Ngoài việc thiếu nhà ở xã hội, người lao động tại thành phố Hồ Chí Minh còn thiếu cả nơi lưu trú. Đây là lý do chính khiến họ phải tìm đến những nơi trọ thiếu tiện nghi trong thành phố.

sleepboox.jpg
Một "hộp ngủ" tại một điểm trọ ở thành phố Hồ Chí Minh.

Hộp ngủ biến tướng

Hộp ngủ (Sleep Box) là thuật ngữ vốn được dùng phổ biến trong du lịch, nhằm nói về những nơi chỉ dành để ngủ. Đó là một chiếc giường được bao kín, đặt tại các điểm công cộng như sân bay, bến xe… để du khách ngủ qua đêm trước khi bước vào ngày hành trình khám phá tiếp theo. Hộp ngủ thường được dùng trong những tình huống “bất khả kháng”, đáp ứng nhu cầu đơn giản của du khách khi không tìm được nơi nghỉ trọ qua đêm.

Tuy nhiên, tại thành phố Hồ Chí Minh, nhiều nhà trọ đã “biến” những hộp ngủ tạm bợ này thành nơi nghỉ ngơi lâu dài cho nhiều công nhân, người lao động tìm về sau 1 ngày lao động, làm việc… Đơn cử, một chủ kinh doanh phòng trọ trên đường Khuông Việt (quận Tân Phú) đã biến 41 căn phòng trọ trên giấy phép xây dựng thành 176 “hộp ngủ” để cho thuê.

Hay như tại căn nhà 5 tầng trên đường Nguyễn Thiện Thuật, tại mỗi tầng, chủ cơ sở ngăn thành 25-30 “hộp ngủ” để cho thuê, mỗi hộp rộng từ 2-4m2, được thiết kế bằng nhôm, xếp chồng lên nhau, cho 1 người thuê ngủ... Khi tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng kết luận cơ sở không bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

pt1.jpg
"Hộp ngủ" tại đường Nguyễn Thiện Thuật, quận Bình Thạnh, nơi mỗi công nhân ở trọ chỉ tìm về để ngủ.

Anh Trương Vũ Khánh, một công nhân thuê hộp ngủ, cho biết: “Những nơi trọ này có nhà tắm, nhà vệ sinh công cộng. Hộp ngủ chỉ dùng để ngủ. Tôi và nhiều người thuê chỗ ở này vì gần chỗ làm, lại rẻ hơn nhiều so với việc thuê một phòng trọ khép kín, phù hợp với thu nhập”.

Theo Tổng Giám đốc Công ty Không gian đẹp Đàm Hà Phú, đây là các trường hợp chủ nhà xin xây dựng nhà ở riêng lẻ. Tuy nhiên, khi triển khai, họ lại cơi nới, xây thêm phòng ốc, tăng diện tích sàn không đảm bảo theo đúng quy định trong giấy phép xây dựng, dẫn tới nhiều vi phạm như thay đổi hoàn toàn giấy phép xây dựng, không đảm bảo về an toàn PCCC…

“Theo tôi, nguyên nhân do các quy định của Nhà nước về loại hình xây dựng nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê chưa được quy định cụ thể, rõ ràng; sự kiểm tra, giám sát của địa phương và cơ quan chuyên môn chưa chặt chẽ... Vì thế, nhiều trường hợp chủ cơ sở kinh doanh loại hình này thường lợi dụng sự sơ hở trong quy định để lách luật, nhằm tăng nguồn cung nơi trọ khi nhu cầu tăng cao. Còn người sử dụng nhiều khi chỉ nghĩ đến sự tiện lợi, mà chưa cân nhắc đến hệ lụy lâu dài hay những nguy cơ cháy nổ phải đối mặt”, ông Phú đưa ra quan điểm.

