Chuyên gia cho rằng trong nhiều vụ TNGT, người thực thi pháp luật tùy tiện, vô cảm, vin vào luật để “om” xe đi đúng, buộc tài xế phải đàm phán để có giấy bãi nại.

Mới đây, trong buổi giao lưu trực tuyến chuyên đề Giảm thiểu tai nạn giao thông cho trẻ em, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết TNGT (Cục CSGT, Bộ Công an) cho biết: “Sau khi kết thúc khám nghiệm phương tiện giao thông, xác định người điều khiển phương tiện không có lỗi và không vi phạm các quy định khác của pháp luật thì phương tiện giao thông phải được trả ngay cho chủ sở hữu hoặc người điều khiển phương tiện. Nghiêm cấm việc giữ phương tiện giao thông của các bên liên quan đến vụ TNGT để làm căn cứ giải quyết bồi thường thiệt hại”.

Như vậy, luật pháp đã quy định rất rõ về việc xử lý phương tiện sau tai nạn giao thông, tuy nhiên cơ quan thực thi pháp luật, người thực thi pháp luật áp dụng luật có đúng không lại đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi.

 “Om” phương tiện sau tai nạn

Về vấn đề này, ông Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) - thẳng thắn cho rằng: “Tôi khẳng định trong hệ thống cơ quan thực thi pháp luật đang có tình trạng “om”, giữ phương tiện sau tai nạn giao thông. Cứ vin vào luật rằng sẽ phải giữ phương tiện bao nhiêu ngày, nếu anh xe to không có động thái thoả thuận hay cơ chế cho bên xe bé, bên bị thiệt hại lớn thì xe anh vẫn cứ nằm trong bãi. Điều này không thể chấp nhận được!”.

Theo nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, việc tạm giữ phương tiện tại hiện trường TNGT sẽ thực hiện theo quy trình tại Điều 10 Thông tư 63/2020/TT-BCA, rằng không quá 7 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài và gia hạn đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, nhưng tối đa không quá 60 ngày. Pháp luật đưa ra quy định này để tạo điều kiện cho cơ quan thực thi pháp luật, cho các bên xác định rõ trách nhiệm, xác định rõ việc vi phạm, trách nhiệm nhiều hay ít giữa các bên để xử lý vấn đề.

“Nhưng nếu đặt vào thực tế, có những vụ tai nạn chỉ cần một buổi là có thể xác định xong trách nhiệm, lỗi của các bên. Chỉ cần ra hiện trường, xem xét biên bản sự việc là xác định được ngay.

Việc tạm giữ phương tiện chỉ khi chưa có đủ căn cứ, điều kiện xác định vi phạm. Buộc phải giữ, không thể khác được thì mới giữ, còn không phải trả xe cho người ta. Hoặc trong trường hợp xe vi phạm về mặt quá hạn đăng kiểm, không đảm bảo điều kiện vận hành, thiếu các yếu tố về mặt kỹ thuật… thì mới được xử lý phương tiện”, ông Sơn nói.

Tư duy ‘xe lớn bồi thường xe bé’: Cứ tai nạn là đè xe ra giữ, chờ giấy bãi nại - 1

 

Xảy ra tai nạn là trách nhiệm của người điều khiển phương tiện, không thể cứ tai nạn là đè ra giữ xe. Điều này thể hiện sự lạm dụng quyền hạn, biến tướng quy định pháp luật.

Ông Lê Hồng Sơn

Chia sẻ về vấn đề có hay không việc cơ quan thực thi pháp luật tạm giữ phương tiện cho đến khi có đơn bãi nại từ phía bên bị thiệt hại về người, ông Lê Hồng Sơn nói: “Thực trạng này là có, thể hiện người giữ trách nhiệm giải quyết sự việc còn hạn chế về trình độ, vô cảm, cứ dựa vào pháp luật để ép người dân, “om” xe của họ, buộc họ phải đàm phán để có giấy bãi nại.

Giấy bãi nại thì giờ có người đòi hàng trăm triệu đồng. Tài xế mất số tiền lớn mới có giấy bãi nại lấy xe ra, còn chưa kể vấn đề “phong bao phong bì” để giải quyết cho nhanh. Hiện tại, nhiều cơ quan thực thi pháp luật, người thực thi pháp luật giải quyết vụ việc còn tuỳ tiện, có khi còn sai”.

Ông Lê Hồng Sơn cho rằng trên thực tế, dư luận vẫn truyền tai nhau về việc người thực thi pháp luật nhảy vào giữa, như kiểu “chân gỗ” để thu lợi ích từ cả hai phía.

“Tôi không phủ nhận nhưng để xác định được điều đó thì phải có chứng lý. Trách nhiệm làm rõ và giải quyết vấn đề này thuộc về cơ quan quản lý lực lượng thực thi pháp luật. Phải có sự kiểm tra, giám sát, nếu nhận thấy tình trạng thiếu trách nhiệm, ép người dân vào thoả thuận không hợp lý, vi phạm pháp luật nhằm trục lợi thì phải có biện pháp xử lý. Đây cũng chính là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.

Vị chuyên gia nhấn mạnh muốn bảo đảm nguyên tắc nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật thì cơ quan thực thi pháp luật phải có trách nhiệm giải quyết nhanh, gọn, chính xác. “Thi hành pháp luật phải chuẩn về hiệu lực quy định, từ công tác rà soát, công tác xác định hiệu lực của văn bản cho đến người thực thi”, ông Sơn nói.

