Theo Tướng Vladimir Popov, tình huống Su-27 áp sát máy bay EP-3 Mỹ trên Biển Đen chỉ nhằm giúp đỡ nếu đồng nghiệp Mỹ bay lạc hướng.
Tuyên bố trên được hãng Sputnik dẫn lời Phó Tổng biên tập Tạp chí Aviapanorama, Thiếu tướng Vladimir Popov đưa ra khi nói về nguyên nhân tại sao phi cơ chiến đấu của Nga phải hộ tống máy bay Mỹ:
"Trước hết, điều quan trọng là máy bay trinh sát đang bay ở khoảng cách nào từ biên giới Nga và trong điều kiện nào. Thứ hai, như thường lệ, các máy bay của chúng tôi đều có thể xác định phi cơ khác và đánh giá khả năng của nó.
Có lẽ đã xảy ra sự cố hoặc có tình huống bất thường khiến phi cơ bay tới lãnh thổ của quốc gia láng giềng, nếu máy bay có trục trặc trong việc định hướng. Phi cơ của chúng tôi bay tới với hai mục đích: để xác định và, nếu cần thiết, để giúp đỡ.
Tiêm kích Su-27 Nga trong một lần áp sát máy bay Mỹ. |
Vì thế trong trường hợp này không thể nói như Mỹ coi đây là vụ "đánh chặn". Các phi cơ chiến đấu của Nga thực hiện động thái ngăn chặn máy bay chỉ khi một chiếc máy bay vi phạm biên giới và bay vào không phận của nước chúng tôi, khi đó các phi cơ chiến đấu của Nga có quyền sử dụng vũ khí chống máy bay xâm nhập không phận Nga.
Trong trường hợp với máy bay trinh sát của Mỹ đã không có nguy cơ sử dụng vũ khí. Su-27 chỉ đơn giản xác định máy bay. Thực tiễn quốc tế cho thấy rằng, các quốc gia quan tâm đến an ninh của mình đều thực hiện thủ tục này", ông Vladimir Popov nhận xét.
Bất chấp lời giải thích khá thiện chí của Nga, Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ việc và kêu gọi Moscow ngừng hành động như vậy để tránh những sự cố và va chạm nguy hiểm trong tương lai.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert tuyên bố: "Bộ tư lệnh các lực lượng Hạm đội Mỹ ở châu Âu khẳng định, máy bay Su-27 của Nga đã áp sát nguy hiểm chiếc máy bay EP-3 của Mỹ trên không phận quốc tế, phi công Nga đã tiến sát ở khoảng cách 1,5m và bay cắt mặt chiếc EP-3".
Theo bà Heather Nauert, máy bay Mỹ đã hành động đúng theo luật pháp quốc tế, trong khi phía Nga vi phạm thô bạo các thỏa thuận và quy tắc quốc tế hiện hành, trong trường hợp này là thoả thuận về "các sự cố trên biển" (INCSEA) năm 1972".
Bà Heather Nauert nhấn mạnh: "Chúng tôi kêu gọi Nga dừng các hành động không an toàn làm tăng nguy hiểm tiềm ẩn cho phi hành đoàn hai bên và các va chạm trên không. Sự cố trên Biển Đen vào ngày 29/1 là ví dụ mới nhất về hoạt động quân sự không theo các quy tắc và thoả thuận quốc tế của Nga".
Được biết, đây là lần thứ 2 từ cuối năm 2017, máy bay Mỹ bị chiến đấu cơ Nga áp sát ở phía với khoảng cách quá gần có thể cảm nhận được sức nóng từ động cơ máy bay Nga thổi ra. Theo CNN, trong khi bay tuần tra trên không phận quốc tế tại Biển Đen hồi tháng 11/2017, máy bay P-8A Mỹ bị Su-30 Nga bay ngay trước mặt và bật chế độ tăng lực.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Michelle Baldanza cho biết: "Vụ việc xảy ra trên Biển Đen ngày 25/11 khi máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ đang bay tuần tra trên không phận quốc tế và không có bất cứ hành động khiêu khích nào đối với máy bay Nga".
Bà Baldanza cho biết, hành động của chiến đấu cơ Nga Su-30 là "không an toàn" bởi nó "bay cắt ngang phi cơ Mỹ P-8A từ phải sang trái rồi kích hoạt chế độ tăng lực, khiến chiếc P-8A bị nghiêng 15 độ và rung lắc mạnh".
Vị phát ngôn viên này cho biết có lúc chiến đấu cơ Nga cách phi cơ Mỹ chỉ hơn 15 m và vụ việc kéo dài 24 phút. Bà Baldanza nói nhấn mạnh: "Những hành động nguy hiểm có thể gây thiệt hại nghiêm trọng và thương vong tới các phi công liên quan".
Lầu Năm Góc: Tiêm kích Nga cách máy bay Mỹ chỉ 1,5 mét
Theo Washington, tiêm kích Su-27 của Nga đã cắt ngang một máy bay do thám của Mỹ ở khoảng cách không an toàn. Song Moscow ... |
Bí mật đằng sau tai nạn Su-27 ở Mỹ
Các chuyên gia dự đoán rằng, Mỹ đang cố gắng nghiên cứu và làm chủ các công nghệ bay của Nga trên tiêm kích Su-27 ... |
Đan Nguyên
Ngày đăng: 09:13 | 31/01/2018
/ http://baodatviet.vn