Thiếu tướng Lê Mã Lương khẳng định, nếu không nói rõ về sự kiện Trung Quốc tấn công, chiếm đóng trái phép đảo Gạc Ma của Việt Nam vào sách giáo khoa sử thì đó là có lỗi với người đã ngã xuống, có lỗi với đồng bào.

Nhân 30 năm sự kiện quân Trung Quốc nổ súng xâm chiếm và đóng giữ trái phép đảo Gạc Ma của Việt Nam (14/3/1988 – 14/3/2018), trả lời phỏng vấn VTC News, Thiếu tướng Lê Mã Lương - Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho rằng, sự kiện Gạc Ma không chỉ là nỗi đau của những người lính mà còn là bài học đắt giá vẫn còn nguyên giá trị.

Theo Thiếu tướng Lương, việc đưa sự kiện Gạc Ma vào sách giáo khoa lịch sử và giảng dạy trong nhà trường là cần thiết, vì nếu sự kiện Gạc Ma không được nhìn nhận đúng mức thì chúng ta có lỗi với những người đã ngã xuống, có lỗi với đồng bào.

Nỗi đau người lính

- Trong những lần trò chuyện trước đây, ông từng nói sự kiện Gạc Ma năm 1988 là nỗi đau, nỗi trăn trở của những người lính cho đến tận hôm nay, ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Tôi đã nhiều lần nói vậy và đúng là như thế. Sự kiện Trung Quốc tấn công, chiếm đóng trái phép Gạc Ma của Việt Nam ngày 14/3/1988 không chỉ là nỗi đau, sự mất mát của những người lính hải quân đâu, mà còn là nỗi đau của tất cả những người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Tôi cũng đã có nhiều dịp được gặp và trò chuyện với Đô đốc Giáp Văn Cương khi ông còn sống. Đô đóc Giáp Văn Cương nói rằng, lúc đó quân Trung Quốc chỉ có thể tấn công và chiếm được Gạc Ma chứ không thể tấn công và chiếm các đảo khác của ta vì lúc đó dù sao phía Trung Quốc vẫn chưa đủ lực.

tuong le ma luong khong dua su kien gac ma vao sach giao khoa la co loi voi dong bao
Sự kiện Gạc Ma được ví như tượng đài bất tử về đấu tranh giữ nước của dân tộc. (Ảnh minh họa)

Năm 1988, khi quân Trung Quốc tấn công vào Gạc Ma thì lúc đầu Trung Quốc chỉ đổ bộ có hơn 40 lính với mấy cái xuồng bằng hợp kim nhôm thôi. Sau đó, Trung Quốc mới điều thêm tàu chiến đến yểm trợ.

Bộ đội hải quân ta đã chiến đấu rất dũng cảm nhưng hỏa lực của ta yếu, trong khi hỏa lực của lính Trung Quốc thì có phần mạnh hơn. Thêm vào đó, bộ đội của ta lại gần như không được nổ súng.

Thiếu úy Trần Văn Phương, người đã hy sinh trong trận chiến này và sau này được phong anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi đó cũng chỉ mỗi hai tay không cố gắng giữ chặt lá cờ Tổ quốc.

Lính Trung Quốc sau khi đổ bộ lên đảo thì bắt đầu bắn và dùng lê đâm chiến sĩ của ta. Anh em chiến sĩ trên đảo cứ thế mà vật lộn với lính Trung Quộc, đánh giáp lá cà.

Một chiến sĩ của ta khi đó là Nguyễn Văn Luyện, sau khi trọng thương còn bị lính Trung Quốc dùng lưỡi lê đâm liên tiếp nhiều nhát nữa. Phải nói đó là một hành động rất man rợ và thấp hèn.

Cùng với tấn công và đổ bộ lên đảo Gạc Ma, Trung Quốc bắt đầu dùng pháo lớn bắn vào các tàu HQ-604 (đảo Gạc Ma), HQ-605 (đảo Len Đao) và HQ-505 (đảo Cô Lin) của ta.