Câu chuyện đạo lý và pháp lý

Bàn luận về thực trạng “xe lớn phải bồi thường xe bé”, ông Lê Hồng Sơn nhận định, việc thoả thuận sau tai nạn là điều hay, nên khuyến khích nhưng phải dựa trên nền tảng pháp lý, quyền lợi của các bên đều được đảm bảo.

“Đa phần các vấn đề dân sự, không mang yếu tố hình sự thì cơ quan có thẩm quyền hay kể cả khi ra toà án vẫn khuyến khích các bên trao đổi, đàm phán, thoả thuận để tìm ra một phương án hợp tình, hợp lý. Điều này cũng được áp dụng trong các vụ TNGT bởi sự việc xảy ra không ai mong muốn cả.

Thoả thuận để có phương án xử lý hài hoà, đáp ứng lợi ích các bên trên cơ sở đồng thuận là cái tốt”, ông Sơn nói.

Ông Sơn cũng nêu ra thực trạng từ trước đến nay, xã hội mặc định rằng người đi xe xe máy thì có điều kiện eo hẹp, khó khăn hơn người đi ô tô.

“Nhiều trường hợp, ngay cả cơ quan thi hành pháp luật đứng ra dàn xếp, hoà giải cho hai bên vẫn theo tinh thần xe to, người có điều kiện phải hỗ trợ cho người khó khăn, bị thiệt hại nặng dù xe bé họ đi sai. Chúng ta cho rằng đó là đạo lý, sự nhân văn, nhưng điều này lại là một lỗ hổng trong áp dụng pháp luật, thực thi pháp luật. Quyền lợi của một trong các bên bị xâm phạm”, ông Sơn nói.

Nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) nhấn mạnh, đạo lý phải song hành cùng pháp lý, đạo lý đi trước để các bên có trao đổi, thoả thuận với nhau trên nền pháp lý. Cơ quan thực thi pháp luật khuyến khích việc thoả thuận giải quyết vụ việc nhưng phải dựa trên trách nhiệm của mỗi bên.

Tư duy ‘xe lớn bồi thường xe bé’: Cứ tai nạn là đè xe ra giữ, chờ giấy bãi nại - 2

Xe máy bất chấp nguy hiểm đi ngược chiều trên đoạn đường dành riêng cho ô tô.

“Để quyền lợi của các bên được đảm bảo, cơ quan hay người thực thi pháp luật có trách nhiệm phân tích hành vi vi phạm và yếu tố lỗi của từng bên nếu có, từ đó mới hướng dẫn, khuyến khích người ta thoả thuận với nhau. Nếu hai bên không thể tự thoả thuận thì phải đứng ra mà xử lý.

Ví dụ ở một vụ tai nạn liên quan đến xe máy đi ngược chiều trên cao tốc. Rõ ràng phải xác định ngay việc chạy xe máy lên đường cao tốc là hành vi sai trái, trách nhiệm trước hết phải thuộc về người điều khiển xe máy chứ không thể giải thích lý do lạc đường, không hiểu luật… Còn nếu người đi ô tô có hành vi chạy quá tốc độ thì anh cũng phải chịu trách nhiệm. Ở đây là trách nhiệm hỗn hợp cả hai bên. Bên vi phạm có lỗi đến đâu thì phải chịu trách nhiệm đến đó”, ông Sơn phân tích.

“Thực tế hiện nay trên các đường cao tốc vi phạm rất nhiều. Đa phần các trường hợp vác xe máy lên cao tốc chạy, có tai nạn lại cứ đè người ô tô ra mà bắt bồi thường. Không thể lấy câu chuyện đạo lý để ù xọe, giải quyết sự việc như thế được.

Tôi nói thẳng đó là cơ chế tiêu cực nếu mà nó trượt đi khỏi cơ chế đàm phán đồng thuận trên cơ sở các bên đưa ra những chứng cứ có lý, có tình. Anh sai hoàn toàn, anh lại đi lấy tiền của người ta, ép người ta đưa tiền để có giấy bãi nại, đó có thể xem là hành vi chiếm đoạt tài sản”, ông Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.

 

 

Trách nhiệm lớn nhất phải thuộc về cơ quan bảo vệ pháp luật

Ông Bùi Văn Xuyền - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cho rằng việc để các bên tự thoả thuận dân sự là điểm tựa, nhưng cũng là điểm yếu của quy định pháp luật.

“Theo nguyên tắc, người có lỗi thì phải bồi thường thiệt hại, chịu trách nhiệm về hành chính, nặng nữa là chịu trách nhiệm về hình sự. Nhưng từ trước đến nay, gần như đã trở thành tiền lệ, xe hiện đại phải bồi thường cho xe thô sơ, ô tô bồi thường cho xe máy, xe máy bồi thường cho xe đạp… Bên không có lỗi vẫn phải bồi thường.

Để pháp luật được thực hiện nghiêm minh, trách nhiệm lớn nhất phải thuộc về cơ quan thực thi pháp luật, xác định lỗi rõ ràng. Giải quyết sự việc trên nguyên tắc sai đến đâu, xử lý đến đó dù đó là xe to hay xe nhỏ. Tránh những bức xúc trong dư luận, triệt tiêu tiền lệ xấu của xã hội”, ông Xuyền nói.

https://vtc.vn/tu-duy-xe-lon-boi-thuong-xe-be-cu-tai-nan-la-de-xe-ra-giu-cho-giay-bai-nai-ar678926.html

Ngày đăng: 08:17 | 26/05/2022

ANH VĂN / VTC News