Công ty của tỷ phú Thái Lan Dhanin Chearavanont muốn biến Việt Nam thành trung tâm xuất khẩu để tận dụng ưu đãi từ CPTPP, EVFTA... 

CP Foods, thuộc CP Group của tỷ phú giàu thứ hai Thái Lan - Dhanin Chearavanont, sẽ đầu tư hơn 200 triệu USD để xây dựng một trung tâm xuất khẩu thịt lợn và gia cầm tại Việt Nam. Con số này bằng 25% tổng vốn đầu tư FDI từ Thái Lan vào Việt Nam giai đoạn 2015-2017.

Công ty hy vọng tận dụng thỏa thuận tự do thương mại từ CPTPP, sau khi hiệp định có hiệu lực hồi đầu năm. Theo đó, Việt Nam có các điều khoản thương mại có lợi với các quốc gia như Nhật Bản, Australia, Mexico và Canada. Trong khi, Thái Lan chưa tham gia CPTPP.

Việt Nam là quốc gia thứ 7 phê chuẩn CPTPP, vào tháng 11/2018. Các chuyên gia kinh tế kỳ vọng thỏa thuận sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam thêm 4%. Quy mô tăng trưởng này đã được điều chỉnh giảm, sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận vào tháng 1/2017.

ty phu thai rot them 200 trieu usd de tan dung cac hiep dinh viet nam da ky
Dây chuyền chế biến gà của CP Foods tại Thái Lan. Ảnh: Nikkei

CP Foods tuyên bố muốn trở thành "nhà bếp của thế giới" và đã hiện diện tại 17 quốc gia. Công ty này muốn sử dụng Việt Nam như trung tâm xuất khẩu gà và tôm. Động thái này cũng là ví dụ mới nhất về việc các công ty Thái Lan mở rộng sang các nước láng giềng có tiềm năng tăng trưởng.

Theo CEO CP Việt Nam - Montri Suwanposri, công ty đã đầu tư tổng cộng 1 tỷ USD vào Việt Nam, kể từ khi bước vào thị trường này năm 1993. CP Foods đặt mục tiêu mở rộng hoạt động tại Việt Nam để chiếm 15% trong tổng doanh thu, bằng cách đầu tư thêm các nhà máy chế biến thịt.

Nhà máy sản xuất gà sẽ có công suất chế biến một triệu con mỗi tuần. Tổng sản lượng thịt gà từ các hoạt động tại Việt Nam của CP Foods vẫn thấp hơn ở Thái Lan. Tuy nhiên, công ty có kế hoạch nâng cao năng lực trong tương lai. CP Foods đặt mục tiêu bắt đầu xuất khẩu thịt, tôm và cá từ Việt Nam sang các thị trường Nhật Bản, Trung Đông, châu Âu và các nước khác.

"CP Foods sẽ dùng Việt Nam làm trung tâm xuất khẩu nhằm hưởng [hiệp định thương mại tự do] các đặc quyền thuế và hạn ngạch xuất khẩu. Ví dụ, Thái Lan có hạn ngạch xuất khẩu thịt gà sang EU. Họ có thể xuất khẩu nhiều hơn bằng cách sử dụng hạn ngạch từ Việt Nam khi dùng hết hạn ngạch ở Thái Lan", chuyên gia phân tích của Bualuang Securities (Thái Lan) nhận định.

Ông Montri cũng cho rằng Việt Nam có lợi thế hơn Thái Lan về xuất khẩu và chi phí lao động thấp hơn. Một công nhân Việt Nam nhận trung bình 227 USD mỗi tháng, thấp hơn nhiều so với 413 USD tại Thái Lan và 493 USD tại Trung Quốc, theo dữ liệu từ JETRO.

Trong năm tài chính đến tháng 12/2018, CP Foods đã chứng kiến doanh số bán hàng tại Việt Nam tăng 26% so với năm trước đó, lên 2,56 tỷ USD trong khi doanh số tại Thái Lan vẫn không đổi.

Phiên An (theo Nikkei Asian Review)

ty phu thai rot them 200 trieu usd de tan dung cac hiep dinh viet nam da ky Tỷ phú Thái bác tin bán Sabeco cho người Trung Quốc

Ông Koh Poh Tiong khẳng định cơ cấu cổ đông của F&N và Thaibev (đơn vị gián tiếp sở hữu cổ phần Sabeco) không có ...

Ngày đăng: 08:22 | 24/04/2019

/ VnExpress