Việc ông Bashar al-Assad bị lật đổ chóng vánh bởi các lực lượng phiến quân đối lập đang làm thay đổi nhanh chóng cục diện Trung Đông, đồng thời đặt ra những nguy cơ mới về an ninh do khoảng trống quyền lực mà ông Assad để lại.

Một cuộc binh biến đem lại hòa bình và ổn định cho người dân Syria đau khổ hay đây chỉ là một trong chuỗi quân bài domino ở Trung Đông, vẫn là những câu hỏi hóc búa vào thời điểm hiện tại.

Khoảng trống quyền lực

Khi ông Bashar al-Assad còn tại vị, Syria dù bị “chia năm xẻ bảy” nhưng chính phủ Damascus vẫn kiểm soát phần lớn lãnh thổ (trên 60%), đồng thời vẫn có sự hiện diện của 3 “ông lớn”, đó là Nga, Iran và Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ có ảnh hưởng đối với lực lượng Quân đội quốc gia Syria (SNA) kiểm soát vùng lãnh thổ nhỏ ở vùng biên giới phía Bắc Syria, còn Israel thì luôn “canh chừng” vùng đệm ở cao nguyên Golan ở phía Nam.

Tương lai nào cho Syria? -0
Chính quyền Damascus sụp đổ quá nhanh đang để lại khoảng trống quyền lực ở Syria.

Khi ông Assad rời khỏi Damascus kể từ hôm 8/12, phiến quân do lực lượng Hayat Tahrir Al-Sham (HTS) dẫn đầu nắm quyền kiểm soát phần lãnh thổ của chính phủ, chỗ đứng của các “ông lớn” lập tức bị đe dọa.

Trong bài phát biểu “mừng chiến thắng” của mình, thủ lĩnh phiến quân Abu Mohammad al-Jolani đã gửi đi thông điệp rõ ràng: lôi kéo người Syria trong nước về phía mình, kêu gọi sự ủng hộ đa dạng thành phần sắc tộc và tôn giáo ở Syria đối với chính phủ mới do HTS dựng lên. Với Tehran, ông Jolani gửi đi thông điệp đầy thách thức, rằng “sự can thiệp của họ đã chấm dứt, sự hỗ trợ của họ dành cho Hezbollah ở Syria đã chấm dứt và nơi cất giữ vũ khí của Iran cũng không còn nữa”. Nhưng, với Mỹ và Israel, ông lại tỏ ra “mềm dẻo” hơn khi thông báo rằng “lợi ích của các bạn được hiểu ở Syria mới” - một sự “hiểu biết” từ phía Jolani rằng đây là những thế lực có khả năng hạ bệ ông ta. Sự “hiểu biết” này có vẻ không thừa khi mà cả Washington lẫn Tel Aviv trước mắt đều không vội công nhận sự lãnh đạo của Jolani và nhóm HTS tại Damascus, dù công khai thể hiện sự hào hứng trước sự sụp đổ nhanh chóng của ông Assad.

Giới quan sát cho rằng việc ông Assad sụp đổ quá nhanh và “biến mất” một cách bất ngờ (đến Moscow xin tị nạn và đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin cấp quy chế tị nạn) đang để lại một khoảng trống quyền lực ở Syria. Nói gì thì nói, dù HTS đang cố gắng gây dựng thiện cảm với cả người dân trong nước cũng như cộng đồng quốc tế xung quanh nhằm bảo đảm sự ủng hộ đối với sự lãnh đạo của mình tại Damascus, nhưng điều đó sẽ chưa thể đạt được trong một sớm một chiều.

Trước mắt, Mỹ vẫn xem HTS là thành phần khủng bố, bởi nhóm này và bản thân thủ lĩnh Jolani trước đây từng là một bộ phận trong mạng lưới khủng bố Al-Qaeda. Ngay sau khi tiếp quản Damascus, Jolani đã tuyên bố rằng nhóm HTS của ông ta đã “tự điều chỉnh” trong những năm gần đây và không còn bất cứ liên hệ nào với Al-Qaeda, nhưng điều này chưa được cộng đồng quốc tế, nhất là Mỹ công nhận. Với Israel, không chỉ riêng HTS mà tất cả các nhóm phiến quân ở Syria, kể cả Quân đội quốc gia Syria (SNA) do Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ và nhóm Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo đều xếp cùng loại. Thổ Nhĩ Kỳ cũng xem SDF do Mỹ hậu thuẫn là thành phần khủng bố vì có liên quan đến người Kurd.

Tương lai nào cho Syria? -0
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Reccep Tayyip Erdogan xem nhóm phiến quân SDF do Mỹ ủng hộ là khủng bố.

Chính vì vậy, phương Tây và nhiều nước trong khu vực Trung Đông vẫn nhìn nhận có một “khoảng trống quyền lực” chưa được lấp đầy ở Syria. Đất nước vốn được xem là “nằm trên đường ray địa chính trị” ở Trung Đông này đã trải qua 13 năm nội chiến một phần nhờ có sự hỗ trợ của lực lượng quân sự Nga. Cho nên khi Moscow đang bận rộn với cuộc chiến Ukraine, Syria đã rơi vào thế yếu và phiến quân HTS đã khai thác tốt điểm yếu này để tiến hành cuộc lật đổ ông trong 11 ngày.

