Mới đây, Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ TT&TT;) đã yêu cầu NXB Kim Đồng đình chỉ phát hành bộ truyện tranh “Thần thoại Hy Lạp” và báo cáo giải trình, do có nội dung phản cảm đối với lứa tuổi thiếu nhi. Đây không phải là lần đầu tiên NXB Kim Đồng vi phạm. Hơn nữa cũng chính bộ truyện tranh này đã từng bị nhắc nhở vào năm 2015 nhưng không được sửa chữa. Giờ đây, không ít truyện thiếu nhi có nội dung sex hoặc bạo lực không khỏi khiến các bậc phụ huynh hoang mang lo lắng.
truyện thiếu nhi
Bìa của một trong những cuốn truyện tranh thiếu nhi “Thần thoại Hy Lạp”.
“Thần thoại Hy Lạp” là bộ truyện tranh gồm 20 tập, do Thomas Bulfinch (Mỹ) biên soạn, họa sĩ Seo Young minh họa và Nhà xuất bản Gana (Hàn Quốc) ấn hành. Sách được mua bản quyền, phát hành ở Việt Nam và đã tái bản tới 9 lần. Nhiều bậc phụ huynh không khỏi “phát sốt, phát rét” khi bộ truyện có nhiều hình vẽ, ngôn ngữ không phù hợp với trẻ nhỏ. Mặc dù là truyện tranh dành cho thiếu nhi nhưng bộ truyện “Thần thoại Hy Lạp” lại có hình ảnh nhân vật nữ trần trụi không mảnh vải che thân, đồng thời còn sử dụng nhiều cụm từ như “tình một đêm”, “ân ái một đêm”... hết sức phản cảm, độc hại.
Với thuần phong mỹ tục bao đời nay của dân tộc thì những nội dung “nóng” nêu trên cũng không hề phù hợp với cả người lớn, chứ đừng nói đến việc nó lại là truyện in cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Trong lần tái bản vào năm 2015, bộ truyện tranh “Thần thoại Hy Lạp” do chính NXB Kim Đồng phát hành cũng đã có “hạt sạn to đùng” này và đã bị đình chỉ cấm lưu hành. Lúc đó, đại diện NXB Kim Đồng cũng đã hứa với cơ quan chức năng và độc giả rằng sẽ thay đổi, chỉnh sửa để phù hợp với bạn đọc Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến lần tái bản này thì những lỗi trên không hề được “rút kinh nghiệm”.
Lo ở chỗ, không phải chỉ có NXB Kim Đồng vấp phải những lỗi kiểu như vậy, chỉ cần dạo quanh thị trường sách, truyện thiếu nhi sẽ không khó tìm được cơ man những nội dung phản cảm. Từ những nội dung cổ vũ bạo lực, dạy con trẻ nói dối, cho đến những hình ảnh nhạy cảm, cách miêu tả chi tiết những cuộc ân ái... không hề hiếm trong các cuốn sách, truyện dành cho đối tượng thiếu nhi. Nhiều bậc phụ huynh đã phải thốt lên rằng, với những nội dung phản cảm của sách, truyện thiếu nhi như vậy, làm sao có thể giáo dục cho trẻ một nhân cách tốt, làm sao trẻ có thể không bị tiêm nhiễm thói hư, tật xấu?.
Trên thực tế, nhân cách của trẻ được hình thành tốt hay xấu không chỉ phụ thuộc vào sự giáo dục của gia đình, nhà trường, mà còn phụ thuộc khá nhiều vào những kiến thức, thông tin các em thu lượm được trong quá trình đọc sách, xem truyện... Nhiều cuốn sách, truyện tranh với các thông tin cụt lủn, thiếu hệ thống, những hình ảnh phản cảm hay nội dung bạo lực khiến trẻ em hiểu sai, hình thành những thói quen rất xấu, hình thành một nhân cách lệch lạc sau này. Khi mà những đứa trẻ hình thành nhân cách lệch lạc sẽ là “thảm họa” cho xã hội, sẽ khiến gia tăng các loại tội phạm, nhất là tội phạm vị thành niên.
