Những tượng đài chiến thắng thể hiện tinh thần yêu nước vĩ đại đã trở thành niềm tự hào của người dân các địa phương và là điểm nhấn thu hút đông đảo du khách
Sau năm 1975, trong số các tác phẩm tượng đài được thực hiện ở nước ta, tượng đài kỷ niệm "Chiến thắng Điện Biên" (tổng vốn đầu tư 47 tỉ đồng, ở TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) từng được coi là tượng đúc đồng lớn nhất Việt Nam, là công trình thế kỷ.
Niềm tự hào của người dân các địa phương
Ngày 23-2-2004, tượng đài "Chiến thắng Điện Biên" được chia thành 12 phần và phải huy động tới 11 xe rơ-móoc siêu nặng vận chuyển từ Nam Định về TP Điện Biên Phủ.
Đây là tác phẩm phóng chiếu từ tác phẩm gốc "Chiến thắng Điện Biên Phủ" của một cựu chiến binh thuộc Tiểu đoàn 307 lừng danh - nhà điêu khắc Nguyễn Hải. Tác phẩm gốc được ông sáng tác trong thập niên 60 của thế kỷ trước (1960-1965). Nhà điêu khắc Nguyễn Hải từng được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Huân chương Lao động hạng nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhì... Nhắc đến điêu khắc gia Nguyễn Hải, công chúng còn biết đến ông là tác giả một loạt tượng đài khác như: "Thủ Khoa Huân", "Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút" và "Ba chiến sĩ gang thép" (Tiền Giang), "Bà mẹ Tổ quốc" (TP HCM), "Công nhân đấu tranh" (TP HCM), (Tiền Giang)…
Tượng đài "Chiến thắng Điện Biên" cao 13,25 m, tổng trọng lượng vào khoảng 360 tấn, trong đó có 220 tấn đồng và 140 tấn bê-tông cốt thép được dựng và đổ vào trong lõi tượng đài. Công trình này đã trở thành niềm tự hào của người dân Điện Biên nên họ thường thích thú khi có dịp giới thiệu với du khách đến miền Tây Bắc.
Một công trình khác được hoàn thành sau gần 7 năm thi công là tượng đài "Mẹ Việt Nam anh hùng" ở khu vực núi Cấm (xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam).
Tượng Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ là điểm tham quan của rất nhiều du khách khi đến Quảng Nam. Ảnh: TÂM NGUYỄN
Tượng đài này được xem là lớn nhất Đông Nam Á, với tổng kinh phí xây dựng 411 tỉ đồng (thời điểm năm 2015). Khối tượng chính cao 18,5 m, hình cánh cung dài 101 m, mang hình ảnh người mẹ dang tay đón các con vào lòng. Công trình được xây dựng từ 20.000 tấn đá hoa cương vận chuyển từ Bình Định. Tác giả cho hay công trình lấy ý tưởng mẹ là suối nguồn bao la vô tận, là linh hồn đất nước. Mẹ sinh ra từ mảnh đất anh hùng, rồi sinh ra những người con anh hùng và sẽ lại hóa thân vào đất, vào non nước Việt Nam. Mẹ sẽ sống mãi ngàn đời, tiếp thêm nguồn sức mạnh cho các thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Toàn bộ công trình được xây dựng trên diện tích 15 ha. Phía trước tượng là quảng trường tiền môn với 30 ngọn đèn đá, tượng trưng cho 30 năm mẹ chờ đợi ngày giải phóng.
Công trình văn hóa cấp quốc gia này được chọn từ phác thảo của họa sĩ Đinh Gia Thắng và kiến trúc sư Nguyễn Luận, lấy nguyên mẫu từ hình ảnh gốc của mẹ Nguyễn Thị Thứ (xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Mẹ Thứ có 9 con trai, 1 con rể và 2 cháu ngoại hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Tượng được làm rỗng, bên trong là Nhà tưởng niệm Mẹ Việt Nam anh hùng có diện tích 400 m2. Tại đây còn có bia ghi danh gần 50.000 bà mẹ Việt Nam anh hùng trên khắp cả nước. Quần thể kiến trúc tượng đài còn gồm 8 trụ huyền thoại ngay trước cổng vào, mỗi trụ cao 11,2 m; đường kính hơn 1,2 m làm bằng đá hoa cương. Trên 8 trụ khắc họa hình ảnh bà mẹ Bắc Bộ hiền lành, phúc hậu; mẹ Trung Bộ tảo tần, nắng mưa, can trường; mẹ Tây Nguyên dù cái bụng không no nhưng vẫn dành từng hạt bắp cho bộ đội; mẹ Nam Bộ kiên trung, bất khuất… Quảng Nam là địa phương có nhiều bà mẹ Việt Nam anh hùng nhất nước với 11.234 người.
Kể từ khi khánh thành, công trình trở thành điểm đến phổ biến của hầu hết du khách khi ghé thăm Quảng Nam.
