Các số liệu thống kê gần đây cho thấy tuổi teen tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ và phẫu thuật tạo hình ngày càng tăng. Khi nào chúng ta nên nói "có" với những thiếu niên muốn phẫu thuật thẩm mỹ?
Xu hướng gần đây cho thấy không chỉ những bệnh nhân thực hiện phẫu thuật tạo hình có độ tuổi ngày càng trẻ hơn, mà số thanh thiếu niên tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ cũng đang tăng lên. Khi nào chúng ta nên nói "có" với những thiếu niên muốn phẫu thuật thẩm mỹ? Câu trả lời không phải lúc nào cũng đơn giản.
Tuổi teen phẫu thuật thẩm mỹ cần có sự hướng dẫn cẩn thận của bác sĩ |
Các số liệu thống kê gần đây cho thấy tuổi teen tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ và phẫu thuật tạo hình ngày càng tăng. Tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ nổi tiếng thế giới người Mỹ Rod J.Rohrich trên trang medscape.com, thì không nhất thiết phải báo động với xu hướng này khi xét đến các kiểu phẫu thuật thẩm mỹ phổ biến ở giới trẻ.
Thủ tục không xâm lấn
Các kiểu phẫu thuật thẩm mỹ phổ biến mà tuổi teen yêu cầu bao gồm các thủ tục không xâm lấn da như mài da vi điểm hay còn gọi là siêu mài mòn da (microdermabrasion), lột da bằng hóa chất hay còn có tên gọi khác là mặt nạ hóa học (chemical peel) và tái tạo bề mặt da bằng tia laser, chủ yếu để điều trị sẹo mụn trứng cá. Những thủ tục này giúp làm mờ sẹo và vết thâm do mụn trứng cá đồng thời cải thiện làn da.
Trong 5 năm qua, chất làm đầy (dermal filler) cũng được thanh thiếu niên và người lớn chọn để làm căng da mặt và có đôi môi dày, căng mọng, gợi cảm, quyến rũ như các nghệ sĩ thần tượng. Thế nhưng, các viện, trung tâm thẩm mỹ uy tín cùng phần lớn các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ lại chống việc sử dụng chất làm đầy và Botox trong những năm tuổi teen, thời điểm tăng trưởng về thể chất và tâm lý mạnh nhất trong đời người. Lập luận rằng chất làm đầy và Botox có thể có tác dụng tích cực và được sử dụng để ngăn ngừa lão hóa là sai lầm lớn và hoàn toàn không có cơ sở khoa học.
Quan điểm về các thủ tục phẫu thuật tạo hình
Các thủ tục phẫu thuật tạo hình cho tuổi thanh thiếu niên cần phải được xem xét dưới góc độ y khoa đối với những năm tháng quan trọng về phát triển tâm lý - xã hội và thể chất.
Phẫu thuật nâng ngực rất phổ biến nhưng không thể và không nên thực hiện trên những bệnh nhân dưới 18 tuổi. Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ khuyến cáo việc sử dụng nước muối sinh lý thay vì cấy túi silicone ở bệnh nhân từ 18 đến 22 tuổi, trừ khi bệnh nhân bị dị dạng vú hay bất đối xứng đáng kể, nhưng cũng nên đợi đến sau 18 tuổi sau khi hoàn thành giai đoạn tăng trưởng.
Tuy không nhiều, nhưng vẫn có một số thanh thiếu niên muốn thu nhỏ ngực do bị bạn bè ở trường chế nhạo, bắt nạt hoặc bị đau lưng và cột sống do vòng 1 quá khổ. Đây là một yêu cầu hợp lý và có những lợi thế về tâm lý và thể chất đáng kể. Tuy nhiên, sau khi thu nhỏ vòng 1 sẽ để lại vết sẹo quanh vú. Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ cần phải thảo luận chi tiết điều này với cha mẹ và bệnh nhân.