Thái độ của Nga

Nga đã duy trì một căn cứ không quân lớn ở Tây Bắc Syria và một cơ sở hải quân tại cảng Tartus ở Địa Trung Hải kể từ khi sự can thiệp quân sự của Moscow giúp Tổng thống Bashar al-Assad giành lại phần lớn đất nước sau các cuộc biểu tình Mùa xuân Arab bắt đầu vào năm 2011.Sau khi ông Assad, đồng minh trung thành nhất của Điện Kremlin ở Trung Đông, sụp đổ, Nga dường như đang chuyển sang ngoại giao để duy trì ảnh hưởng của mình ở Syria, tham gia vào một loạt hoạt động ngoại giao với nhóm phiến quân từng bị Moscow xem là khủng bố.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng chính quyền Nga đang thực hiện mọi “bước cần thiết để thiết lập liên lạc tại Syria với những người có khả năng đảm bảo an ninh cho các căn cứ quân sự”. Trước đó, một nguồn tin tại Điện Kremlin đã nói với phương tiện truyền thông nhà nước Nga rằng các nhà lãnh đạo phe đối lập Syria đã đồng ý đảm bảo an toàn cho các căn cứ quân sự và các tổ chức ngoại giao của Nga tại Syria.

Hai căn cứ này có tầm quan trọng đặc biệt đối với Nga: cơ sở Tartus giúp Moscow tiếp cận được một cảng nước ấm, trong khi họ sử dụng căn cứ không quân Hmeimim làm trạm trung chuyển để đưa các nhà thầu quân sự của mình vào và ra khỏi châu Phi.

Câu hỏi then chốt hiện nay, theo các nhà quan sát, là liệu Nga có đạt được thỏa thuận với các nhà lãnh đạo mới của Syria để tiếp tục duy trì các căn cứ của mình hay không? Dara Massicot, thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế cho biết Nga muốn giữ các căn cứ thông qua đàm phán. Bà này nói: “Các nguồn lực mà họ có thể cung cấp: tiền, trao đổi hàng hóa, dầu khí, lính đánh thuê hạn chế. Điều quan trọng là liệu liên minh Syria có chấp nhận hay không”, và cho biết thêm, hầu hết các tài sản quân sự của Nga vẫn ở lại hai căn cứ. 

Tương lai nào cho Syria? -0
Thủ lĩnh Abu Mohammad al-Jolani của lực lượng Hayat Tahrir Al-Sham.

Điện Kremlin không đưa ra nhiều thông tin chi tiết về tương lai của các căn cứ, tuyên bố rằng còn quá sớm để xác định điều gì sẽ xảy ra với sự hiện diện quân sự của họ ở Syria. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, các quan chức Nga dường như đã phát động một chiến dịch tiếp cận đối với các nhà lãnh đạo đã lật đổ ông Assad. Nhiều dấu hiệu khác cho thấy Nga mong muốn hợp tác với giới lãnh đạo mới ở Damascus, chẳng hạn như truyền thông Nga không còn dùng lời lẽ gay gắt với HTS; Đại sứ quán Syria tại Moscow đã kéo lá cờ 3 ngôi sao của các nhóm phiến quân Syria vào sáng 9/12.

Đại sứ Syria tại Moscow đã đưa ra lời chỉ trích gay gắt đối với ông Assad trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình nhà nước Nga RT. Họ nói: “Việc người đứng đầu hệ thống này trốn thoát theo cách khốn khổ và nhục nhã như vậy... khẳng định tính đúng đắn của sự thay đổi và mang lại hy vọng cho một bình minh mới”.

Sự thay đổi trong cách tiếp cận của Nga dường như đã mang lại một số thành quả ban đầu. Trái ngược với Iran, nơi đại sứ quán đã bị lục soát ở Damascus, Đại sứ quán Nga vẫn nguyên vẹn. Tass trích dẫn các nguồn tin từ Syria đưa tin rằng phe đối lập “không có kế hoạch xâm nhập” vào căn cứ quân sự của Nga. Các nhà quan sát cho rằng Moscow có thể áp dụng một chiến lược ở Syria tương tự như cách tiếp cận với Taliban, vốn được coi là một tổ chức khủng bố từ năm 2003 nhưng sau đó được Điện Kremlin chào đón sau khi nắm quyền ở Afghanistan vào năm 2021.

Chưa dứt tiếng súng

Một trong những nỗi lo của nhiều người chính là nguy cơ xảy ra xung đột giữa các nhóm phiến quân khác nhau, trong đó có cả lực lượng Nhà nước Hồi giáo (ISIS). Thực tế trong những ngày qua đã liên tục xảy ra các cuộc đụng độ, giao tranh giữa các nhóm phiến quân cát cứ các vùng lãnh thổ khác nhau của Syria. 

