Từ 1.10, Thông tư 09/2017 do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, quy định về tỉ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo chí chính thức có hiệu lực.

tu 110 muon dang hinh tre em phai duoc cha me dong y Trẻ nhỏ háo hức tự làm đồ chơi Trung thu ở Hoàng thành Thăng Long
tu 110 muon dang hinh tre em phai duoc cha me dong y Chủ tịch Quốc hội: Giải quyết ngay cho hơn 400 trẻ đến trường
tu 110 muon dang hinh tre em phai duoc cha me dong y
Từ 1.10, báo chí, truyền thông muốn đăng hình trẻ em, phải được cha mẹ các em đồng ý. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Trong đó có quy định, phải được sự đồng ý của cha mẹ trẻ, báo chí mới được đăng hình trẻ em. Đây là động thái quyết liệt nhằm bảo vệ và đảm bảo quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và vì những lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Báo chí phải ưu tiên nội dung dành cho trẻ em

Những câu chuyện về việc trẻ em bị bạo hành tinh thần, thể xác, xâm hại thân thể vẫn là vấn đề nhức nhối được cả xã hội quan tâm. Thời gian gần đây, với sự phát triển của Internet, trẻ em còn bị xâm phạm về hình ảnh, đời tư. Nhằm bảo vệ những lợi ích tốt nhất của trẻ em, Thông tư 09/2017 đã có nhiều nội dung đáng chú ý liên quan đến vấn đề này.

Theo đó, khi thông tin về những vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật mà trẻ em là nạn nhân hoặc là người liên quan, báo chí phải làm mờ hoặc che mặt trẻ em và bảo đảm thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em.

Khi sử dụng trẻ em, hình ảnh trẻ em làm nhân vật, hình ảnh minh họa trong các chương trình phản ánh về các vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật: Đối với trẻ em dưới 7 tuổi, phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người giám hộ theo quy định hiện hành. Đối với trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên, phải có sự đồng ý của trẻ em và của cha, mẹ, người giám hộ theo quy định hiện hành.

Thông tư 09 cũng nêu rõ tùy tôn chỉ mục đích, tùy loại hình báo chí mà báo chí phải có thời lượng phát sóng, đăng tin liên quan đến trẻ em theo quy định cho phù hợp.

Cụ thể, tỉ lệ phát sóng chương trình thông tin dành cho trẻ em, tuyên truyền về trẻ em phải đạt 2%-5% tổng thời lượng phát sóng của kênh chương trình trong một tuần.

Đối với báo in, báo điện tử, hằng tuần phải đăng tối thiểu 5% số lượng tin, bài có nội dung dành cho trẻ em, tuyên truyền về trẻ em phù hợp với tôn chỉ, mục đích.

Đáng chú ý, nội dung thông tin dành cho trẻ em, tuyên truyền về trẻ em phải ưu tiên đăng tải ở vị trí phù hợp, dễ nhận biết đối với trẻ em.

Thông tư quy định các nội dung được ưu tiên sản xuất, đăng, phát sóng, xuất bản dành cho trẻ em bao gồm: Việc thực hiện pháp luật, chính sách về quyền trẻ em; tìm hiểu, học tập, trao đổi kiến thức, vui chơi, giải trí dành cho trẻ em; giáo dục giới tính, sức khỏe, dinh dưỡng. Đặc biệt là các nội dung về phòng ngừa, phát hiện các yếu tố, hành vi gây tổn hại, xâm hại, bạo lực, bóc lột trẻ em và hướng dẫn trẻ em kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ và kỹ năng an toàn cho trẻ em…

Nội dung không phù hợp phải có cảnh báo!

Cũng theo quy định tại Thông tư 09/2017, các cơ quan báo chí, nhà xuất bản phải thực hiện việc cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em. Nội dung cảnh báo phải bảo đảm ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ nhận biết.

Đánh giá những nội dung của Thông tư 09, ông Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) - cho biết, sự ra đời của Thông tư 09 là hết sức cần thiết, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền riêng tư của trẻ em.

“Trên thế giới người ta đã có nhãn cảnh báo từ lâu rồi. Còn chúng ta bao năm nay vẫn lúng túng. Phim ảnh thì bạo lực, cảnh nóng, rồi các chương trình truyền hình có cả cảnh cô người mẫu đánh chửi nhau cũng được phát sóng tràn lan vào khung giờ vàng, không có cảnh báo nào cả. Những hình ảnh này vô tình nhồi nhét vào đầu con trẻ, sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ của chúng. Đã đến lúc truyền thông cần có cảnh báo những nội dung không phù hợp với trẻ em, để bố mẹ chúng còn biết mà định hướng cho con” - ông Nguyễn Trọng An chia sẻ.

Tuy nhiên hiện nay, việc cảnh báo như thế nào? Biểu tượng cảnh báo ra sao, kích cỡ màu sắc là gì vẫn còn nhiều tranh cãi, trong khi từ 1.10 tới, Thông tư 09 sẽ có hiệu lực.

“Tôi nghĩ các cơ quan báo chí, truyền thông phải ngồi lại với nhau, hay cơ quan quản lý nên quy định cụ thể hơn về biểu tượng cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em, để tất cả các báo cùng sử dụng cho thống nhất. Cũng sẽ dễ dàng hơn cho phụ huynh chúng tôi trong việc nhận diện cảnh báo, để định hướng thông tin tốt hơn cho con mình” - anh Nguyễn Văn Thắng (Thanh Trì, Hà Nội) góp ý.

Một số chuyên gia pháp luật cho rằng để thực hiện được việc này không đơn giản. Đồng thời nên quy định việc đăng tải hình ảnh trẻ em chỉ nên bị cấm khi chỉ trích, bôi nhọ, xúc phạm, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và nhân phẩm, gây ảnh hưởng xấu tới tương lai của trẻ.

Trao đổi với Lao Động, chiều 28.9, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô Ngô Vương Tuấn cho biết cơ quan đã được phổ biến về Thông tư 09. Ông Tuấn khẳng định việc bổ sung thêm thông tin có liên quan đến trẻ em có thể thực hiện được. Thực tế, Báo Tuổi trẻ Thủ đô chưa có thang đo nhưng với 5% như quy định thì hiện nay hoàn toàn có thể đảm bảo - ông Tuấn cho hay.

Mặc dù vậy, qua trao đổi, lãnh đạo một số đơn vị báo chí khác lại tỏ ra khá bất ngờ về thông tư này và cho rằng sẽ cần gấp rút kiểm tra lại để đảm bảo thực hiện tốt định hướng nội dung.

https://laodong.vn/xa-hoi/tu-110-muon-dang-hinh-tre-em-phai-duoc-cha-me-dong-y-567254.ldo

Ngày đăng: 11:39 | 29/09/2017

/ Đặng Chung, Đức Thành / Báo Lao động