Thí điểm mô hình tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là một trong những quy định có hiệu lực từ tháng 9/2022.

1/9/2022 là ngày một số quy định có hiệu lực thi hành.

Thí điểm đưa phạm nhân lao động, học nghề ngoài trại giam

Theo Nghị quyết số 54/2022/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 16/6 và có hiệu lực từ ngày 1/9, mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam thuộc Bộ Công an được thí điểm.

Từ 1/9, thí điểm cho phạm nhân lao động ngoài trại giam - 1

Phạm nhân lao động tại trại giam Ninh Khánh (Cục C10, Bộ Công an, ở Ninh Bình).

Việc thí điểm mô hình này phải đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình tổ chức; phục vụ hiệu quả công tác giáo dục cải tạo, tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân; tạo điều kiện giúp phạm nhân tìm kiếm việc làm sau khi chấp hành xong án phạt tù.

Phạm nhân lao động, học nghề ngoài trại giam trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng và được trả một phần công lao động và thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

Thu nhập từ kết quả lao động, học nghề của phạm nhân ngoài trại giam của đơn vị hợp tác với trại giam trong thời gian thí điểm được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ngành, nghề tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là ngành, nghề sản xuất hàng hóa tiêu thụ trong nước theo quy định của pháp luật.

 

Một số trường hợp phạm nhân không được tham gia lao động, học nghề ngoài trại giam bao gồm: Phạm nhân phạm một trong các tội về xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh; phạm nhân đã bị kết án từ 2 lần trở lên, phạm nhân tái phạm nguy hiểm...

Số lượng trại giam được áp dụng thí điểm theo Nghị quyết không quá một phần ba tổng số trại giam thuộc Bộ Công an. Danh sách trại giam được áp dụng thí điểm do Bộ Công an quyết định căn cứ vào nguyên tắc, tiêu chí do Chính phủ quy định.

Hạn cuối chi trả tiền hỗ trợ COVID-19

Theo Nghị quyết số 24/2022 về tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với người lao động chịu ảnh hưởng của COVID-19 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ được giao nhiệm vụ triển khai chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động với tổng số khoảng 1.155 tỷ đồng từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2021.

Từ 1/9, thí điểm cho phạm nhân lao động ngoài trại giam - 2

Chậm nhất đến ngày 10/9, người lao động sẽ được nhận tiền hỗ trợ COVID-19.

Số tiền này sẽ được chi trả cho những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9/2021 hoặc đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/9/2021, có thời gian đóng bảo hiểm được bảo lưu, đồng thời đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp đúng hạn trong năm 2021 mà chưa nhận hoặc chưa nhận đủ tiền trợ cấp từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Nghị quyết 24 nêu rõ, hạn cuối phải hoàn thành việc chi trả hỗ trợ cho người lao động là ngày 10/9/2022.

Xe limousine cải tạo sẽ không được chở khách

Kể từ ngày 1/9, dòng limousine sẽ không được cấp phù hiệu để kinh doanh vận tải hành khách.

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị định 47/2022/NĐ-CP. Văn bản này quy định không sử dụng ô tô cải tạo từ xe có sức chứa 10 chỗ trở lên thành ô tô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) để kinh doanh vận tải hành khách; không sử dụng ô tô kiểu dáng tương tự xe từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.

Từ 1/9, thí điểm cho phạm nhân lao động ngoài trại giam - 3

Nhiều mẫu xe 16 chỗ hiện nay được các đơn vị kinh doanh vận tải cải tạo lại thành xe dưới 10 chỗ để chở khách. 

Tuy nhiên, những ô tô  cải tạo từ xe có sức chứa 10 chỗ trở lên thành ô tô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) đã được cấp phù hiệu, biển hiệu trước ngày 1/9/2022 sẽ tiếp tục được sử dụng để kinh doanh vận tải hành khách đến hết niên hạn sử dụng.

Như vậy, những xe limousine được cải tạo từ ngày 1/9/2022 sẽ không được cấp phù hiệu để kinh doanh vận tải hành khách.

Nghị định 47/2022/NĐ-CP cũng bổ sung quy định, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có) khi nhận hàng hóa ký gửi ô tô (người gửi hàng không đi theo xe) phải yêu cầu cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về: Tên hàng hóa, cân nặng (nếu có), họ và tên, địa chỉ, số CMND/CCCD, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận.

Từ 1/9, khi gửi hàng trên xe khách, người gửi bắt buộc phải cung cấp ít nhất 5 thông tin trên cho nhà xe, lái xe hoặc nhân viên.

Làm từ thiện phải "mở sổ", ghi chép minh bạch

Thông tư số 41/2022 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện có hiệu lực từ 1/9 tới.

Từ 1/9, thí điểm cho phạm nhân lao động ngoài trại giam - 4

Các cá nhân có các hoạt động xã hội, từ thiện phải công khai tình hình tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp theo quy định của pháp luật.

Theo đó, tất cả tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện hoạt động xã hội, từ thiện phải mở sổ kế toán ghi chép đầy đủ các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập báo cáo và minh bạch thông tin.

Với cá nhân có hoạt động xã hội, từ thiện, phải mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện; đồng thời lập báo cáo và công khai tình hình tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp.

Ngoài ra, Thông tư 41/2022 nêu rõ tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện phải mở riêng tài khoản tại ngân hàng hoặc kho bạc để tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp, không được sử dụng chung tài khoản với các hoạt động khác của đơn vị.

https://vtc.vn/tu-1-9-thi-diem-cho-pham-nhan-lao-dong-ngoai-trai-giam-ar697951.html

Ngày đăng: 09:01 | 01/09/2022

Anh Văn / VTC News