Hôm nay tròn một năm ngày 39 nạn nhân xấu số được tìm thấy trong thùng xe tải ở Grays, hạt Essex, cách không xa thủ đô nước Anh.
Hôm nay tròn một năm ngày 39 nạn nhân xấu số được tìm thấy trong thùng xe tải ở Grays, hạt Essex, cách không xa thủ đô nước Anh.
Tôi vẫn nhớ như in buổi sáng thứ Hai, ngày 24/10. Hôm đó, khi tôi đến văn phòng, em Hà, đồng nghiệp người Việt của tôi ở Đại sứ quán, đang dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh đoạn tin nhắn cuối cùng của cô gái trẻ người Hà Tĩnh gửi tới cha mẹ.
Chúng tôi dần nhận thức được sự khủng khiếp của những gì đã diễn ra. Giây phút ấy, chúng tôi ở Đại sứ quán đã chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất, rằng toàn bộ 39 con người trên chiếc xe tải ấy có thể là người Việt Nam.
365 ngày đã trôi qua. Chiếc xe đầu kéo khổng lồ, lạnh lẽo nơi 39 người Việt Nam vĩnh viễn nằm xuống mãi là hình ảnh ám ảnh rất nhiều người trong đó có tôi. Ngày hôm nay, khi chúng ta tưởng nhớ các nạn nhân và hướng suy nghĩ của mình về những gia đình có người thân thiệt mạng trong thảm kịch, một câu hỏi vẫn đặt ra là làm thế nào để chúng ta ngăn chặn một thảm kịch tương tự lặp lại?
Tôi đã suy nghĩ nhiều về động lực và lý do đằng sau việc những người Việt chọn con đường di cư bất hợp pháp. Tôi và các đồng nghiệp cũng đã nói chuyện với các chuyên gia và đọc các nghiên cứu với những trường hợp điển hình. Không có một câu trả lời đơn giản nào.
Có những trường hợp sang Anh do bị dụ dỗ và lừa gạt. Họ được hứa hẹn rằng hành trình đi sang Anh sẽ dễ dàng, những cơ hội việc làm sẽ hợp pháp và rằng họ sẽ được bạn bè giúp đỡ. Thực tế lại hoàn toàn khác. Có người kể về những ngày đi bộ qua biên giới, dầm mình trong lớp tuyết đến đầu gối, bị người dẫn đường bỏ lại trong rừng không điện thoại, không la bàn. Nếu đói thì ngắt táo dại còn sót lại trong rừng ăn, khát nước thì bốc tuyết lên uống. Hay có câu chuyện của một phụ nữ vượt biên sang Anh. Những kẻ môi giới, đường dây hứa với chị đi đường VIP an toàn, chắc chắn. Nhưng trong thực tế, chúng bắt chị hằng đêm ngồi chờ trên đường quốc lộ, nếu xe nào dừng thì nhanh chân chui vào thùng xe tải và nằm im ở đó. Nếu bị phát hiện thì quá trình đó lặp lại vào những đêm hôm sau. Đau đớn hơn, trên đường đi, chị bị xâm hại, bị làm nhục nhiều lần nhưng không biết kêu cứu ai, không biết phải dựa vào ai. Bởi ngay từ đầu cuộc hành trình từ Việt Nam, chị đã chọn di cư bất hợp pháp và giao phó số phận của mình vào tay bọn tội phạm.
Ngay khi đến Anh, kịch bản phổ biến cho người Việt sẽ là bị thu giữ giấy tờ hộ chiếu, bị ép làm nhiều giờ với đồng lương rẻ mạt. Các băng nhóm buôn người lợi dụng sự yếu thế của họ, bóc lột và biến họ trở thành nô lệ thời hiện đại.
Rủi ro nguy hiểm là thế nhưng nhiều người Việt Nam vẫn tìm cách vượt biên. Trong một khảo sát gần đây mà Đại sứ quán Anh hỗ trợ thực hiện, hơn 80% người được hỏi đều khẳng định nếu có cơ hội, họ sẽ vẫn tiếp tục di cư dù là di cư bất hợp pháp, bất chấp những gì họ đọc và nghe được về thảm kịch 39 người ở Essex. Tại sao với chừng ấy khủng khiếp, người Việt vẫn mong muốn ra đi?
Câu trả lời một lần nữa không hề đơn giản. Nhưng có một yếu tố có lẽ đóng vai trò quan trọng. 59% số người được hỏi trong khảo sát trả lời rằng họ ra đi vì gia đình. Đối với họ, gia đình chính là động lực lớn nhất của quyết định di cư, lớn hơn cả động lực kinh tế. Tác giả của khảo sát nói trên đã chỉ ra rằng: "Sự liều lĩnh bất chấp rủi ro của người di cư không đơn thuần xuất phát từ mong muốn hưởng thụ của bản thân mà thường là từ niềm ao ước được thay đổi điều kiện sống cho gia đình mình trong đó có bố, mẹ, vợ, chồng và con cái".
Không ai có thể phủ nhận giá trị gia đình là một trong những giá trị quan trọng và nhân văn nhất. Niềm khao khát để có chất lượng cuộc sống tốt hơn cho gia đình và bản thân là điều vô cùng tốt đẹp. Nhưng điều đó vô tình đã đặt áp lực lên những người giữ vai trò trụ cột trong gia đình, thúc giục họ đi lao động nước ngoài bằng bất kì giá nào. Mỗi người con khi đến tuổi trường thành sẽ được nhìn nhận là phải có trách nhiệm đóng góp, tạo dựng để thay đổi hoàn cảnh và điều kiện sống cho gia đình, dù có phải hy sinh một phần hạnh phúc cá nhân.
Trong ngày kỷ niệm buồn hôm nay, tôi mong muốn hướng tới những gia đình có người thân thiệt mạng trong thảm kịch tại Essex. Tôi xin cam kết, với vai trò của mình, sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ giữa Anh và Việt Nam trong đấu tranh chống lại nạn mua bán người và tìm lại công bằng cho những nạn nhân. Đối với những người cha, người mẹ và gia đình của những người có ý định di cư, tôi muốn nói rằng hãy cùng nhau cân nhắc và quyết định thật sáng suốt. Hãy hướng tới việc đầu tư vào giáo dục cho thế hệ tiếp theo để mở ra những cơ hội hợp pháp và an toàn, đảm bảo cho con bạn và gia đình bạn một tương lai bền vững và dài lâu.
Gareth Ward
39 người Việt chết trong container ở Anh: Tòa án phát lời trăn trối của nạn nhân |
Anh xử 4 bị cáo vụ 39 người Việt chết trong container |
Ngày đăng: 08:26 | 23/10/2020
/ vnexpress.net