TP.HCM phải dự tính ra xem nếu được thực hiện các cơ chế đặc thù thì TP sẽ có được nguồn vốn tăng thêm là bao nhiêu.

Ngày 14/11, sau khi Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, hầu hết các ĐBQH đều ủng hộ phải có cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM như tờ trình Chính phủ đã nêu. Tuy nhiên, dự thảo Nghị quyết vẫn gây một số băn khoăn, đặc biệt là vấn đề liên quan đến quản lý tài chính-ngân sách nhà nước.

Theo dự thảo, ngân sách TP.HCM sẽ dồi dào hơn nhờ cơ chế tự chủ về tài chính thông qua việc thí điểm xây dựng và thực hiện chính sách thuế tài sản; thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất so với quy định của các sắc thuế hiện hành; thí điểm nội dung khác về phí, lệ phí chưa có trong danh mục Luật phí, lệ phí quy định; tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí so với mức thu trong danh mục Luật phí, lệ phí quy định.

Ngoài ra, TP.HCM có thể huy động vốn bằng cách vay nợ để phát triển, như phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay các tổ chức tài chính trong nước, ngoài nước, từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước về cho TP vay lại với mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp

TP.HCM được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản nhà nước gắn với tài sản trên đất; được hưởng số thu từ cổ phần hóa của các DNNN do UBND TP quản lý và phần thu được từ thoái vốn nhà nước tại các tổ chức kinh tế do UBND TP làm đại diện chủ sở hữu.

Dù nguồn vốn của TP.HCM tăng lên rất nhiều nhờ những cơ chế đặc thù nói trên, tuy nhiên, dự thảo vẫn chưa làm rõ được TP.HCM có thêm cụ thể bao nhiêu vốn nhờ áp dụng cơ chế đặc thù và TP.HCM sẽ sử dụng nguồn vốn đó vào việc gì.

Chia sẻ với ý kiến này, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển chỉ ra một số vấn đề cần xem xét khi TP.HCM được thí điểm thực hiện cơ chế đặc thù.

Việc áp dụng cơ chế đặc thù sẽ giúp TP.HCM có động lực mới, cơ hội mới để phát triển. Ảnh: KHPT

Thứ nhất, tỷ lệ điều tiết để lại cho ngân sách TP.HCM không thay đổi (18%), do đó vẫn bảo đảm được cân đối ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, tỷ lệ điều tiết này không nên tính vào số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách so với quy định hiện hành. Nếu điều tiết theo tỷ lệ cũ thì chưa chắc đã tốt cho TP.HCM. Phải rành rẽ Nhà nước cần bao nhiêu, có một mức ấn cố định để cân đối được ngân sách thì khi TP.HCM tăng thu thêm nhờ cơ chế đặc thù, nhiều ít ra sao cứ để TP sử dụng.

Thứ hai, với những gì TP.HCM đề xuất thêm và Chính phủ đồng ý, TP phải dự tính xem nếu được thực hiện những cơ chế đặc thù thì nguồn thu của TP sẽ tăng thêm được bao nhiêu, dù đó có thể là con số tương đối. Có như vậy mới thấy rõ được hiệu quả của cơ chế đặc thù.

Thứ ba, về nguyên tắc, trong trung hạn, Trung ương ấn định cần cân đối ngân sách cả nước như thế nào vì nguồn thu của TP.HCM rất quan trọng, chiếm hơn 30% tổng thu ngân sách cả nước, sau đó điều tiết lại cho địa phương.

"Để rành mạch, Nhà nước cần xác định rõ mình cần con số bao nhiêu, còn TP.HCM làm thêm được bao nhiêu thì TP hưởng. Có như vậy mới khuyến khích TP cố gắng đạt mức cao nhất.

Cái gì cho phép TP làm thì chỉ cần không vi phạm nguyên tắc, ảnh hưởng đến cân đối chung của cả nước hoặc ảnh hưởng đến quyền lợi, lợi ích của người dân, doanh nghiệp quá nhiều. Nói cách khác, phải tính toán hài hòa lợi ích giữa Nhà nước Trung ương với địa phương, người dân và doanh nghiệp", TS Lưu Bích Hồ lưu ý.

Cho rằng phải xem xét cẩn thận mọi thứ cho hài hòa nhưng nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cũng nhấn mạnh, hãy để TP.HCM đi trước một bước dài, không cần hạn chế TP nhiều bởi thực tế không bao giờ có chuyện phát triển cân đối, đồng đều được. Điều đó cũng giống như câu chuyện về khoảng cách giàu-nghèo, chỉ có thể hạn chế được một chừng mực nào đó, nếu cứ muốn giữ khoảng cách đó ngắn lại thì không bao giờ có người giàu quá lên được, mà như vậy thì không bao giờ có mũi nhọn để đột phá tăng trưởng.

"Cứ cho TP.HCM làm, đến lúc nào đó cảm thấy không ổn thì điều chỉnh lại. Còn cứ sợ nọ sợ kia thì chẳng dám làm gì. Cần phải bớt dè dặt nếu thấy điều đó là xác đáng. Cái gì cũng có rủi ro, có điều phải đề phòng trước rủi ro để nếu có xảy ra thì chúng ta điều chỉnh", vị chuyên gia nói.

Theo TS Lưu Bích Hồ, để việc thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù có thể tạo sức bật cho TP.HCM, điều quan trọng và mang tính chất then chốt nhất chính là cái đầu của những người lãnh đạo TP.

"Lãnh đạo TP và các ban, ngành phải có năng lực, bản lĩnh, tư duy đúng đắn, đi đôi với đó là phải trong sáng.

Trước đây, khi mới đổi mới, TP.HCM đã xé rào. Bây giờ, TP cũng phải có đầu óc sáng tạo, mạnh mẽ hơn, như Thủ tướng đã nhiều lần nhắc nhở TP cần phải năng động hơn nữa", TS Lưu Bích Hồ nhấn mạnh.

Bộ trưởng Tài chính: Thí điểm tăng thuế của TP HCM sẽ \'không quá mức\'

Những cơ chế thí điểm đặc thù mới cho TP HCM theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng sẽ tạo động lực phát triển cho thành ...

Chính phủ trình hàng loạt cơ chế đặc thù để phát triển TP HCM

Đại biểu Quốc hội TP HCM cho rằng phát triển một siêu đô thị hơn 10 triệu dân cần cơ chế mới để tạo lực ...

Nhiều cơ chế đặc thù cho TP.HCM sẽ được Quốc hội thảo luận

Dự kiến, sau khi trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, Nghị quyết này sẽ được thông qua vào ...

(http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/ts-luu-bich-ho-co-che-dac-thu-tphcm-phai-ranh-mach-3347193/)

Ngày đăng: 18:21 | 16/11/2017

/ Theo Thành Luân/Đất Việt