Từ COVID-19 nhìn lại 3 đợt dịch bệnh lớn là Ebola, SARS và H1N1 đã kết thúc thế nào.
Đã hơn 1 tháng kể từ khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu (PHEIC). Kể từ khi dịch bệnh bắt đầu, đến chiều 4/3 đã có hơn 93.000 người nhiễm trên toàn thế giới và gần 3.200 ca tử vong.
Trong khi các nhà chức trách tích cực làm việc để ngăn chặn sự lây lan của virus, thật khó để không tự hỏi điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Khi nào và làm thế nào dịch bệnh sẽ kết thúc? Cùng nhìn lại những gì đã xảy ra trong các đợt bùng phát dịch truyền nhiễm trước đây.
Ebola
Các nhà khoa học thường can thiệp trong thời gian dịch bệnh truyền nhiễm bằng vaccine và thuốc kháng virus. Điều này đúng với dịch Ebola.
Tháng 3/2014, virus Ebola bùng phát ở Tây Phi và tính đến ngày tháng 5/2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo hơn 28.000 trường hợp lây nhiễm và hơn 11.000 trường hợp tử vong. Dịch bệnh kết thúc sau một phản ứng quốc tế phối hợp, khi chủng virus bị “can thiệp” - CNN dẫn lời giáo sư tiến sĩ Peter Hotez, Hiệu trưởng Trường Y học Nhiệt đới Quốc gia tại Đại học Y Baylor, nói.
Khi một đợt bùng phát Ebola khác bắt đầu vào năm 2018, hai phương pháp điều trị được phát triển từ đợt bùng phát đầu tiên đã được cung cấp cho tất cả bệnh nhân tại Cộng hòa Dân chủ Congo.
"Cả hai lần can thiệp của con người đều tạo ra sự khác biệt", ông Hotez nói và cho biết điều tương tự cũng có thể đúng với COVID-19. Hiện tại không có vaccine và không có phương pháp điều trị kháng virus cụ thể được khuyến nghị cho virus SARS-CoV-2, nhưng nhiều loại đang được phát triển.
"Tôi khá lạc quan, chúng ta sẽ có một loại thuốc kháng virus và phương pháp tốt trong vài tuần tới" - ông Hotez nói.
Theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebrevesus, hơn 20 loại vaccine đang được phát triển, thử nghiệm lâm sàng đầu tiên về thuốc kháng virus đang được tiến hành.
Mặc dù nhóm của ông Hotez nằm trong số những người nghiên cứu vaccine, nhưng ông nói rằng ông không lạc quan là sẽ có vaccine trong đợt bùng phát COVID-19 tiếp theo.
Lý do là bởi đầu tiên, vaccine phải được đưa vào thử nghiệm lâm sàng, sau đó chúng phải được phê duyệt. Và với số lượng các lần kiểm tra thử nghiệm an toàn vaccine thì sợ rằng sẽ chưa có vaccine để ngăn chặn một đợt bùng phát nữa, nếu có.
SARS
Dịch SARS đã kết thúc vào tháng 7/2003 nhờ các biện pháp vệ sinh tốt - như rửa tay thường xuyên - và các yếu tố môi trường như nhiệt độ và độ ẩm cao trong những tháng mùa hè, ông John Nicholls, giáo sư tại Đại học Hong Kong nói.
SARS, một chủng virus Corona khác, đã lây nhiễm hơn 8.000 người vào năm 2003. Đến tháng 5 năm đó, nó đã bị “suy kiệt” - tiến sĩ Howard Markel, Giám đốc Trung tâm Lịch sử Y học tại Đại học Michigan cho biết.
Làm thế nào để một ổ dịch “suy kiệt“? Markel nói, đôi khi đó là vì thời tiết thay đổi và đôi khi đó là vì đã đủ người bị nhiễm và trở thành miễn dịch.
"Nếu tôi phải dự đoán, tôi sẽ nói rất có thể vào tháng 5 hoặc tháng 6 hoặc tháng 7, COVID-19 sẽ tự suy kiệt“, Markel nói. Nhưng, điều đó không có nghĩa là nó sẽ biến mất.
H1N1
Các đợt bùng phát dịch có thể thay đổi như các mùa vậy.
Chủng cúm H1N1 gây ra đại dịch năm 2009 và hiện tại nó đã trở thành một loại virus xảy ra theo mùa.
Virus theo mùa có thể xuất hiện quanh năm, nhưng ở bắc bán cầu có xu hướng lên đến đỉnh dịch vào những ngày lạnh, những tháng mùa đông và mùa thu khi trời ấm, ông Hotez nói. Theo ông, hiện chưa rõ lý do tại sao, nhưng độ ẩm và thời gian ở trong nhà có thể là những yếu tố khiến dịch xảy ra vào những thời điểm này.
Bài học kinh nghiệm
Điều có thể chắc chắn hơn là sự bùng phát COVID-19 làm sống lại những bài học rút ra từ những đợt bùng phát trước đó, ông Hotez nói.
Giải pháp phổ biến nhất là “quên nó đi“, ông Markel nói. Virus dần mất đi và công chúng quay trở lại cuộc sống thường ngày của họ, không nghĩ về sự bùng phát. Nhưng đó có thể là một vấn đề. Thay vào đó, mọi người nên thận trọng và chuẩn bị.
"Bài học rút ra là chúng ta đang sống trong một thời đại mới của bệnh truyền nhiễm và những con virus xấu xí sẽ ghé thăm thường xuyên. Bài học chúng ta chưa rút ra là chúng ta cần phải chuẩn bị cho việc này” - ông Markel kết luận.
Khánh Minh
Dịch Covid-19 ở Trung Quốc: Số bệnh nhân được chữa khỏi cao gấp 20 lần số ca nhiễm mới
Trong ngày 3/3, Trung Quốc đã có 2.652 người nhiễm SARS-CoV-2 được chữa khỏi, cao gấp 20 lần so với số ca nhiễm mới được ... |
Tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở Iran cao nhất thế giới, người dân hoang mang
Không có quốc gia nào ngoài Trung Quốc có số người chết vì dịch Covid-19 nhiều hơn Iran. |
Hàn Quốc chuẩn bị cho cú sốc kinh tế từ Covid-19
Dịch bệnh đang đe dọa đà phục hồi kinh tế mong manh của Hàn Quốc, thậm chí có thể khiến nước này tăng trưởng âm ... |
Ngày đăng: 07:51 | 05/03/2020
/ laodong.vn