- Cuộc gặp Mỹ Triều là chủ đề cả thế giới đang quan tâm theo dõi. Tuy đã tới sát giờ gặp gỡ, Tổng thống Mỹ vẫn tiếp tục có những tuyên bố bấp bênh, vừa khích lệ vừa gây áp lực lên Triều Tiên, doạ áp đặt chế tài thậm chí bỏ cuộc họp vào phút cuối. Nhưng nhìn vào nỗ lực chuẩn bị của cả hai bên, có thể thấy rằng cuộc gặp sẽ diễn ra ngày 12/6 tại Singapore. Căn cứ vào tính toán chiến thuật của Mỹ và Triều Tiên, có thể nhìn nhận cuộc gặp này diễn ra theo chiều hướng nào?
Trump và nỗi lo Triều Tiên của Mỹ
Khi vừa đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ và trong cuộc gặp gỡ chính thức đầu tiên với Tổng thống đương nhiệm, ông Trump đã được ông Obama tóm lược về tình hình thế giới. Trả lời báo chí sau cuộc họp, ông Trump cho hay đã được Tổng thống Obama cho biết nước Mỹ có một mối lo ngại duy nhất trước mắt về mặt an ninh, nhưng ông Trump không cho biết thêm chi tiết nào khác.
Sau đó, tin tức rò rỉ ra cho hay vấn đề khiến Tổng thống Obama lo ngại nhất chính là khả năng chế tạo các hỏa tiễn có gắn đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên, mà theo ước tính của tình báo Mỹ, trong vòng 2 năm, Triều Tiên có thể có được các vũ khí nguyên tử bắn tới thành phố New York hay Washington D.C.
Tin tức này chứng tỏ mức độ căng thẳng đã lên cao như thế nào trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên ngay trước thời điểm ông Trump lên nhậm chức. Để đối phó với tình hình, chính quyền Obama đã tiến tới việc bố trí các giàn hỏa tiễn THAAD (Hệ thống Phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối) tại Nam Hàn, nhằm ngăn chặn các hỏa tiễn của Triều Tiên.
Nhiều dự báo về Hội nghị thượng đỉnh Trump - Un đang được giới quan sát đưa ra
Sự lo ngại về an ninh của Mỹ đã được Tổng thống Trump nêu ra với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc hội kiến hồi tháng Ba 2017 tại khu nghỉ dưỡng của ông Trump ở Bang Florida, và Tổng thống Trump đã yêu cầu Chủ tịch Tập dùng ảnh hưởng của Trung Quốc, với tư cách nước tài trợ chính yếu cho Triều Tiên, giúp giải quyết mối căng thẳng hạt nhân này với Triều Tiên.
Chủ tịch Tập đã xin một cái hẹn 100 ngày để lo liệu việc này. Tổng thống Trump đã thắc mắc tại sao Chủ tịch Trung Quốc lại cần thời hạn lâu đến thế, và Chủ tịch Tập đã phải giải thích đến 10 phút để ông Trump hiểu không dễ để thuyết phục một quốc gia như Triều Tiên.
Trong khi đó, Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong Un của Triều Tiên đã liên tiếp đả kích nhau một cách kịch liệt, thậm chí ông Trump còn lên tiếng trong bài diễn văn đầu tiên của mình tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc rằng nếu Triều Tiên không kiềm chế, tấn công các đồng minh của Hoa Kỳ tại vùng Đông Á Châu, Hoa Kỳ sẵn sàng hủy diệt toàn diện Triều Tiên. Tổng thống Trump và Kim Jong Un còn trao đổi những lời châm biếm cay nghiệt và sự chỉ trích nóng bỏng nhắm vào cá nhân nhau trên các phương tiện truyền thông quốc tế, điều chưa từng xảy ra giữa các nguyên thủ quốc gia.
Bất chấp lời tuyên bố của ông Trump nhằm vào Triều Tiên, trong những tháng kế tiếp, ông Un vẫn tiếp tục thực hiện các vụ thử nghiệm hỏa tiễn với trình độ kỹ thuật ngày càng cao hơn, có tầm bắn cao hơn, xa hơn, có thể tấn công các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ tại đảo Guam hay xa hơn.
Cả thế giới sững sờ trước khả năng chế tạo vũ khí nguyên tử tiến bộ của Triều Tiên, và hồi hộp lo sợ một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể bùng nổ trước mắt. Chỉ cần một sơ sót kỹ thuật nhỏ nhoi hay một sự ước tính sai lạc, cả nhân loại có thể phải chạm mặt với một đại họa chưa từng có.
