo Ingvild Bode - Phó Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến tranh thuộc Đại học Nam Đan Mạch. Vị giáo sự này cho biết, “khi chúng phát hiện mục tiêu, chúng sẽ lao thẳng xuống đó”.

Ulrike Esther Franke - một nghiên cứu viên tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, cho hay, các UAV kamikaze này đã được sử dụng đều đặn trong cả các cuộc xung đột khác, bao gồm các cuộc chiến gần đây như cuộc chiến giữa Azerbaijan và Armenia. Trong cuộc chiến tranh Azerbaijan - Armenia, các binh sĩ Azerbaijan sử dụng UAV Harop do Israel phát triển (giống với Shahed-136 về kích cỡ và năng lực).

UAV mà Nga vừa sử dụng có đặc điểm là tạo ra tiếng vù vù khi tiến tới mục tiêu, do vậy được đánh giá là kém hiệu quả hơn so với tên lửa chính xác. Người có mặt tại khu vực mục tiêu có thể nghe thấy tiếng UAV đang bay và do vậy họ có thời gian để tìm nơi trú ẩn trước khi UAV lao xuống và phát nổ.

Khi nổ trên mặt đất, UAV này tạo ra bán kính nổ nhỏ hơn so với các tên lửa cỡ lớn và không nhất thiết tạo ra nhiều mảnh vỡ bắn về mọi hướng. Tuy nhiên, UAV có thể lọt qua hệ thống phòng không của Ukraine hoặc buộc phòng không nước này phải dùng đến nguồn lực phòng không hạn chế để vô hiệu hóa chúng.

Chiến thuật UAV của Nga

Nhằm tạo lợi thế trên chiến trường, Nga đang gia tăng sử dụng UAV quân sự.

Các quan chức Mỹ và đồng minh giấu tên nói với Washington Post rằng Iran gần đây bắt đầu cung cấp UAV và các loại vũ khí khác cho Nga, đồng thời gửi các chuyên gia kỹ thuật để huấn luyện lực lượng Nga sử dụng các loại vũ khí này. Giới chức Lầu Năm Góc đã công khai xác nhận việc UAV Iran được sử dụng trong các cuộc không kích do Nga thực hiện.

Phía Ukraine tin rằng Nga đã đặt hàng tới 2.400 UAV kamikaze do Iran sản xuất. Đáp lại, Kiev cũng đã hối thúc các đồng minh của mình gửi cho họ các hệ thống phòng không tối tân.

Phương Tây lập luận rằng năng lực sản xuất nội địa của Nga có hạn chế nên Nga mới cần đến UAV của Iran. Nhưng vấn đề không đơn giản như vậy. Các cuộc tấn công nhằm vào Kiev gần đây cho thấy giá trị của UAV cảm tử ngay cả khi chúng được sản xuất ở hải ngoại.

Chuyên gia Bendett nói: “Nhiều người ở Nga kêu gọi tấn công hàng loạt vào cơ sở hạ tầng Ukraine cách đây nhiều tháng để làm chậm đà tiến của quân đội Ukraine. Các UAV giá rẻ này mang lại một giải pháp đơn giản cho Nga”.

Franke thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu có cùng quan điểm với Bendett. Franke cho rằng UAV giúp Nga gây thanh thế trên chiến trường với chi phí thấp và đánh được vào sâu phía sau tiền tuyến, đồng loạt nhiều nơi.

Nga đã sử dụng UAV cảm tử để tấn công các mục tiêu quân sự và cơ sở hạ tầng ở miền Nam Ukraine.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết, có thể Nga sử dụng UAV để tấn công chiến thuật gần tiền tuyến. Nhưng kể từ giữa tháng 9/2022, các lực lượng Ukraine cho biết họ đã bắn rơi UAV của Nga ở nhiều nơi trên lãnh thổ Ukraine. Tổng thống Ukraine Zelensky thậm chí tuyên bố “cứ 10 phút tôi lại nhận được tin nhắn về việc đối phương sử dụng UAV Shahed của Iran”.

Cường độ tấn công và loại UAV được sử dụng nói trên đã khiến Ukraine quyết định hạ cấp quan hệ ngoại giao với Iran.

Đòn UAV của Ukraine như thế nào?

Mỹ đã cam kết cung cấp cho Ukraine hơn 700 UAV cảm tử có tên gọi Switchblade. Hồi tháng 4/2022, Mỹ đã huấn luyện một số binh sĩ Ukraine về cách sử dụng các UAV này.

Về ngoại hình, Switchblade khác với Shahed-136. UAV Mỹ có thân mỏng và cánh hình thước kẻ, tựa như một máy bay tiêm kích có cánh hình tam giác thu nhỏ. Nhưng 2 loại UAV này đều nguy hiểm: Cho phép một trắc thủ từ xa hạ mục tiêu với độ chính xác chết người và có thể lẩn tránh nỗ lực dò tìm cũng như hỏa lực phòng không của đối phương.

Khác biệt chính giữa Shahed-136 và Switchblade là cự ly hoạt động. UAV Mỹ chỉ có tầm hoạt động là 40km, thấp hơn nhiều so với UAV của Iran.

Ngoài ra, Ukraine còn sử dụng loại UAV cảm tử tự phát triển nội địa - RAM II. Việc phát triển loại UAV này dựa một phần vào nguồn tiền từ hoạt động quyên góp thực hiện qua internet. UAV này có kích cỡ nhỏ hơn và chỉ bay xa được 29km. Việc sản xuất RAM II gặp khó khăn do vấn đề về nguồn cung.

Các UAV phi tự sát cũng là một nguồn vũ khí quan trọng cho Ukraine. Ukraine đã triển khai UAV Bayraktar TB2 khét tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ và tuyên bố đã phá hủy nhiều mục tiêu quân sự của Nga bằng hệ thống tấn công dẫn đường bằng laser trên UAV này.

https://vtc.vn/uav-cam-tu-duoc-nga-va-ukraine-su-dung-the-nao-trong-xung-dot-2022-ar708123.html

Ngày đăng: 08:19 | 19/10/2022

Trung Hiếu / VTC News