Trong một tuyên bố, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết tính đến ngày 12/12, 1,1 triệu người đã phải di dời trên khắp Syria kể từ khi bắt đầu leo thang chiến sự vào ngày 27/11. Phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Trong đó có hơn 100.000 người đã chạy trốn vào các khu vực do người Kurd quản lý ở miền Bắc Syria trong bối cảnh giao tranh phe phái leo thang và lo ngại về các cuộc tấn công trả đũa. Căng thẳng dường như tập trung chủ yếu vào thị trấn Manbij, phía Đông Bắc Aleppo và thị trấn Deir Ezzour gồm người Arab và người Kurd ở miền Đông Syria.

Sau khi chính phủ Damascus sụp đổ vào tuần trước, các đơn vị người Kurd và Arab chiến đấu dưới ngọn cờ của lực lượng SDF do Mỹ hậu thuẫn đã đụng độ với các nhóm phiến quân SNA do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn trong nỗ lực bảo vệ các vùng lãnh thổ ở phía Bắc và phía Đông Syria.Chỉ huy SDF Mazloum Abdi cho biết, lực lượng của ông ta “tiếp tục chống lại và ngăn chặn các cuộc tấn công ngày càng gia tăng từ phía Tây sông Euphrates”, khi các nhóm phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn cố gắng kiểm soát thị trấn. Bất chấp lệnh ngừng bắn, các báo cáo vẫn tiếp tục về giao tranh ở trung tâm Manbij. “Mục tiêu của chúng tôi là ngừng bắn trên khắp Syria và tham gia vào một tiến trình chính trị vì tương lai của đất nước”, tướng Abdi cho biết.

HTS chưa đụng độ với lực lượng do người Kurd lãnh đạo. Tuy nhiên, lực lượng phiến quân ở miền Đông Syria đã đẩy các chiến binh người Kurd ra khỏi Deir Ezzour trong bối cảnh có sự nhầm lẫn về việc ai kiểm soát thị trấn này và nỗi lo sợ ngày càng tăng về sự hiện diện của các chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) trong khu vực.

Trong khi đó, Mỹ đã tiến hành tấn công các mục tiêu liên quan đến IS ở miền Trung Syria, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ tấn công lực lượng SDF của người Kurd. Các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào SDF đặt ra câu hỏi về khả năng tồn tại của sự hiện diện quân sự nhỏ của Mỹ ở miền Bắc Syria cũng như tại các trại tù do SDF điều hành, nơi các chiến binh IS và gia đình của họ bị giam giữ. Quân đội Mỹ ở đó hoạt động hợp tác với SDF. “SDF luôn nói rõ rằng, nếu sự tồn tại của họ bị đe dọa, các nhà tù sẽ không phải là ưu tiên. Quân đội Mỹ chỉ có thể ở lại trên bộ nếu các đối tác SDF của họ có khả năng tồn tại”, Charles Lister, giám đốc chương trình Syria tại Viện Trung Đông ở Washington, cho biết. 

Tương lai nào cho Syria? -0
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz.

Israel cũng xác nhận rằng họ đã điều động lực lượng vào vùng đệm bên ngoài Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng và vào các vị trí quân sự cũ của Syria trên núi Hermon trong những gì họ mô tả là một "biện pháp tạm thời". Họ cho biết họ sẽ tiếp tục các cuộc không kích vào các địa điểm của chế độ cũ liên quan đến tên lửa và vũ khí hóa học.

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết vào hôm 10/12 rằng họ đã thực hiện hơn 350 cuộc không kích trong 48 giờ trước đó, tấn công “hầu hết các kho vũ khí chiến lược” ở Syria để ngăn chúng rơi vào tay những kẻ cực đoan.

Các cuộc không kích diễn ra khi quân đội Israel củng cố quyền kiểm soát của họ đối với một khu phi quân sự ở Syria, phía Đông Cao nguyên Golan bị chiếm đóng và chiếm giữ một dải lãnh thổ miền núi kéo dài về phía Bắc. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz cho biết quân đội Israel được triển khai đến Syria để tạo ra một “khu vực phòng thủ không có vũ khí và các mối đe dọa khủng bố”.

Israel đã chiếm đóng phần lớn Cao nguyên Golan trong cuộc chiến năm 1967. Vùng đệm được thiết lập sau cuộc chiến Yom Kippur năm 1973, bắt đầu khi Ai Cập và Syria phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào Israel.

Tờ Times of Israel đưa tin rằng các quan chức Israel hiện coi thỏa thuận thiết lập vùng đệm là vô hiệu và rằng quân đội Israel có thể sẽ giữ các vị trí mới của họ bên trong Syria “trong một thời gian dài, tùy thuộc vào các diễn biến trong nước”. Ai Cập, Qatar và Saudi Arabia đã lên án cuộc tấn công và chiếm đóng của Israel, cáo buộc nước này lợi dụng tình hình hỗn loạn ở Syria và vi phạm luật pháp quốc tế.

https://antg.cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/tuong-lai-nao-cho-syria--i753449/

Ngày đăng: 15:13 | 16/12/2024

An Châu / CAND