Tất nhiên là như vậy rồi, bởi với những hình ảnh và nội dung đến người lớn xem còn “ngượng chín mặt” thì làm sao có thể phù hợp với những đứa trẻ còn đang cắp sách tới trường? Với những nội dung cổ vũ bạo lực thì đến người lớn còn bị ảnh hưởng, nói gì đến trẻ em. Điều đáng nói là trên thực tế có những cuốn sách, truyện “đội lốt” thiếu nhi mà nội dung “dành cho người lớn” ngày càng nhiều đến mức báo động, nó không chỉ có ở những NXB nhỏ, mà còn được chính những NXB “có thương hiệu” phát hành. Sách dù cho NXB liên kết thì cũng cần kiểm tra kỹ về nội dung, chứ không thể phó thác cho đối tác, gây hậu quả nghiêm trọng tới thế hệ mầm non tương lai của đất nước.
Có thể dễ dàng chỉ ra nhiều cuốn sách, truyện thiếu nhi có những nội dung kích động bạo lực, sexy, hay “xui dại” trẻ con. Chẳng hạn, trong sách “Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1” người biên soạn dạy trẻ đi trên mảnh thủy tinh để thể hiện sự dũng cảm; hoặc trong một cuốn sách khác lại dạy trẻ con phải phạm tội để được Thượng đế tha tội... Các bậc phụ huynh làm sao có thể không hoảng hồn khi mà khi đọc được những dòng chữ tả chú thỏ trắng bóp “của quý” của hổ để thoát thân, hay câu chửi thề “mẹ mày con thỏ”... trong cuốn “Truyện cổ tích Việt Nam”? Nội dung như vậy không chỉ là bậy bạ, mà còn xui trẻ con hành động hết sức dại dột.
Còn nữa, ai có thể chấp nhận được nội dung cho trẻ nhỏ kiểu: “Thạch Sanh giơ búa nhè giữa đầu Trăn bổ xuống thật mạnh, nó bị vỡ đầu, phọt óc chết tươi...” trong cuốn “Truyện cổ tích Việt Nam quyển I” do NXB Kim Đồng ấn hành năm 2015? Hay bậc phụ huynh nào dám để con cháu mình đọc nội dung miêu tả hết sức rùng rợn về việc bà mẹ Sọ Dừa đã uống nước trong một chiếc sọ người trắng hếu. Xa hơn là vào năm 2014, người ta không khỏi bàng hoàng khi đọc được trong cuốn “Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú” có hẳn một đoạn dài miêu tả hết sức gợi dục, đó là cảnh nhân vật nữ nằm tận hưởng khoái cảm cọ xát vào ngực của một con chim...
Còn nhiều nữa những nội dung, hình ảnh phản cảm trong vô số các cuốn sách, truyện thiếu nhi mà không thể liệt kê hết được. Phải chăng do sự thiếu kiểm soát của cả các tác giả biên soạn, NXB cũng như cơ quan quản lý nhà nước nên vấn nạn cổ súy bạo lực, sex, dạy trẻ nhỏ làm những điều dại dột... ngày càng trở nên phổ biến đến mức đáng sợ như vậy? Với thực trạng như vậy thử hỏi những mầm non tương lai của đất nước sẽ ra sao? Đã đến lúc cần chấm dứt vấn nạn nêu trên, nếu không muốn làm hỏng những chủ nhân tương lai của đất nước.
Sách thiếu nhi kể chuyện "người lớn" Liệu trẻ học được gì từ những hành động bạo lực và cách ăn mặc hở hang của các nhân vật trong cuốn truyện tranh ... |
Chọn truyện tranh cho con thế nào để tránh nội dung bạo lực, phản cảm? Theo TS Vũ Thu Hương, sách có nội dung người lớn cần có khuyến cáo ghi rõ dành cho lứa tuổi nào để không ảnh ... |
Ngày đăng: 09:00 | 27/01/2018
/ Đại đoàn kết