Ban quản lý Đường sắt đô thị TP HCM nhìn nhận với tiến độ như hiện nay tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên không thể hoàn thành năm 2020.
Chiều 17/10, tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM với các sở ngành và đơn vị về hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, Phó ban quản lý Đường sắt đô thị Hoàng Như Cương cho biết, kinh phí để thi công tuyến metro số 1 năm nay cần 5.000 tỷ đồng. Do tổng mức đầu tư của dự án chưa được điều chỉnh phê duyệt nên trung ương không bố trí vốn.
"Thành phố phải tạm ứng khoảng 1.000 tỷ để duy trì tiến độ. Các nhà thầu hiện đã hoàn thành khối lượng tương đương 2.000 tỷ đồng nhưng mới chỉ thanh toán được 220 tỷ do những trục trặc về thủ tục pháp lý. Trong đó có việc tổng mức đầu tư chưa được Quốc hội thông qua", ông Cương nói.
Theo Phó ban quản lý Đường sắt đô thị, với tình hình này tuyến metro số 1 không hoàn thành đúng tiến độ vào năm 2020 như dự kiến. Người đi đường có thể nhìn thấy thực tế ở công trường, tốc độ thi công đang rất chậm.
Tuyến metro số 1 của TP HCM đã hoàn thành khoảng 50% khối lượng công trình. Ảnh: Quỳnh Trần. |
"Điều này rất nguy hiểm vì chỉ cần một nhà thầu bỏ cuộc là mình rất tốn kém thời gian đấu thầu lại. Mong Quốc hội có một Nghị quyết cho phép tiếp tục thực hiện tuyến metro số 1", ông Cương nói và cho biết thành phố đã làm việc nhiều lần với các bộ ngành trung ương nhưng chưa giải quyết được.
Ở tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương) cũng gặp khó khăn, được điều chỉnh tăng vốn nên phải xin ý kiến Quốc hội. Nhưng chưa được phê duyệt nên các công việc phải tạm ngưng, chưa có hoạt động nào ở công trường.
Thông tin thêm về tuyến số 1, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Vũ Hoài Nam cho biết, dự án còn được bố trí 1.000 tỷ đồng nhưng hiện không dùng được vì đây là tiền dành mua thiết bị. "Theo quy định, thành phố không thể chuyển sang thanh toán cho các hạng mục khác", ông Nam nói.
Thành phố nhiều lần \'cầu cứu\' Chính phủ
Khởi công tháng 8/2012, tuyến metro số 1 dài gần 20 km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Trong đó 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga). Công trình dự kiến đưa vào khai thác năm 2020. Hiện, công trình đã hoàn thành hơn 50% khối lượng công việc, song luôn trong tình trạng "đói" vốn.
Công trình trọng điểm này dù khởi động hơn 10 năm trước nhưng hiện vẫn còn "lình xình" về tổng mức đầu tư. Năm 2007, thành phố phê duyệt công trình với tổng mức đầu tư gần 17.400 tỷ đồng (hơn 126.500 triệu Yên Nhật). Thời điểm này dự án được xác định thuộc nhóm A - không phải trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư. Sau đó, tư vấn chung của dự án đã tính toán và xác định lại, tổng mức đầu tư vào năm 2009 là hơn 47.300 tỷ đồng (hơn 235.500 triệu Yên Nhật).
Sau khi lấy ý kiến các bộ ngành, thủ tướng cho phép UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh dự án vào tháng 8/2011, tổng mức đầu tư mới là hơn 47.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, lúc này dự án lại thuộc diện phải trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư nên thủ tướng cho phép thành phố tiếp tục thực hiện dự án vì có phát sinh tiêu chí công trình trọng điểm.
Do vướng mắc thủ tục, TP HCM đã nhiều lần "cầu cứu" Quốc hội, Chính phủ gỡ khó để đảm bảo cho tuyến metro đầu tiên của TP HCM được cấp vốn để về đích đúng kế hoạch vào năm 2020. Để duy trì tiến độ thi công, thành phố đã 4 lần phải tạm ứng vốn để thanh toán cho các nhà thầu.
Thủ tướng sau đó đã giao Bộ GTVT gấp rút hoàn thiện báo cáo thẩm định điều chỉnh tổng mức đầu tư trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các bộ liên quan và cam kết của TP HCM. Sau khi thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về nguồn vốn, Bộ GTVT được giao hoàn thiện tờ trình, để báo cáo Quốc hội.
Tại buổi làm việc, Phó đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM Phan Nguyễn Như Khuê đã yêu cầu Sở Văn hóa - Thể thao cùng Sở Kế hoạch Đầu tư cung cấp thông tin đầy đủ về dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch để các đại biểu nắm. Theo ông, rất có thể vấn đề này sẽ được nhiều đại biểu quan tâm tại kỳ họp sắp tới và đoàn đại biểu Quốc hội thành phố cần có đủ thông tin để giải trình khi được yêu cầu.
Cũng theo ông Khuê, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đã tiếp nhận 7 ý kiến cử tri băn khoăn về dự án nhà hát giao hưởng. Họ lo lắng vì chưa thấy hình thức, hình hài, thiết kế nhà hát như thế nào và việc chi hơn 1.500 tỷ đồng đó như thế nào. Hiện các bên liên quan mới đưa ra số tiền đầu tư còn chưa đưa ra lộ trình cụ thể.
Thiên Ngôn
TP.HCM xin tạm ứng 4.788 tỷ đồng cho tuyến metro số 1
Số tiền trên nhằm đảm bảo việc thanh toán cho các nhà thầu cuối năm 2017 và đầu năm 2018 trong thời gian thực hiện ... |
Metro số 1 đội vốn: Không để \'cứ làm, thiếu tính sau\'
Phải xử nghiêm trách nhiệm rồi mới giải quyết vốn, không tạo tiền lệ "thiếu là xin, xin là được" |
Ngày đăng: 23:35 | 17/10/2018
/ VnExpress