Renu Wankhade khao khát học hành để thoát cảnh đói nghèo, nhưng giấc mơ dần xa vời khi người cha nông dân của cô uống thuốc sâu tự tử.

Từ khi Renu còn nhỏ, cha mẹ đã khiến cô tin rằng học hành là con đường duy nhất để thoát khỏi nghèo đói ở một đất nước nông nghiệp như Ấn Độ. Nhưng mất mùa liên tiếp khiến gia đình Renu lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Cha cô, Devrao, uống thuốc trừ sâu tự tử vào tháng 6/2016, khi không thể trả nổi khoản nợ hơn 700 USD.

Cái chết của cha khiến Renu càng quyết tâm theo đuổi con đường học hành và hoàn thành bậc học phổ thông gần ba năm sau đó. Thế nhưng, niềm tin thoát nghèo nhờ học hành cuối cùng sụp đổ khi Renu phải bỏ dở giấc mơ đại học vì không có tiền trang trải khoản học phí gần 50 USD mỗi năm.

"Tôi luôn muốn được học lên cao hơn, nhưng giờ đó là chuyện không thể. Tôi phải đi làm thuê giúp mẹ để lo đủ miếng ăn qua ngày", Renu, 19 tuổi, chia sẻ.

Ở vùng đất khô cằn Vidarbha thuộc bang Maharaashtra phía tây Ấn Độ, câu chuyện của Renu không hiếm. Theo kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS) vào tháng 7/2017, gần 60.000 nông dân Ấn Độ tìm đến cái chết do biến đổi khí hậu trong 30 năm qua.

tu tu vi bien doi khi hau
Người nông dân Ấn Độ đứng trên cánh đồng khô hạn, nứt nẻ ở bang Maharaashtra năm 2016. Ảnh: Reuters.

Biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ tăng cao và lượng mưa giảm mạnh, gây ra tình trạng hạn hán, mất mùa nghiêm trọng tại nhiều bang ở Ấn Độ, trong đó có Maharaashtra.

Mất mùa khiến nhiều nông dân phải vay nợ để trang trải cuộc sống và canh tác vụ mùa tiếp theo. Vòng luẩn quẩn lặp đi lặp lại đã đẩy nhiều gia đình Ấn Độ vào cảnh nợ nần chồng chất khi nguồn thu nhập chủ yếu đến từ nông nghiệp. Trong tình cảnh bế tắc đó, tự tử là cách duy nhất họ nghĩ tới để "trốn nợ", gây ra khủng hoảng trầm trọng trong nền nông nghiệp Ấn Độ.

Những người tự tử chỉ nghĩ đến việc thoát nợ mà không lường trước một bi kịch khác, khi con em họ phải bỏ học để đi làm phụ giúp gia đình trong cảnh khốn khó. Báo cáo được tổ chức phi chính phủ Ấn Độ Child Rights and You (CRY) công bố đầu năm nay ước tính 60,67% lao động trẻ em tại bang Maharaashtra làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trong số 40,34 triệu lao động trẻ em và thiếu niên ở Ấn Độ, hơn 62% làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Các nhà nghiên cứu khẳng định trẻ em chính là "nạn nhân" của cuộc khủng hoảng tự tử trong nền nông nghiệp Ấn Độ.

"Lao động trẻ em là điều bắt buộc trong hoàn cảnh này. Nếu các gia đình muốn tồn tại, họ buộc phải để con bỏ học đi làm", Rahul Bais, người đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Swarajya Mitra, cho biết.

Renu chia sẻ sau cái chết của cha vào năm 2016, cuộc sống của gia đình cô rất vất vả. Mỗi ngày đi làm từ sáng đến tối cô cũng chỉ kiếm được 1,4 USD, trong khi mùa màng thất bát và gia đình cô vẫn chưa trả được khoản vay hơn 700 USD để tổ chức đám cưới cho chị gái vào năm 2018.

"Tôi thực sự muốn Renu được tiếp tục đi học, nhưng giờ nợ nần, mất mùa khiến tôi không còn lựa chọn nào ngoài để con bé nghỉ học đi làm hỗ trợ tôi", bà Mangala, mẹ của Renu, cho hay.

Akshay, cậu bé 10 tuổi ở bang Maharaashtra, cũng có hoàn cảnh giống Renu. Cha cậu tự tử vì mất mùa và nợ nần chồng chất, để lại mẹ và hai chị em Akshay. Chị của Akshay sau đó cũng qua đời do mắc bệnh hiểm nghèo. Cuộc sống ngày càng khó khăn khiến Akshay phải nghỉ học để đi làm thuê ở trang trại, với thu nhập khoảng 2-2,7 USD mỗi ngày.

"Cháu rất muốn được tiếp tục đi học để sau đó có thể tới thành phố và tìm một công việc tốt", Akshay nói.

Theo Bais, việc trẻ em bỏ học hoàn toàn có thể tránh được nếu chính phủ có những khoản hỗ trợ giáo dục đầy đủ và thường xuyên cho những người có hoàn cảnh như Renu hay Akshay.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của nhóm Diễn đàn về Quyền của Phụ nữ làm nông nghiệp (MAKAAM) ở Ấn Độ, chỉ có 12% trẻ em được hưởng lợi từ các khoản miễn giảm học phí của chính phủ trong 12 năm học, và 24% nhận được hỗ trợ về sách vở, đồ dùng học tập.

Cho tới khi chính phủ Ấn Độ tìm được cách giải quyết cho cuộc khủng hoảng này, những đứa trẻ khốn khổ như Renu hay Akshay sẽ tiếp tục phải gánh chịu bi kịch cuộc sống và sẽ không bao giờ có cơ hội được theo đuổi giấc mơ học hành.

tu tu vi bien doi khi hau Viễn cảnh nào khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris chống biến đổi khí hậu?
tu tu vi bien doi khi hau Nhóm nghiên cứu phủ nhận việc tuyên bố TPHCM và ĐBSCL sắp bị xóa sổ
tu tu vi bien doi khi hau "Thông tin Đồng bằng sông Cửu Long biến mất vào năm 2050 là chưa đủ căn cứ khoa học"

Ngày đăng: 11:00 | 14/11/2019

/ vnexpress.net