Cứ Tết đến là chuyện quà cáp lại rộ lên. Thực ra, nó đã được bàn thảo nhiều, không chỉ trong dân chúng hay quan trường mà cả nghị trường Quốc hội.

Nhiều cơ quan Đảng, đoàn thể và Chính phủ cũng đã liên tục ban hành chỉ thị hoặc chỉ đạo về việc cấm biếu xén, quà cáp. Mới đây, hôm 28-12-2018, tại hội nghị trực tuyến với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: "Chủ tịch, bí thư các địa phương không phải lên trung ương biếu xén, làm tốn kém ngân sách. Chúng ta đang chống tham nhũng từ địa phương, từ cơ sở. Thế nên, ngay từ việc này bây giờ thì mới chuyển biến được".

Người đứng đầu Chính phủ đã dặn dò như thế thì hẳn rằng nhiều năm nay có tình trạng "chủ tịch, bí thư các địa phương lên trung ương biếu xén" và "làm tốn kém ngân sách" - tức là lấy tiền công để phục vụ việc riêng. Trục lợi, dĩ công vi tư là một hình thức tham nhũng, không thể chấp nhận.

tu tang qua toi hoi lo

Minh họa: KHỀU

Tặng quà, về bản chất, là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Nhưng hình thức này đã bị nhiều người làm biến tướng thành đưa hối lộ, không phải đến bây giờ mới có mà từ xa xưa đã phổ biến. Mà phải có bên chịu nhận hối lộ thì bên đưa hối lộ mới được việc, cứ thế nên thành cái tệ. Lễ, Tết thay vì là dịp để thăm hỏi, chúc nhau thì người ta mượn cớ để đến thăm (hoặc được đến thăm) và biếu "quà". Đây chính là mầm mống của tiêu cực, tham nhũng, diễn ra chủ yếu ở chốn quan trường, có quan hệ mật thiết với quyền lực và tiền bạc.

Năm trước cấm rồi nhưng năm sau lại cấm, tức là năm trước cấm mà người ta vẫn đi biếu xén; và vì biếu có người chịu nhận, thậm chí gặp người khác cũng đi biếu xén như mình, thì năm nay có cấm vẫn cứ đi. Thực tế quyết định hành vi là vậy. Cho nên, phải có cách trị những người đi biếu "thiếu trong sáng" lẫn người nhận quà thì mới chấm dứt tệ trạng này được.

Nhưng trị được không? Cho dù Luật Phòng chống tham nhũng có hiệu lực thi hành đã 13 năm, Quyết định 64/2007/QĐ-TTg ngày 10-5-2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về việc tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức cũng đã ban hành 12 năm nhưng chưa được thực thi nghiêm minh, tinh thần chống tiêu cực qua biếu xén yếu ớt và còn hình thức thì mọi thứ không thể có chuyển biến.

Từ giữa thế kỷ XV, vua Lê Thánh Tông sớm khẳng định "quan lại tham nhũng là giặc..." và ban thảo công pháp nghiêm ngặt với Bộ luật Hồng Đức có nhiều điều khoản xử phạt tội tham nhũng rất nặng. Quan lại bị đuổi thẳng cổ nếu ăn hối lộ. Bộ "Đại Việt sử ký toàn thư" chép về triều vua Lê Thánh Tông, có đoạn: "Tháng 6, ngày 20, chọn thải bớt quan và bổng lộc... Quan viên nào đã từng phạm các tội hối lộ (...) thì bắt phải thôi việc, để triệt những quan tham nhũng..." (Ngô Sĩ Liên, NXB Thời Đại, Hà Nội, 2011, tr.693).

Bên cạnh luật nghiêm, theo "Lịch triều hiến chương loại chí" và "Lê triều hội điển", cũng triều Hậu Lê đã có chính sách cấp cho quan lại một khoản gọi là tiền dưỡng liêm, đến Tết thì ban thưởng tiền Tết cho đội ngũ quan viên, ghi là "lệ công việc ngày Tết nguyên đán". Dưỡng liêm để ngừa nhận hối lộ.

Vua sáng thì ắt có tôi hiền. Có lẽ nhờ vậy mà triều Lê thái bình, thịnh trị! Tiền nhân làm được, lẽ nào hậu thế lại không?

A.Q

tu tang qua toi hoi lo Nguy hại từ thói xu nịnh

Đề án Văn hóa công vụ có quy định nhân viên không nịnh bợ, lấy lòng cấp trên vì động cơ không trong sáng.

tu tang qua toi hoi lo "Không để lọt người suy thoái, xu nịnh vào quy hoạch cấp chiến lược"

Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược sẽ loại bỏ người suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống; cơ hội chính trị, xu nịnh, ...

Ngày đăng: 09:50 | 08/01/2019

/ nld.com.vn