Một người bán sách ở miền Nam nước Ý đang tặng sách cho những học sinh đem chai nhựa và hộp nhôm đến để tái chế.
Trả lời phỏng vấn đài CNN, ông Michele Gentile, chủ nhà sách Ex Libris Cafe tại thị trấn Polla, nói ông vừa muốn khuyến khích trẻ em đọc sách vừa muốn làm điều gì đó có ích cho môi trường.
"Mục tiêu của tôi là lan rộng niềm đam mê và tình yêu sách với người dân Ý, những người không có thói quen đọc sách, đồng thời bảo vệ môi trường. Tôi hy vọng sáng kiến này sẽ trở nên nổi tiếng đến mức tạo được ảnh hưởng trên toàn quốc gia. Nó sẽ trở thành một cuộc cách mạng, không chỉ cho hành tinh này mà còn cho việc giáo dục và triển vọng công việc của trẻ em" - ông Gentile chia sẻ.
Những cuốn sách được quyên góp cho sáng kiến có tên là "Sách để phần", một khái niệm được ông Gentile nghĩ ra vài năm trước và nhờ đó trở nên nổi tiếng trên truyền thông Ý. Cái tên này bắt nguồn từ mô hình "Cà phê để phần" ra đời từ Thế chiến II tại TP Naples, với ý nghĩa là cà phê đã được trả tiền để làm quà cho vị khách tiếp theo bước vào quán. Tương tự như vậy, các vị khách của nhà sách Ex Libris có thể mua một cuốn sách và "để phần" cuốn còn lại cho bất kỳ ai đang cần nó.
Những học sinh của Trường Tiểu học San Rufo (Ý) đang đổi chai nhựa lấy sách. Ảnh: MICHELE GENTILE
Sáng kiến đổi nhựa/kim loại lấy sách nảy ra trong đầu ông Gentile khi ông đứng nhìn một bãi rác thải kim loại khổng lồ bị bỏ lại trên một cánh đồng.
"Nó có giá trị ít nhất 300-400 euro, đủ để trả tiền mua sách trong một năm cho một học sinh trung học cơ sở. Vì vậy, tôi đã nói chuyện với một trường học địa phương và họ tổ chức chương trình thu gom nhôm. Kết quả thật đáng kinh ngạc khi số lượng nhôm thu được trong 2 ngày bán được đến 500 euro" - ông Gentile nói.
Với số tiền thu được từ trung tâm tái chế, ông Gentile đã mua được số sách đủ dùng cho cả một lớp học. "Vì vậy, tôi nghĩ rằng: Hay là hãy tặng sách cho những đứa trẻ đem đến chai nhựa và lon nhôm" - ông Gentile nói thêm.
"Hãy tưởng tượng đến cảnh sáng kiến này trở thành một trò chơi nhỏ, khi mỗi trẻ em trên thế giới đều đổi một chai nhựa và một lon nhôm để lấy sách. Tôi biết rằng đây chỉ là một giấc mơ nhưng tại sao chúng ta không thực hiện nó?" - ông Gentile hào hứng cho biết.
Bảo Hạnh
Tại sao các hiệu sách của New York dần biến mất?
Năm 1950, Manhattan có 386 hiệu sách, năm 2015, con số đã giảm xuống còn 106. Hiện nay, số còn lại ít hơn 80 hiệu ... |
Rác thải nhựa là tài nguyên cần tái chế sử dụng
Theo đại diện Bộ Xây dựng, chất thải là nguồn tài nguyên, cần phương án thu gom, phân loại và tái chế sử dụng. Những ... |
Ngày đăng: 15:30 | 12/03/2019
/ https://nld.com.vn