Nhu cầu phẫu thuật thu nhỏ ngực đối với các bé trai mắc chứng gynecomastia cũng đang gia tăng. Gynecomastia, hoặc sự phát triển của mô vú ở nam giới, được coi là "bệnh thầm kín của nam giới" và có thể là do phản ứng của thuốc, do béo phì, hoặc những nguyên nhân khác. Khi con trai hoàn toàn trưởng thành và ốm lại, vú có thể giảm kích thước mà không cần can thiệp; tuy nhiên, trong những trường hợp nghiêm trọng, các cậu bé tuổi teen có thể nhờ phẫu thuật để giải quyết những vấn đề về tâm lý do mô vú phát triển quá mức. Trong một số trường hợp, có thể xử lý thông qua kỹ thuật xâm lấn tối thiểu bằng cách sử dụng công nghệ sóng siêu âm cộng hưởng để làm tan mỡ ở vú.
Phẫu thuật tạo hình tai là một thủ tục thường được thực hiện để chỉnh hình tai nổi bật. Nó có thể được thực hiện trong những năm thiếu niên và thậm chí sớm hơn ở độ tuổi 6 hoặc 7, khi tai có kích thước gần với tai người trưởng thành, đặc biệt khi trẻ đang bị chế giễu ở trường vì có vành tai dị dạng.
Mũi cũng là chủ đề bị trêu chọc và bị bắt nạt phổ biến ở trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi đi học. Phẫu thuật chỉnh hình mũi, hoặc phẫu thuật tạo hình mũi, cũng thường được thực hiện và thường có thể dẫn đến những cải thiện mạnh mẽ về thể chất và tinh thần cho trẻ vị thành niên, đặc biệt là các em gái tuổi teen.
Yếu tố dẫn đến phẫu thuật thẩm mỹ ở trẻ vị thành niên
Một số bậc cha mẹ vẫn tiếp tục xem phẫu thuật thẩm mỹ như là một "món quà" tặng con trẻ khi chúng tốt nghiệp hoặc trong một số dịp, lễ lạc khác. Thế nhưng đó lại là một ý tưởng tồi. Trong vài năm trở lại đây, tỷ lệ phẫu thuật thẩm mỹ ở tuổi vị thành niên tăng có thể là bị cuốn theo xu hướng của những người nổi tiếng, sức ép của mạng xã hội và nhu cầu thích nghi với xu hướng. Trào lưu "selfie" cũng được cho là nguyên nhân làm tăng tỷ lệ phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều người nổi tiếng dao kéo quá đà cũng làm cho nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ ở tuổi teen giảm bớt.
Với những trẻ vị thành niên muốn được tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ, bác sĩ phẫu thuật cần phải đóng vai trò hướng dẫn và giúp cả trẻ và bố mẹ chúng hiểu và có sự kỳ vọng hợp lý. Bác sĩ phải thảo luận thẳng thắn với thiếu niên để đảm bảo rằng chúng đủ trưởng thành để nắm rõ cả những nguy cơ và lợi ích của một sự thay đổi vẻ ngoài trong tương lai, đặc biệt nếu đó là một thủ thuật phẫu thuật vĩnh viễn. Trong một số trường hợp, thanh thiếu niên được khuyên “kiên nhẫn chờ thêm” bởi khi trưởng thành hơn, cơ thể cũng hoàn thiện hơn theo thời gian.
Quan trọng nhất, các bậc cha mẹ hoặc người giám hộ cần phải tham gia góp ý cho trẻ. Điều này giúp ngăn chặn những quyết định tồi tệ và sự hiểu lầm, đồng thời đảm bảo an toàn cả về thể chất và tinh thần cho trẻ.
http://thanhnien.vn/suc-khoe/tuoi-teen-va-phau-thuat-tham-my-872341.html
Ngày đăng: 15:09 | 18/09/2017
/ Theo Hạnh Ngân/Báo Thanh niên