Nhận thua và hòa giải với đối thủ là truyền thống trong bầu cử tổng thống Mỹ, nhưng không phải lúc nào quá trình này cũng diễn ra êm đẹp.
Việc chuyển giao quyền lực trong hòa bình tại Mỹ bắt đầu từ năm 1800, khi John Adams, tổng thống thứ hai của đất nước, trở thành người đầu tiên thất bại trong nỗ lực tái đắc cử và lặng lẽ rời Washington vào sáng sớm, tránh tham dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm Thomas Jefferson.
Theo John Vile, trưởng khoa Khoa học Chính trị tại Đại học Middle Tennessee State, Mỹ, một số ứng viên tổng thống trong thời kỳ đầu của đất nước đã gửi thư chúc mừng đến đối thủ. Tuy nhiên, sự nhượng bộ chính thức không phải là truyền thống cho tới năm 1896, khi ứng viên Dân chủ William Jennings Bryan gửi cho đối thủ đảng Cộng hòa William McKinley một bức điện chúc mừng.
"Chúng tôi thuận theo người dân Mỹ và ý chí của họ chính là pháp luật", Bryan viết trong bức điện, sau khi nhận thấy thất bại là điều không thể tránh khỏi.
Cựu tổng thống Mỹ George W. Bush (trái) và ứng viên Dân chủ Al Gore trong cuộc tranh luận năm 2000. Ảnh: Reuters. |
Cựu tổng thống Mỹ George W. Bush (trái) và ứng viên Dân chủ Al Gore trong cuộc tranh luận năm 2000. Ảnh: Reuters.
Bức điện này là khởi đầu cho truyền thống hòa giải giữa các đối thủ sau mùa bầu cử căng thẳng. Bản thân Bryan tỏ ra ngạc nhiên, bởi ông coi đây đơn giản là hành động lịch sự nên làm. "Tôi không biết tại sao việc trao đổi thông điệp lại được coi là phi thường. Chúng tôi không đấu đá nhau. Chúng tôi đại diện cho các tư tưởng chính trị khác nhau mà mọi người sẽ lựa chọn", ông viết trong hồi ký.
Kể từ đó, các ứng viên thua cuộc thường thừa nhận thất bại trước đối thủ, ngay cả những tổng thống đương nhiệm, như hồi năm 1912. Tổng thống Cộng hòa William Howard Taft khi đó đã nhận thua trước ứng viên Dân chủ Woodrow Wilson vào 23h đêm bầu cử. Năm 1932, Herbert Hoover, tổng thống đương nhiệm thuộc đảng Cộng hòa khi đó, cũng gửi điện chúc mừng đối thủ Dân chủ Franklin Roosevelt một ngày sau thất bại.
Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, mặc dù các hãng truyền thông nhận định ứng viên Dân chủ Joe Biden đã hội đủ số phiếu đại cử tri để trở thành tổng thống đắc cử, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố có tình trạng gian lận phiếu bầu, không coi đây là một kết quả công bằng, từ chối nhận thua và cũng không cam kết chuyển giao quyền lực trong hòa bình.
Lịch sử Mỹ chưa ghi nhận ứng viên tổng thống nào từ chối nhận thua sau khi toàn bộ phiếu bầu đã được kiểm đếm và những thách thức pháp lý được giải quyết. Tuy nhiên, không phải ứng viên thua cuộc nào cũng cư xử lịch sự, hoặc nhận thua ngay lập tức.
Năm 1916, hai tuần sau khi kết quả bầu cử được công bố, ứng viên Cộng hòa Charles Evans Hughes mới chúc mừng tổng thống Dân chủ đương nhiệm Woodrow Wilson sau một cuộc đua sít sao đến mức mất hai ngày để kiểm phiếu.
Năm 1944, ứng viên Cộng hòa Thomas Dewey thừa nhận thất bại trước Roosevelt trên sóng phát thanh vào sáng sau ngày bầu cử, nhưng không gọi điện hay gửi bức điện nào cho đối thủ. Nhà sử học Scott Farris cho biết Roosevelt đã tức giận vì điều này đến mức gửi cho Dewey một bức điện với nội dung: "Tôi cảm ơn vì phát biểu của ông, điều mà tôi vừa nghe trên sóng phát thanh vài phút trước".
Barry Goldwater, một ứng viên Cộng hòa khác, cũng từng không ngay lập tức nhận thua trước tổng thống Dân chủ Lyndon Johnson, mà một ngày sau cuộc bầu cử năm 1964 mới lên tiếng. Trong khi đó, kết quả bầu cử đã rõ ràng từ đêm trước và hầu hết người dân dự đoán Goldwater sẽ nhanh chóng nhận thua.
