Phật tử là người đã quy y Tam bảo, phát nguyện quay về nương tựa ba ngôi quý báu Phật Pháp Tăng, giữ gìn năm giới, sống đời sống đạo đức theo tinh thần Phật dạy. 
 

Nương tựa Phật bảo là có niềm tin thanh tịnh đối với Đức Phật, hết lòng tôn kính, thường tưởng niệm, chiêm ngưỡng, lễ bái, phát nguyện noi theo gương sáng, thực hành lời dạy của Ngài. Nương tựa Pháp bảo là học tập và y theo kinh điển, giáo lý mà thực hành đời sống minh triết, đạo đức. Nương tựa Tăng bảo là tu học, ứng dụng Phật pháp theo sự hướng dẫn, chỉ dạy của các bậc xuất gia chân chính. Vì thế, nếu quy y Tam bảo mà không nghiên cứu kinh điển, không biết bổn phận của người Phật tử tại gia, không nương theo các bậc xuất gia để tu học, tiếp thu những kiến thức, kinh nghiệm ứng dụng Phật pháp, thực hành đời sống đạo đức, tâm linh là chưa thật sự quy y Tam bảo một cách đầy đủ.

Sau khi quy y, nhiều Phật tử không giữ gìn năm giới, không tham dự các khóa tu, các buổi giảng kinh, thuyết pháp, không cầu học nơi các bậc Tăng Ni, từ đó không biết Phật pháp để ứng dụng, không được hướng dẫn, dìu dắt trong đời sống đạo đức, tâm linh nên không có được lợi lạc từ Phật pháp. Những người này tuy mang danh là Phật tử nhưng không nương tựa Tam bảo, không có chánh kiến, chánh tín, không sống đời sống đạo đức và làm những bổn phận của người Phật tử thì không phải là Phật tử thực thụ.

Người quy y Tam bảo, phát nguyện trọn đời nương tựa Phật Pháp Tăng, không nương tựa nơi quỷ thần; hiểu luật nhân quả, nghiệp báo nên không cầu bất cứ ai ban phước giáng họa, không tin tà giáo, ngoại đạo, không theo thầy tà, bạn ác. Vì không nương nơi thầy lành, bạn tốt, không học tập giáo pháp nên có rất nhiều người chỉ có đời sống tín ngưỡng chứ không có được đời sống đạo đức và tâm linh, thậm chí niềm tin sai lầm, lệch lạc, rơi vào tà kiến, mê tín dị đoan, đi ngược lại con đường chơn chánh mà Đức Phật đã chỉ dạy. Họ vẫn sát sinh, tà dâm (ngoại tình), mua gian bán lận, say sưa với rượu bia, đam mê cờ bạc, thường nói dối, nói lời điêu ngoa, nói lưỡi đôi chiều, nói thêu dệt, nói lời hung ác (phạm năm giới của người Phật tử tại gia); quanh năm chỉ biết cầu cúng, không có chánh kiến nên điên đảo thiện ác, quanh quẩn trong nẻo khổ đường mê. Những biểu hiện tiêu cực đó cho thấy nhận thức về Phật pháp của một bộ phận Phật tử còn thấp, đồng thời cũng cho thấy một số cơ sở tự viện thiếu sự quan tâm trong việc giáo dục Phật pháp, đào tạo Phật tử.

Một số chùa chỉ có các hoạt động tín ngưỡng, phục vụ cầu cúng, xem phong thủy, chiêm tinh toán số, đoán vận hạn kiết hung, cho bùa cho phép cầu tài cầu lộc, tiêu tai giải hạn… Ở đây Phật tử không được dạy kinh điển, giáo lý; những vị thầy thay vì hướng dẫn tâm linh, đạo đức trở thành thầy cúng, thầy bói, thầy bùa, thầy phong thủy, từ phẩm vị xuất thế cao quý rơi xuống thành những người tầm thường. Đây là thực trạng đau lòng!

Người Phật tử không học Phật pháp, không ứng dụng Phật pháp vào đời sống, không nương tựa các bậc xuất gia, thiện hữu tri thức thì dễ rơi vào tà kiến, ngoại đạo, làm quyến thuộc của ma. Điều này rất dễ thấy. Có nhiều Phật tử hễ nghe đồn chùa nào linh ứng thì rủ nhau đến cúng vái cầu làm ăn phát tài, tiêu tai giải nạn; chồng làm việc bất chính, vợ đi chùa cầu bình an hoặc bán lận mua gian, kinh doanh phi pháp rồi đi chùa cầu tai qua nạn khỏi. Những việc làm trái với nhân quả như thế thì Phật, Bồ-tát nào hiển linh hỗ trợ được? Có chăng là quỷ thần nương gá, núp bóng chùa chiền làm ra những chuyện dị thường mê hoặc người đời để được dâng cúng thức ăn, hương khói mà thôi.

Có người đã quy y Tam bảo rồi, nhưng nghe nói miếu nào linh, thần nào thiêng cũng đến quy y (nương tựa) cầu xin gia hộ; không tin nhân quả mà lại tin sự phù trợ của thần linh. Những Phật tử này không có chánh kiến, chánh tín, chỉ có niềm tin si mê, mù quáng vào sự mầu nhiệm, linh ứng, họ không biết làm gì hơn đem thân mạng mình gửi gắm cho thần linh.