Tổng thống Trump có ghi nhận rằng Chủ tịch Trung Quốc có thực hiện sự cam kết nhưng lại làm chưa đủ để tạo áp lực lên ông Kim Jung Un. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không thể tạo ảnh hưởng buộc Chủ tịch Kim Jong Un ngưng thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Nên nhớ ông Un từ ngày lên nhậm chức, chưa hề xuất ngoại và sang chào hỏi Trung Quốc và Chủ tịch Tập Cận Bình dù chỉ một lần, cho thấy tính độc lập của Chủ tịch Kim Jong Un đã giúp Triều Tiên đứng vững trước áp lực của các nước lớn.
Sau sự thành công của vụ thử nghiệm phóng hỏa tiễn với đầu đạn có thể lắp được vũ khí nguyên tử tầm xa có khả năng vươn tới nội địa Hoa Kỳ, Chủ tịch Kim Jong Un có thể đã tính toán là đã chứng tỏ được nội lực quân sự của mình để chống lại bất kỳ nước lớn nào, dù xa hay gần. Điều này mang lại một sức mạnh tinh thần giúp cho Chủ tịch Kim Jong Un tự tin để bước vào đấu trường ngoại giao.
Cơ hội ngoại giao và tính toán của Triều Tiên
Cùng lúc, tại Nam Hàn, đã có sự thay đổi lãnh đạo: Tân Tổng thống Nam Hàn, Moon Jae-in, là một nhân vật chủ trương đối thoại với Triều Tiên để giải quyết tình hình căng thẳng tại Bán đảo Triều Tiên một cách hòa bình, ngay từ lúc ông Moon còn làm Chánh văn phòng cho cố Tổng thống Nam Hàn Roh Moo-hyun. Đây hẳn là một yếu tố thuận lợi cho việc tính toán đàm phán của ông Un.
Thiên thời còn thuận lợi hơn nữa khi Thế vận hội mùa Đông Winter Olympic được tổ chức tại Nam Hàn. Ông Un đã tận dụng cơ hội này để phô bày cho thế giới và đặc biệt người dân Nam Hàn một bộ mặt mới của Triều Tiên, ngoài việc tham dự các cuộc tranh tài thể thao dưới lá cờ Bán đảo Triều Tiên thống nhất, còn có sự tăng cường của các đoàn trình diễn ca nhạc, nhảy múa ngoạn mục…
ông Tập Cận Bình và ông Donald Trump trong cuộc gặp tại Florida, Mỹ. Ảnh: Reuters
Đặc biệt, ông Un đã phái người em gái, Kim Yo-jong, sang gặp và chuyển lời mời Tổng thống Moon Jae-in đến thăm Triều Tiên. Cô em gái ông Un đã trở thành ngôi sao sáng rực nhất của Thế vận hội mùa Đông dù không tranh đấu một cuộc thi đấu thể thao nào.
Những hình ảnh giao hảo tốt đẹp ấy chắc hẳn đã đánh động cảm thức thống nhất và hòa bình của người dân hai miền Bán đảo Triều Tiên, những người mà chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ luôn tìm cách bảo vệ tối đa nền độc lập và chủ quyền của mình. Cuộc gặp gỡ chính thức giữa Tổng thống Moon Jae-in của Nam Hàn và Chủ tịch Kim Jong Un của Triều Tiên được loan báo sẽ được tổ chức tại Bàn Môn Điếm, nơi chia đôi Bán đảo Triều Tiên.
Cuộc tiếp xúc giữa em gái Chủ tịch Kim Jong Un và Tổng thống Moon Jae-in của Nam Hàn đã dẫn đến việc một phái đoàn cao cấp Nam Hàn được gửi đến Bình Nhưỡng. Phái đoàn Nam Hàn này sau khi trở về Seoul để báo cáo với Tổng thống Moon Jae-in, đã được lệnh bay sang Hoa Kỳ tức thời để chuyển đến Tổng thống Trump đề nghị việc phi-hạt-nhân-hóa của Triều Tiên, và Chủ tịch Kim Jong Un sẽ sẵn sàng gặp gỡ Tổng thống Trump mà không có điều kiện tiên quyết nào. Diễn biến tích cực này đã cho thấy tài lược của ông Un về tận dụng thời thế và cơ hội để giải quyết quyền lợi chiến lược của đất nước.