Trong thông điệp gửi tới Johnson, Goldwater cam kết hỗ trợ nhằm đạt được mục tiêu "một nước Mỹ ngày càng phát triển và tốt đẹp hơn", nhưng đồng thời nhắc nhở đối thủ rằng đảng Cộng hòa vẫn sẽ là "đảng đối lập".
Những cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi nhất trong lịch sử Mỹ cũng kết thúc bằng việc thừa nhận thất bại. Năm 1860, ứng viên Dân chủ Stephen Douglas nhận thức được rằng cuộc đấu tranh chống chế độ nô lệ của tổng thống đắc cử Cộng hòa Abraham Lincoln sẽ "chọc giận" người dân miền nam, có nguy cơ dẫn đến một cuộc nổi dậy.
Thay vì khơi dậy sự giận dữ, Douglas tới thăm các bang miền nam để kêu gọi đoàn kết, nói với những người ủng hộ ông rằng "Lincoln là tổng thống tiếp theo", nhưng cuối cùng 11 bang đã ly khai trước lễ nhậm chức của Lincoln, tạo tiền đề cho cuộc Nội chiến.
Năm 1876, ứng viên Dân chủ Samuel Tilden tuy chiếm đa số phiếu phổ thông vẫn thất bại trước đối thủ Rutherford Hayes tại một trong những cuộc bầu cử Mỹ gây tranh cãi nhất mọi thời đại. Giữa những cáo buộc gian lận cử tri, một ủy ban lưỡng đảng giải quyết vấn đề bằng cách trao chiến thắng cho Hayes, để đổi lấy cam kết quân đội liên bang sẽ rút khỏi miền nam, giúp chấm dứt Thời kỳ Tái thiết kéo dài 12 năm hậu Nội chiến và đưa cựu Liên minh miền Nam tái gia nhập liên bang.
Trong bài phát biểu vào tháng 6/1877, Tilden cho rằng thất bại của ông là kết quả của sự lũng đoạn và gian lận, nhưng kêu gọi người ủng hộ nên lạc quan. "Nền Cộng hòa sẽ vẫn tồn tại. Các thể chế của cha ông chúng ta không khép lại trong tủi hổ. Chủ quyền của người dân sẽ được cứu rỗi khỏi hiểm họa này và tái thiết lập", ông nói.
Cuộc bầu cử gây tranh cãi gần đây nhất là hồi năm 2000 giữa ứng viên Dân chủ Al Gore và cựu tổng thống George W. Bush, kéo dài tới 36 ngày kiểm phiếu rồi kiểm lại phiếu, dẫn đến việc Tòa án Tối cao Mỹ lần đầu tiên can thiệp vào một cuộc bầu cử tổng thống và đưa ra phán quyết khép lại cánh cửa chiến thắng dành cho Gore. Ứng viên Dân chủ quyết định nhận thua, bởi không muốn đất nước tiếp tục lâm vào cảnh chia rẽ, đấu đá đảng phái.
Do việc nhận thua không phải một phần chính thức của quá trình bầu cử, những ứng viên từ chối thừa nhận thất bại như Trump sẽ không phải chịu hệ quả pháp lý nào. Bất chấp việc một ứng viên nhất quyết không nhượng bộ, cuộc bầu cử vẫn sẽ đến hồi kết theo đúng lịch trình, với điểm dừng cuối cùng là sự xác nhận kết quả chính thức từ quốc hội.
Năm nay, các bang phải giải quyết tất cả tranh chấp trước ngày 8/12 để đại cử tri đoàn có thể họp lại, tiến hành bỏ phiếu tại những địa điểm do nghị viện bang chỉ định vào ngày 14/12. Nếu ứng viên thua cuộc tiếp tục không đồng ý với kết quả do quốc hội xác nhận, Mỹ sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng hiến pháp "vô tiền khoáng hậu".
Chuyên gia Vile cho rằng nhận thua là hành động mà các ứng viên tổng thống nên làm, dù không bị ràng buộc về mặt pháp lý, bởi sự tôn trọng các chuẩn mực trong bầu cử đã giúp củng cố nền dân chủ của Mỹ, ngay cả trong những tình huống hỗn loạn và chia rẽ nhất.
"Nước Mỹ gắn kết thành một khối nhờ quan điểm rằng chúng ta thống nhất với nhau dựa trên một số nguyên tắc tuyệt vời nhất định, và những điểm tương đồng có tính ràng buộc cao hơn so với những khác biệt của chúng ta", Vile nêu ý kiến.
Ánh Ngọc (Theo National Geographic)
Ngày đăng: 14:25 | 13/11/2020
/ vnexpress.net