Giáo lý đạo Phật có thể nói tựu trung trong Bát chánh đạo. Chánh kiến, chi phần đầu tiên của Bát chánh đạo là chi phần quan trọng không thể thiếu. Có chánh kiến (nhận thức, hiểu biết chơn chánh, đúng đắn) mới có chánh tư duy (suy nghĩ chơn chánh), chánh ngữ (lời nói chơn chánh), chánh nghiệp (hành vi chơn chánh), chánh mạng (nghề nghiệp chơn chánh), chánh tinh tấn (siêng năng vì mục đích chơn chánh, tinh chuyên thực hành tốt các chi phần còn lại của Bát chánh đạo), chánh niệm (sự nhớ nghĩ chơn chánh), chánh định (tâm chuyên chú, thiền định chơn chánh). Nếu không có chánh kiến tức là tà kiến (nhận thức, hiểu biết lệch lạc), như thế sẽ dẫn đến tà tư duy (suy nghĩ sai lầm, không chơn chánh), tà ngữ (lời nói không đúng đắn), tà nghiệp (hành vi không chơn chánh) v.v… Chánh kiến là cơ sở, là nền tảng của đời sống chơn chánh, đời sống đạo đức, tâm linh. Muốn có chánh kiến phải nghiên cứu kinh điển, học tập giáo pháp, thường gần gũi học hỏi các bậc minh sư, thiện hữu tri thức.

Kinh Tương ưng bộ V (chương XI, phẩm Phước đức sung mãn), Đức Phật dạy: Thế nào là một cư sĩ Phật tử có đầy đủ giới, có đầy đủ niềm tin, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ? Đó là người quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không say nghiện; có niềm tin nơi Tam bảo, tâm không xan tham bỏn sẻn, biết chia sẻ, bố thí, tấm lòng rộng mở; thành tựu trí tuệ đoạn trừ khổ đau nhờ học và thực hành giáo pháp.

Kinh Tăng chi bộ II (chương V, phẩm Nam cư sĩ), Đức Phật cũng dạy: Khi phạm năm điều này, người cư sĩ là kẻ bị vất bỏ ra khỏi giới cư sĩ, là kẻ cấu uế, hạ liệt. Năm điều đó là: 1. Không có niềm tin thanh tịnh, 2. Không có giới (không giữ gìn Năm giới căn bản của người Phật tử), 3. Đoán tương lai với những nghi lễ đặc biệt (tiên đoán kiết hung, họa phúc bằng cách cầu cơ, xin xăm, bói quẻ, toán số, lên đồng…, nói chung là những việc làm mê tín do tà kiến), 4. Tin tưởng điềm lành (không tin nhân quả, nghiệp báo) 5. Tìm kiếm ngoài Tăng chúng người xứng đáng tôn trọng (không có lòng kính tin Tăng bảo). Ngược lại, thành tựu năm điều sau đây sẽ là viên ngọc quý trong giới cư sĩ, là hoa sen hồng, là hoa sen trắng trong giới cư sĩ: 1. Có lòng tin thanh tịnh, 2. Có giới (những phẩm chất đạo đức của người Phật tử), 3. Không đoán tương lai với những nghi lễ đặc biệt (không tà kiến, mê tín), 4. Không tin tưởng điềm lành (tin nhân quả, nghiệp báo) 5. Không tìm kiếm ngoài Tăng chúng người xứng đáng tôn trọng (kính tin Tăng bảo).

Không phải cầm tờ giấy chứng nhận quy y trong tay thì đã là một Phật tử mà phải là người có đầy đủ tín và giới; một lòng kính tin và nương tựa Tam bảo để phát triển đời sống đạo đức và tâm linh. Những người đã làm lễ quy y, thường mặc chiếc áo lam hoặc áo nâu đến chùa lễ Phật, tham dự các ngày lễ của Phật giáo, được mọi người xem là một Phật tử nhưng trong tâm lại không nhớ quy y Tam bảo là gì, không nhớ bổn phận của người Phật tử, không có niềm tin chơn chánh, không có phẩm chất đạo đức, không có trí tuệ phân biệt thiện ác, chánh tà, không học tập và thực hành giáo pháp thì thực chất họ chưa đủ tư cách của người Phật tử. Những người như thế chẳng những không có được an lạc hạnh phúc - những lợi ích từ Phật pháp, mà còn khiến cho người khác mất lòng tin, không có thiện cảm với đạo Phật (do hình ảnh của người Phật tử bị làm xấu đi).

Người Phật tử có chí hướng cao rộng thường tinh tấn đến chùa, các cơ sở hoằng pháp để học Phật pháp, tham dự các khóa tu, biết ứng dụng Phật pháp vào đời sống, thường cầu sự tư vấn, chỉ dẫn của các bậc đạo sư, các bậc thiện hữu tri thức, thường văn tư tu, trau giồi giới định tuệ. Đó là những người có ý chí cầu tiến, muốn phát triển sở học, sở hành, sự nghiệp trí tuệ, muốn thăng hoa trên con đường đạo đức, tâm linh. Dù không phải là bậc quảng học đa văn, không có trình độ Phật học sâu rộng, nhưng giữ tròn Tam quy, Ngũ giới, tin sâu nhân quả, nghiệp báo, luân hồi, sống đời sống đạo đức, biết bố thí, cúng dường, phóng sinh, làm điều thiện có ích cho đời, hộ trì Tam bảo, được như thế mới là một Phật tử chân chính, thuần thành.

Ngày đăng: 08:00 | 13/08/2017

/ Theo Giác Ngộ Online