Một số ước toán về chi phí kinh tế của việc tắc nghẽn giao thông tại TP. HCM cho thấy chi phí này có thể chiếm tới 1-2 GDP của TP. HCM 600 triệu - 1 tỷ USD.
Chia sẻ tại buổi lễ ký kết tài trợ "Dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ 2019" diễn ra chiều 19/8, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Fulbright cho biết tắc nghẽn giao thông và những hệ lụy của nó là một trong những thách thức lớn nhất đối với kinh tế TP.HCM hiện nay.
TP.HCM với 13 triệu dân, đóng góp 25% GDP toàn quốc, là đầu tàu kinh tế và thương mại quan trọng của đất nước, nếu “tốc độ chậm” sẽ ảnh hưởng không chỉ với TP.HCM mà còn ảnh hưởng đến kinh tế cả nước.
Trên thực tế, một số ước toán về chi phí kinh tế của việc tắc nghẽn giao thông của TP.HCM cho thấy có thể chiếm tới 1-2% GDP của TP.HCM.
GDP của TP.HCM hiện nay khoảng trên 60 tỷ USD. Như vậy, một năm TP. HCM mất từ 600 triệu USD - 1 tỷ USD vì tắc nghẽn giao thông. Ngoài ra, thiệt hại này chưa kể những tác động gián tiếp từ tắc nghẽn giao thông như khói bụi, ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của các hộ trên cung đường.
TS. Vũ Thành Tự Anh phát biểu chia sẻ. (Ảnh: Tùng Đỗ) |
Chia sẻ câu chuyện vui của bản thân minh chứng cho việc tốc độ di chuyển ở TP.HCM đang ngày càng giảm đi đáng kể, TS. Vũ Thành Tự Anh kể: “Cách đây 15 năm, khi tôi vào TP.HCM công tác, để đi từ nhà đến trường, tôi đọc hết một tờ báo Tuổi trẻ thì đến nơi. Sau khoảng 3-4 năm nữa, bên cạnh tờ Tuổi trẻ, đọc thêm tờ Thanh niên thì đến nơi. Cách đây khoảng 5 năm, phải đọc thêm pháp luật TP.HCM mới đến nơi”.
Với quãng đường 10km, TS. Vũ Thành Tự Anh cho biết, ông đi hết 1 tiếng 15 phút, chậm hơn người đi xe đạp.
Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, cha ông ta ngày xưa có câu "Lộ thông thì tài thông" tức là đường xá phải thông thoáng thì mới hỗ trợ phát triển kinh tế được. Giao thông không tăng thì tăng trưởng kinh tế cũng không thể tăng.
Xuất phát từ yêu cầu xây dựng một thành phố thông minh nhưng lại đang bị kẹt xe, TS. Vũ Thành Tự Anh cho biết, dự án của nhóm nghiên cứu Fulbright sử dụng dữ liệu lớn để tối ưu hóa và tăng tính kết nối, độ ổn định và giảm chi phí giao thông của TP.HCM, đặc biệt là giao thông công cộng.
TS Tự Anh cho rằng dự án này chứng minh xu hướng nghiên cứu tích hợp đa ngành.
"Điều tôi rất ngạc nhiên là từ thời điểm nộp hồ sơ, báo cáo đến ký kết tài trợ chỉ trong khoảng trên 3 tháng, một khoảng thời gian tôi chưa bao giờ chứng kiến", TS. Vũ Thành Tự Anh nói và cho biết nhóm nghiên cứu của ông tiếp cận UBND TP. HCM và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ ban lãnh đạo cũng như Sở GTVT.
"Đến thời điểm này, chúng tôi hy vọng tinh thần này sẽ được tiếp tục cả ở phần sau của dự án chứ không chỉ là giai đoạn ban đầu" - TS. Vũ Thành Tự Anh nói thêm.
TS. Vũ Thành Tự Anh
Tiến sĩ Kinh tế học tại Boston College, Hoa Kỳ
Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh là Giám đốc Trường Fulbright, chịu trách nhiệm điều hành các hoạt động chung và điều phối các hoạt động nghiên cứu và phân tích chính sách. Lĩnh vực nghiên cứu chính của TS. Tự Anh là kinh tế phát triển, tài chính công, ngoại thương, chính sách công nghiệp, và kinh tế học thể chế. Ông cũng giữ vai trò then chốt trong việc xây dựng và phát triển Chương trình Đào tạo Lãnh đạo cấp cao Việt Nam (VELP) hợp tác với Trường Havard Kennedy.
Bên cạnh các hoạt động ở Trường Fulbright, TS. Tự Anh còn là thành viên Nhóm chuyên gia kinh tế của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ông thường xuyên tham gia thảo luận các vấn đề chính sách kinh tế trên các phương tiện truyền thông ở Việt Nam.
Từ 2013 đến 2015, TS. Tự Anh đã được mời làm nghiên cứu tại những trường chính sách công hàng đầu thế giới như Blavatnik School of Government (Đại học Oxford) và Woodrow Wilson School (Đại học Princeton). Ông cũng là nhà nghiên cứu cao cấp tại Trường Kennedy, Đại học Harvard. TS. Vũ Thành Tự Anh nhận bằng Tiến sỹ Kinh tế tại Boston College, Hoa Kỳ.
Ngày đăng: 15:34 | 20/08/2019
/ vtc.vn