Tàu của Trung Quốc bắn vào tàu của ta ở những cự ly rất gần. Rồi tàu của Trung Quốc bắn quét lên đảo, đạn 12,7 ly mà bắn rất gần như vậy thì lính hải quân của ta sức mấy mà chịu nổi, trong khi trên đảo, ta lại không có bất kì một khẩu trung liên nào.

Phải nói đó là những hình ảnh cuối cùng anh dũng nhưng cũng rất bi thương của bộ đội ta trên đảo, từng người từng người cứ thế ngã xuống.

Trong trận Gạc Ma, 64 chiến sĩ của tàu HQ-604 hy sinh. Trong số đó chỉ có vài chiến sĩ là tìm thấy được thi thể và đưa về đất liền an táng, còn lại đều nằm sâu dưới lòng biển cả. Còn lại 9 chiến sĩ khác của ta thì bị Trung Quốc bắt giữ đưa về Quảng Đông.

Đó là nỗi đau, là mất mát lớn không dễ gì nguôi ngoai. Trong lịch sử của Hải quân nhân dân Việt Nam, chưa có một trận đánh nào mà hải quân ta lại phải chịu tổn thất lớn như vậy, chỉ có vài chục phút thôi mà ta hy sinh đến hơn nửa đại đội.

Bởi vậy, đó không chỉ là nỗi đau mà còn là sự áy náy, trăn trở của những người lính chúng tôi đến tận bây giờ.

- Từ câu chuyện Gạc Ma, bài học mà chúng ta rút ra ở đây là gì?

Như tôi đã nói nhiều lần trước đó, sự kiện Trung Quốc tấn công, xâm chiếm đảo Gạc Ma năm 1988, và trước đó đã tấn công xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, đều nằm trong một chuỗi âm mưu của Trung Quốc chứ không phải là hành động đơn lẻ.

Đây là mưu đồ thâm hiểm của Trung Quốc đã có từ rất lâu rồi.

tuong le ma luong khong dua su kien gac ma vao sach giao khoa la co loi voi dong bao
Thiếu tướng Lê Mã Lương: "Sự kiện Trung Quốc tấn công, chiếm đóng trái phép Gạc Ma của Việt Nam không chỉ là nỗi đau, sự mất mát của những người lính hải quân đâu, mà còn của tất cả những người lính của Quân đội Nhân dân Việt Nam". (Ảnh: L.Thủy)

Sự kiện Trung Quốc tấn công và chiếm đóng trái phép đảo Gạc Ma của Việt Nam cho thấy, chúng ta đã sơ suất, thiếu sự đề phòng. Nên bài học về quốc phòng ở đây là chúng ta phải luôn tỉnh táo và sáng suốt để giữ vững chủ quyền của dân tộc, của đất nước mình.

Cụ thể ở đây là Đảng và những nhà lãnh đạo, những người đưa ra những chiến lược, sách lược có liên quan trực tiếp đến vận mệnh của cả quốc gia, dân tộc thì khi đưa ra quyết định, cần phải cân nhắc, phải sáng suốt.

Còn trong quan hệ quốc tế, bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc mình lên trên hết. Phải lấy lợi ích quốc gia, dân tộc mình làm trọng, là tiêu chí đầu tiên trong mọi mối quan hệ.

Phải đưa sự kiện Gạc Ma và sách giáo khoa lịch sử

- Được biết, cách đây không lâu, ông là người chủ biên cuốn “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử”, nhưng sau đó cuốn sách này lại không được xuất bản, ông có thể nói rõ lý do?

Sau khi biên soạn xong, trong vòng hai năm, chúng tôi đã gửi bản thảo qua hàng chục nhà xuất bản song cuối cùng đều bị từ chối và không in.