Hội nghị thượng đỉnh Trump-Un sẽ được tổ chức vào ngày 12/6/2018 tại Singapore. Trước ngày diễn ra cuộc gặp, các diễn tiến đã được ghi nhận từ các tuyên bố của những người đứng đầu hai nước:Tổng thống Trump đã tức thời chấp nhận đề nghị gặp gỡ với Chủ tịch Kim Jong Un và đã yêu cầu phái đoàn Nam Hàn bàn luận cùng với nhân viên Nhà Trắng để soạn thảo thông báo chung ngay sau buổi họp. Đích thân Tổng thống Trump đã yêu cầu các phóng viên đang chờ đợi trong Phòng báo chí dinh Tổng thống đón nghe quyết định quan trọng này.
Chủ tịch Kim Jong Un tuyên bố: Triều Tiên sẽ chấp nhận việc phi hạt nhân hóa nếu Hoa Kỳ đồng ý ký kết một hiệp ước bất tương xâm với Triều Tiên, và chấm dứt tình trạng chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên.
Hôm 14/5/2018, Triều Tiên loan báo sẽ phá hủy địa điểm hạt nhân Punggye-ri trong tuần lễ sắp tới. Chủ tịch Kim Jong Un đã mời các ký giả quốc tế đến quan sát biến cố này. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Jim Mattis, tuyên bố Hoa Kỳ sẵn sàng cứu xét việc rút quân Mỹ ra khỏi Bán đảo Triều Tiên nếu đạt được thóa thuận với Triều Tiên. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, Mike Pompeo, lặp lại lời tuyên bố của Tổng thống Trump rằng Mỹ sẽ cứu xét việc viện trợ kinh tế, kỹ thuật cho Triều Tiên trong các lĩnh vực nông nghiệp và điện năng.
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, Mike Pompdeo, hôm Chủ nhật 13/5/2018 cho hay chính quyền Hoa Kỳ sẽ cho phép tư nhân đầu tư tại Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng đồng ý phi hạt nhân hóa toàn diện.
Dự báo về Hội nghị thượng đỉnh Trump - Un
Những người lạc quan nhất về cuộc gặp Mỹ - Triều sắp tới cũng rất thận trọng khi đưa ra dự đoán kết quả, song từ sự lạc quan trước những tuyên bố của hai bên có thể nêu ra một số dự báo:
Điều đầu tiên có thể đạt được giữa hai bên là một hiệp định khung quy định nguyên tắc giải quyết mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên, trong đó Bắc Triều Tiên triệt thoái các cơ sở hạt nhân, theo đó Mỹ chấm dứt đe dọa quân sự Bắc Triều Tiên và triệt thoái quân sự Mỹ ra khỏi bán đảo này, thiết lập quan hệ ngoại giao, đầu tư kinh tế, viện trợ… cho Bắc Triều Tiên.
Nếu điều này xảy ra sẽ tác động tích cực đến tình hình quốc tế và khu vực, chấm dứt đối đầu và căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên diễn ra đã hàng thập kỉ nay, mở ra triển vọng hòa bình quốc tế và khu vực Châu Á – trước hết là Đông Bắc Á; Điều đó tạo ra bước ngoặt cho sự thay đổi lớn lao về quan hệ và quyền lợi của nhiều nước.
Trước hết, quan hệ Nam Hàn – Bắc Triều Tiên sẽ có bước chuyển lớn, xu hướng hợp tác sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ, có thể tiến tới một hình thức Liên bang lỏng lẻo, thống nhất trong các lĩnh vực phi chính trị trước, nhưng mỗi bên đều giữ nguyên sự tự trị trong một thời hạn nào đó trước khi thực sự hợp nhất.
Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều được coi là điểm bước ngoặt trên Bán đảo Triều Tiên.
Hoa Kỳ sẽ có một ảnh hưởng mới, nhiều hơn trong dài hạn. Với tư cách quốc gia chủ động trong diễn trình hòa đàm, ngoài việc giảm bớt gánh nặng quân sự, Hoa Kỳ nghiễm nhiên ở vào vị thế thuận lợi nhất để đầu tư và khai thác thị trường mới mẻ tại Triều Tiên. Chắc chắn Hoa Kỳ sẽ trở thành một đối thủ cạnh tranh mới trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại tại thương trường Đông Bắc Á này.
