Theo Bộ Tư pháp, quy định cấm dịch vụ đi chung xe là Grabshare của Grab và Uberpool của Uber không hợp lý, cản trở doanh nghiệp kinh doanh vận tải
Bộ Tư pháp vừa có văn bản góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.
Gây cản trở doanh nghiệp
Theo đó, Bộ Tư pháp đề nghị ban soạn thảo là Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) bỏ quy định "Đối với mỗi chuyến xe đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết 1 hợp đồng" (khoản 1 điều 7 và khoản 2 điều 8 của dự thảo Nghị định 86).
Việc cấm dịch vụ đi chung xe bắt đầu vào tháng 6-2017, khi Bộ GTVT có văn bản yêu cầu Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam không thực hiện dịch vụ đi chung xe với xe hợp đồng (gồm dịch vụ GrabShare của Grab và dịch vụ Uberpool của Uber) vì không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Đây là cơ chế kết hợp 2 hành khách có 2 điểm đến khác nhau nhưng cùng lộ trình di chuyển trên một chuyến xe. Hình thức đi này tiết kiệm từ 30%-40% chi phí cho mỗi hành khách.
Lý giải cho quyết định này, Bộ GTVT viện dẫn Thông tư số 63/2014 quy định đối với mỗi chuyến xe, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết một hợp đồng vận chuyển khách. Sau khi có văn bản của Bộ GTVT, TP Hà Nội cũng đã cấm dịch vụ đi chung của Uber, Grab triển khai trên địa bàn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho biết dù Bộ GTVT không cho phép nhưng Grab vẫn triển khai dịch vụ GrabShare.
Theo Bộ Tư pháp, quy định "mỗi chuyến xe, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết 1 hợp đồng" là không hợp lý, cản trở doanh nghiệp kinh doanh vận tải kết hợp nhận vận chuyển nhiều nhóm khách trên một tuyến đường để tiết kiệm chi phí.
Ngoài ra, Luật Giao thông đường bộ không có bất kỳ quy định nào hạn chế và cấm dịch vụ đi chung xe đối với xe hợp đồng. Vì vậy, mọi quy định hạn chế quyền tự do giao kết hợp đồng về số lượng hợp đồng, nội dung hợp đồng khi chưa được luật cho phép chỉ nhằm phục vụ công tác quản lý có thể bị coi là không hợp hiến, không hợp pháp.
Nhiều hãng taxi truyền thống mất khách trước sự phát triển của taxi công nghệ với dịch vụ đi xe chung
Lợi cho khách hàng, sao phải cấm?
Chị Lan Anh (ngụ quận Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ sự đồng tình với việc bỏ quy định cấm đi chung xe. "Hình thức đi chung xe như của Grab mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng khi chúng tôi có thêm sự lựa chọn dịch vụ để tiết kiệm chi phí. Họ đưa ra dịch vụ, ai thấy phù hợp và không bất tiện khi đi chung thì sử dụng. Đây là tự nguyện mà, sao phải cấm?" - chị Lan Anh nói.
Ngày 6-3, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về việc "tuýt còi" của Bộ Tư pháp, ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT - cho biết dịch vụ đi chung xe hợp đồng vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau nên cần được xem xét, cân nhắc thấu đáo.
"Một số nước như Thái Lan, Hàn Quốc cũng chưa có quy định cho phép dịch vụ này nhưng thực tế, dịch vụ đi chung xe vẫn hoạt động. Do đó, ban soạn thảo vẫn đang tổng hợp các ý kiến đóng góp của các bộ ngành, cơ quan, từ đó sẽ cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định" - ông Ngọc thông tin.
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng ở góc độ người tiêu dùng, rõ ràng dịch vụ đi chung xe khiến khách hàng được hưởng lợi khi tiết kiệm chi phí. Đây là một hình thức phổ biến hiện nay đối với loại hình xe hợp đồng cho nên dù không cho phép thì nó vẫn đang diễn ra. Tuy nhiên, ở góc độ pháp lý, ông Liên đánh giá đây là vấn đề đang còn gây tranh cãi rất nhiều.
"Dịch vụ đi xe chung sẽ dẫn đến việc đưa, đón khách dọc đường nhiều lần, nhiều chặng khác nhau, dễ phát sinh biến tướng xe dù, bến cóc, phá vỡ tuyến cố định… Còn rất nhiều tranh luận về vấn đề này nên rất cần các chuyên gia pháp lý cân nhắc, xem xét thấu đáo việc cấm hay không cấm đi xe chung trong khi sửa đổi Nghị định 86 lần này để hài hòa lợi ích các bên" - ông Liên bày tỏ.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam - ông Nguyễn Văn Thanh - cũng cho rằng ban soạn thảo "có cái lý" của họ bởi "không thể nào trên một xe lại có nhiều hợp đồng được ký kết". Tuy nhiên, ông Thanh cũng thẳng thắn: "Việc cấm dịch vụ xe chung chẳng qua là do cơ quan quản lý chưa quản được Grab, Uber nên cho luôn loại hình này vào thành xe hợp đồng để quản như xe hợp đồng".
Mở lại phiên xử Vinasun kiện Grab
Sau một tháng thu thập thêm chứng cứ, TAND TP HCM mở lại phiên xử Vinasun yêu cầu Grab bồi thường gần 42 tỷ. |
Khi văn bản tuýt còi bị tuýt còi
Ngay sau khi Bộ GTVT “tuýt còi” dịch vụ đi chung xe của Uber, Grab, Bộ Tư pháp liền “tuýt còi” cái văn bản “tuýt ... |
Bộ Tư pháp lên tiếng về quy định cấm dịch vụ đi chung xe
Bộ Tư pháp cho rằng, việc quy định cấm dịch vụ đi chung xe đối với xe hợp đồng là bất hợp lý. |
Ngày đăng: 07:53 | 07/03/2018
/ Người lao động