Sừng sững một tinh thần
Nhà điêu khắc Lâm Quang Nới - tác giả của tượng "Bác Hồ" trước UBND TP HCM và trên 50 tượng đài đặt ở các không gian công cộng trên cả nước, cho rằng với tượng đài chiến thắng quan trọng nhất là dựng lên sừng sững một tinh thần, một khí phách, khiến công chúng không thể quên.
Từ tác phẩm điêu khắc đầu tiên trong chiến khu, luôn chọn đề tài Bác Hồ, hình tượng của Bác đã gắn liền với cuộc sống nghệ thuật của nhà điêu khắc Lâm Quang Nới. Nhà điêu khắc kể: "Năm 2010, TP HCM muốn có một món quà tặng Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long nên tổ chức cuộc thi tượng đài, tôi đoạt giải nhất với bức tượng "Bác Hồ và Bác Tôn". Tượng bằng đồng đen cao 5,4 m, đế 1,8 m, đặt tại Công viên Thống Nhất. Ý tưởng sáng tạo bức tượng này lấy từ cái bắt tay của Bác Hồ với Bác Tôn sau kỳ họp Quốc hội khóa II năm 1961. Trong đó, 4 bàn tay đã nói lên tất cả, về tinh thần đoàn kết, đấu tranh, hướng tới ngày chiến thắng".
Kể về kỷ niệm với bức tượng "Bác Hồ" đặt ở trước UBND TP HCM, nhà điêu khắc Lâm Quang Nới hồi ức: "Đầu năm 2015, kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng, thống nhất đất nước, TP HCM có kế hoạch xây dựng tượng đài Hồ Chủ tịch nên tổ chức cuộc thi toàn quốc về sáng tác tượng đài. Có 32 phác thảo dự thi của 24 tác giả và tác phẩm của tôi được lựa chọn. Đó là bức tượng bằng đồng nguyên khối cao 4,5 m, đế tượng bằng đá đen cao 2,1 m.
Gốc tích về bức tượng "Bác Hồ" được nhà điêu khắc Lâm Quang Nới kể: "Hồi làm công tác trưng bày bảo tàng ở căn cứ Trung ương Cục miền Nam, tôi hết sức cảm động khi đọc được lá thư Bác viết năm 1967. Trong đó, Bác có một nguyện vọng thiết tha là vào miền Nam để thăm đồng bào, chiến sĩ ta đang tham gia kháng chiến. Lá thư đó đã cho tôi cảm xúc hết sức mạnh mẽ và ấn tượng sâu sắc. Vì thế, hình ảnh mà tôi muốn gửi gắm ở bức tượng này chính là sau ngày chiến thắng, người dân miền Nam đón Bác về thăm. Bác vừa bước đi vừa vẫy tay chào, gương mặt tươi vui, thần thái nhẹ nhõm, yêu thương chan hòa". Họa sĩ Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP HCM, nhận xét về tác phẩm này: "Tượng đài này có thể nói là đẹp nhất trong các tượng đài về Bác hiện có trên toàn quốc".
Hồi tháng 3-2016, nhà điêu khắc Lâm Quang Nới cũng hoàn thành tượng đài "Chiến sĩ Gạc Ma" với kích cỡ lớn, đặt trên bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa (công trình của Tổng LĐLĐ Việt Nam). Đây là biểu tượng ghi công những người con anh hùng đã ngã xuống vì quê hương đất nước. Tượng đài này cũng được giới chuyên môn đánh giá cao về ý tưởng, bố cục, nghệ thuật tạo hình.
Đầy tinh thần dân tộc
Nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP HCM, tác giả của một tác phẩm tượng đài cỡ lớn khánh thành năm 2010, đặt ở khu di tích ngã ba Giồng (huyện Hóc Môn, TP HCM), bộc bạch: "Không thể phủ nhận được các tượng đài chiến thắng đầy tinh thần dân tộc và sức sống của những nhà điêu khắc bậc thầy. Thế hệ trẻ bây giờ đã tiếp cận được với các ngôn ngữ nghệ thuật khác trên thế giới nên tư duy sáng tạo cởi mở hơn nhiều. Đã xuất hiện nhiều nhà điêu khắc trẻ trưởng thành từ các trại sáng tác đương đại, bắt đầu "thổi hồn" dân tộc vào tác phẩm.
HÒA BÌNH
Không nên xây dựng tượng đài Vua Hùng tràn lan
Khi chưa thống nhất nhân diện Vua Hùng thì không nên xây tượng đài tràn lan các tỉnh thành và nơi thờ tự. |
Tượng đài Putin ở Nga
Với việc Tổng thống Vladimir Putin tái đắc cử, tình trạng căng thẳng giữa Nga với phương Tây sẽ gia tăng |
Ngày đăng: 18:53 | 30/04/2019
/ https://nld.com.vn