Việc tượng đài chiến thắng tại Bắc Kạn vừa hoàn thành được 2 năm đã xảy ra sự cố là điều bất thường''
Câu chuyện về cậu bé 12 tuổi trong lúc chơi đùa đã bị một phần của tượng đài chiến thắng tại TP. Bắc Kạn (Bắc Kạn) đè vào người và bị thương khiến dư luận xôn xao nhiều ngày qua.
Một số ý kiến đã bày tỏ nghi ngờ về chất lượng của tượng đài chiến thắng, khi mà bé trai mới chỉ đu lên cánh tay tượng đã khiến một phần của tượng đổ sập vào người cháu.
Điểm bất thường
Trao đổi với Đất Việt chiều 11/8, anh Nguyễn Văn Dũng - một nghệ nhân điêu khắc tại Ninh Bình cho rằng, tượng đài chiến thắng tại Bắc Kạn vừa hoàn thành được 2 năm đã xảy ra sự cố là điều bất thường.
\'\'Theo thông tin trên báo chí, tượng đài tại TP. Bắc Kạn được dựng bằng cách ghép các thớt đá vào với nhau. Do đó, độ bền của tượng không thể bằng với tượng làm từ đá nguyên khối.
Tuy nhiên, việc một đứa trẻ vừa đu lên đã đổ sập là điều không thể chấp nhận được. Trong trường hợp này, tôi có thể khẳng định rằng, có 2 nguyên nhân khiến cho độ bền của tượng bị giảm nghiêm trọng.
Thứ nhất, chất lượng keo dùng để nối các thớt đá vào với nhau có vấn đề. Thứ hai, trong quá trình thi công tượng, người ta đã làm ẩu.
Đối với những công trình cần tuổi thọ lâu năm như tượng đài chiến thắng, bắt buộc phải khoan lõi và gia cố thép bên trong các khớp nối. Tượng đài chiến thắng tại TP. Bắc Kạn đã không làm như vậy\'\', anh Dũng nhấn mạnh.
Tượng đài chiến thắng tại Bắc Kạn bị đổ sập khi trẻ đu tay |
Cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn giải thích rằng, trải qua thời gian, lớp keo dính giữa các thớt đá bị ảnh hưởng dẫn tới tượng bị đổ khi bé trai đu lên. Tuy nhiên vị nghệ nhân điêu khắc đá lại nghĩ khác.
\'\'Thông thường, lớp keo dính đá có tuổi thọ từ 7 - 10 năm. Ở khoảng thời gian này người lớn đu lên còn không đổ, huống hồ một đứa trẻ 12 tuổi nặng hai, ba chục cân. Trong khi đó tượng đài ở TP. Bắc Kạn mới hoàn thành cách đây 2 năm.
Quan điểm của tôi rất rõ ràng, nếu đã xác định làm công trình mang tính biểu tượng như tượng đài chiến thắng thì bắt buộc phải làm bằng đá nguyên khối, không chắp vá để rồi dăm ba năm sau lại xảy ra sự cố.
Hoặc trong trường hợp vì lý do nào đó mà chủ đầu tư không muốn dùng đá nguyên khối, thì bắt buộc đơn vị thi công phải gia cố các khớp nối thật cẩn thận, không thể làm qua loa cho xong chuyện được\'\', anh Dũng nêu quan điểm.
Mức giá trên mây
Trong vai một khách hàng, phóng viên liên hệ về một xưởng sản xuất tượng đá ở Hưng Yên để đặt mua một bức tượng bằng đá xanh nguyên khối với kích cỡ tương tự như tượng đài chiến thắng ở TP. Bắc Kạn (một nhóm 5 tượng, cao 3 mét).
Sau khi thống nhất về bố cục, kích cỡ bức tượng đá, chủ cơ sở sản xuất đưa ra mức giá là 300 triệu đồng. Mức giá này bao gồm cả chi phí vận chuyển tượng từ Hưng Yên về Hà Nội và chi phí lắp đặt.
Mức giá này khiến nhiều người cảm thấy bất ngờ. Bởi lẽ trên thực tế, Công trình tượng đài chiến thắng tỉnh Bắc Kạn (2 nhóm tượng) nằm trong dự án tượng đài chiến thắng Bắc Kạn được hoàn thành với tổng kinh phí là 14 tỉ đồng, bao gồm cả kiến trúc và mỹ thuật.
Theo thông tin từ Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Bắc Kạn, kinh phí phần tượng đài là 2 tỷ đồng.
Như đã thông tin trước đó, khoảng 20h ngày 9/8 tại sân Quảng trường TP. Bắc Kạn, khi mọi người đang vui chơi thì một phần cụm tượng đài chiến thắng đã bất ngờ bị đổ sập xuống. Một bé trai đang chơi đùa tại đây bị thương.
Tại thời điểm xảy ra vụ việc, người dân TP. Bắc Kạn ra quảng trường rất đông để hóng mát, chủ yếu là các gia đình dẫn theo con nhỏ.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, bé trai đã được đưa đi Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn để chữa trị. Hiện tại, tình hình sức khỏe của cháu bé đã ổn định.
Ngày đăng: 08:50 | 12/08/2017
/ Hồng Anh/baodatviet.vn