Ban Quản lý khu chế xuất và khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh (Hepza) thông tin, đã tiến hành một cuộc khảo sát về nhu cầu và chỗ ở hiện tại của công nhân đang làm việc tại 212 doanh nghiệp tại thành phố. Theo đó, phần đông công nhân đang tự thuê nhà trọ xung quanh nơi làm việc. Điều kiện sống tại những nơi này phần lớn chật hẹp. Một phòng 15m2 có tới 4 đến 6 người cùng sống. Ngoài ra, có dấu hiệu cho thấy nhiều điểm trọ đang phát triển mô hình hộp ngủ vượt ngoài sự kiểm soát của cơ quan chức năng, không an toàn về môi trường sống và PCCC.

Cần có khuôn khổ để phát triển

Số liệu do Hepza công bố cho thấy, giai đoạn từ năm 2016 đến nay, quỹ đất được quy hoạch để đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân chỉ còn lại khoảng hơn 11.000m2 tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) và 5.000m2 tại Khu chế xuất Linh Trung 2 (thành phố Thủ Đức), khó đáp ứng nhu cầu về nhà lưu trú cho công nhân làm việc tại 2 khu chế xuất này.

s.jpg
Một người thuê "hộp ngủ" tại quận Gò Vấp

Ngoài ra, thành phố còn có 259.000 lao động làm việc tại 3 khu chế xuất, 14 khu công nghiệp trên địa bàn. Qua khảo sát tại 212 doanh nghiệp với 96.517 người tham gia, Hepza nhận thấy có 51.718 người lao động có nhu cầu thuê chỗ ở (tỷ lệ 53,6%); nhu cầu mua nhà ở xã hội là 29.034 người (tỷ lệ 30,1%)… nhưng trên thực tế, cả 2 quỹ nhà này đều chưa đáp ứng được nhu cầu. Vì vậy, quỹ nhà trọ tư nhân gần các khu chế xuất, khu công nghiệp… lại đang đáp ứng cơ bản nhu cầu về chỗ ở cho công nhân.

Vì vậy, theo ông Đàm Hà Phú, nhu cầu nhà trọ, phòng trọ cho thuê cho công nhân, người lao động rất cần thiết đối với một đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh. Điều cần thiết bây giờ là cơ quan quản lý nhà nước cần quy định rõ ràng về quy chuẩn xây dựng, những tiêu chí, tiêu chuẩn PCCC đối với loại hình nhà trọ, phòng trọ cho thuê như diện tích xây dựng, lối thoát hiểm… Cùng với đó, đẩy nhanh việc tăng quỹ nhà lưu trú công nhân, nhà ở xã hội…

s2.jpg
Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh đề xuất diện tích sử dụng các dạng "hộp ngủ" không nhỏ hơn 5m2 cho một người để đảm bảo không gian ở phù hợp.

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu, nhà trọ là sản phẩm nhà ở rất cần thiết cho xã hội hiện nay và trong nhiều thập niên sau này, do có giá cho thuê, giá bán vừa túi tiền, phù hợp với nhiều đối tượng có thu nhập trung bình, thu nhập thấp, công nhân, lao động, sinh viên... Do đó, cũng cần có quy chuẩn áp dụng cho loại hình này, kể cả hộp ngủ.

“Ví dụ hộp ngủ cần có không gian từ 5m2 trở lên để một người có không gian ở phù hợp… Hiện đang thiếu quy định về tiêu chuẩn tối thiểu đối với phòng ở, nhất là tiêu chuẩn tối thiểu đối với phòng trọ cho thuê. Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Xây dựng xem xét và quyết định diện tích tối thiểu của phòng trọ. Cần xây dựng khuôn khổ pháp luật đồng bộ, thống nhất để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với loại hình này để phát triển an toàn, lành mạnh”, ông Lê Hoàng Châu đề xuất.

Liên quan đến vấn đề này, Báo Hànộimới đang liên hệ đến Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh để có thêm thông tin nhiều chiều. Báo Hànộimới sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vấn đề này.

https://hanoimoi.vn/tu-hop-ngu-ban-ve-cho-o-cho-nguoi-thu-nhap-thap-do-thi-646667.html

Ngày đăng: 08:21 | 02/11/2023

Hà Tuấn - An Tôn / cand.com.vn