Tôi lấy làm lạ. Lạ là vì cuốn sách nhằm tôn vinh những người anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu bảo vệ Tổ quốc nhưng gửi hết nhà xuất bản này đến nhà xuất bản kia vẫn không xuất bản được.

Khi chúng tôi gửi bản thảo cuốn sách này sang NXB Quân đội Nhân dân, anh em của nhà xuất bản này nói đây là bản thảo rất chất lượng.

Cuốn sách này nhằm tôn vinh những người có công bảo vệ đất nước, đáng được trân trọng để in. Thế nhưng thời gian cứ trôi đi gần một năm trời, bản thảo cuốn sách vẫn nằm im.

Tôi không nhận được phản hồi gì mặc dù giữa tôi và NXB Quân đội Nhân dân không lạ gì nhau. Nhà xuất bản này từng in cho tôi gần 30 cuốn sách, trong đó 3 năm gần đây mỗi năm in 1 cuốn, đây là quãng thời gian tôi đã nghỉ hưu.

Về sau, trong cuộc họp giao bàn ngành báo chí ngành thông tin truyền thông, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, bản thảo “Gạc Ma - Vòng tròn bất tử” vẫn còn nhiều sự kiện, chi tiết liên quan chưa được thẩm định. Các nhà xuất bản muốn xuất bản cuốn sách này thì phải có hội đồng thẩm định.

Tôi cho rằng đó là lý do họ đưa ra thôi, thì cũng cứ theo đúng quy trình, quy định mà làm.

- Có ý kiến cho rằng, cần phải đưa sự kiện Trung Quốc xâm chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam vào chương trình sách giáo khoa lịch sử và giảng dạy trong nhà trường. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

Chúng tôi viết cuốn sách “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” nhằm tôn vinh 64 liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, điều này tôi nghĩ không khơi lại hay tạo ra một sự hận thù gì.

Tuy nhiên, cuốn sách bị chậm trong việc xuất bản có lẽ người ta nghĩ là nó đụng chạm đến quan hệ giữa Việt Nam - Trung Quốc.

Nhưng đó là góc độ ngoại giao. Còn góc độ lịch sử thì cần phải tôn trọng lịch sử, tôn trọng sự thật, nhất là lịch sử giữ nước của dân tộc mình.

Nếu ai từng gặp, tiếp xúc với các gia đình liệt sĩ Gạc Ma và các cựu binh Gạc Ma bị Trung Quốc bắt mới hiểu được suốt 30 năm qua, họ đã sống vất vả vì những mất mát không thể bù đắp. Nhưng nỗi đau đớn lớn nhất của họ không phải là tiền bạc, vật chất mà là sự lãng quên.

Nên ý kiến đưa sự kiện Gạc Ma vào sách giáo khoa lịch sử và giảng dạy trong nhà trường là cần thiết, tôi ủng hộ ý kiến này.

Chúng ta cần phải đưa sự kiện Gạc Ma vào sách giáo khoa lịch sử, không những thế còn nên giảng dạy trong nhà trường như là một bài học về giữ nước của dân tộc.

Nếu sự kiện Gạc Ma không được nhìn nhận đúng mức thì chúng ta có lỗi với những người đã ngã xuống, có lỗi với đồng bào.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

tuong le ma luong khong dua su kien gac ma vao sach giao khoa la co loi voi dong bao

Lá thư cuối cùng của Đảo phó Gạc Ma

Ngày 8/3/1998, sau khi bão tan, tại Cam Ranh, thiếu úy Trần Văn Phương tiếp tục viết lá thư gửi về cho gia đình, không ...

tuong le ma luong khong dua su kien gac ma vao sach giao khoa la co loi voi dong bao

30 năm hải chiến Gạc Ma: Tim vẫn còn đau nhói!

Đã 30 năm trôi qua nhưng hình ảnh 64 đồng đội hy sinh trong trận hải chiến năm ấy vẫn khắc sâu trong tâm khảm, ...

Ngày đăng: 23:03 | 14/03/2018

/ VTC News