Nhật Bản sẽ có lợi hơn về quân sự trong ngắn hạn, về kinh tế trong dài hạn nhờ tình hình hòa dịu tại Đông Á. Nhật Bản được ước tính sẽ mong muốn đầu tư vào Triều Tiên, mở ra một thị trường mới cho Nhật. Trong cuộc gặp mới đây giữa Thủ tướng Nhật Abe và Tổng thống Mỹ Trump, phía Nhật đã đề nghị Mỹ trao đổi với Triều Tiên để giải quyết vấn đề người Nhật bị bắt cóc bởi Bắc Hàn trong thập niên 1970 và 1980. Nếu điều này diễn ra thì chủ đề nóng bỏng này trong chính trị nội bộ nước Nhật sẽ được giảm nhiệt và tháo gỡ.
Nga cũng có lợi phần nào, nhờ giảm bớt được gánh nặng quân sự tại vùng bán đảo Triều Tiên và mở ra cơ hội thị trường mới cho Nga. Chính vì thế, Tổng thống Nga đã ca ngợi nỗ lực của cả Donald Trump và Kim Jung Un đồng thời tuyên bố kỳ vọng hội nghị sẽ có kết quả tích cực.
Trung Quốc có thể phải gánh chịu sự tổn hại về chính trị, vì chỉ đóng giữ một vai trò bên lề trong cuộc đàm phán Triều Tiên - Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trước khi có sự liên hệ với Mỹ, ông Un đã đến Trung Quốc trong chuyến đi lịch sử để gặp Tập Cận Bình. Xử sự khôn ngoan này đã tạo dư luận ngầm hiểu ông Un đã được sự ủng hộ của ông Tập, mặc dù đến nay cuộc gặp giữa ông Tập và ông Un vẫn chưa được tiết lộ; nhưng chắc chắn Trung Quốc đã bị động đối với Mỹ.
Song, với vị trí địa chính trị sát cận nhất và các mối quan hệ truyền thống với Triều Tiên, Trung Quốc vẫn còn là một tay chơi quan trọng tại vùng đất này của thế giới, nhưng chắc chắn Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một môi trường cạnh tranh mới, với nhiều đấu thủ hùng mạnh hơn.
Dù chưa biết chắc kết quả của cuộc họp thượng đỉnh sắp tới ra sao, song những biến chuyển xảy ra trong những tháng qua, điều đã được bộc lộ rõ là Kim Jong Un, tuy còn rất trẻ tuổi và nắm quyền chưa được bao lâu, đã tự thể hiện là một nhà chính trị sắc bén, có nhận thức xác đáng về cục diện thế giới, biết thích ứng với các hoàn cảnh biến đổi nhanh chóng, biết tận dụng thời cơ, và quyết đoán các chính sách hữu hiệu. Hy vọng rằng người dân Hàn Quốc sẽ được thụ hưởng các thành quả tốt đẹp từ một sự lãnh đạo sáng suốt, khôn ngoan. Đây cũng là điều các nước nhỏ cần suy ngẫm.
Có một câu tục ngữ để mô tả một cách khá xác thực chiến lược mà Triều Tiên đã theo đuổi trong hơn 60 năm kể từ ngày phân chia Nam Bắc Triều Tiên là “Chén sành chơi với chén sứ”. Nhìn lại sách lược các nước nhỏ như Iran, Libya, Pakistan… đã từng áp dụng nhằm chống lại sự đe dọa của các nước lớn thời Chiến tranh lạnh sau Thế chiến II, cho đến nay, xem ra chỉ có mỗi Triều Tiên đạt được các mục tiêu chính trị của chiến lược phát triển vũ khí hạt nhân của mình.
Nguyễn Văn Hưởng
Thượng đỉnh Mỹ-Triều từ A đến Z
Tất tật những điều cần biết về cuộc họp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên ... |
Lộ "nhà tài trợ" chi phí tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều?
Nhóm Chiến dịch Quốc tế Từ bỏ Vũ khí hạt nhân (ICAN) cho biết sẵn sàng chi trả cho hoạt động ăn nghỉ cũng như ... |
Thay 3 lãnh đạo cấp cao, ông Kim Jong-un muốn “tiết chế” quân đội trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều?
Theo Yonhap trích một nguồn tin tình báo ngày 3/6, 3 lãnh đạo quân đội Triều Tiên cấp cao đã bị thay thế. |
Tướng Hưởng dự báo: 2018 tiềm ẩn nhiều bất ổn và xung đột
Chủ nghĩa dân tộc, dân tuý ở Mỹ và thế giới phương Tây đang mở đường cho một thế giới đầy chia rẽ, dễ dẫn ... |
Ngày đăng: 09:23 | 10/06/2018
/ Vietnamnet