Trong cơn bão hoà của thị trường giải trí, nhiều talkshow, gameshow… phải loay hoay để tìm kế sinh tồn. Và một trong những chiêu thức mà nhiều nhà sản xuất phải “bấu víu” tới đó là các “hiện tượng mạng”.
Gây tranh cãi vì dàn xếp lộ liễu?
Ngày càng có nhiều gameshow mời các nhân vật nổi tiếng trên cộng đồng mạng tham gia hòng câu kéo người xem và cạnh tranh với “đối thủ”. Tuy nhiên, vì quá lạm dụng chiêu thức này mà nhiều gameshow đã phải hứng “gạch đá”.
Mới đây, gameshow “Thách thức danh hài” đã gây tranh cãi khi người chơi là bà Tân Vlog cùng con trai giành chiến thắng tuyệt đối với số tiền 100 triệu đồng. Nhiều người cho rằng, dù các tiết mục của bà Tân tại chương trình chỉ xuất hiện rất ngắn nhưng nhiều người vẫn nhận ra phần “chọc” cười của bà không có gì đặc sắc. Và việc bà ẵm 100 triệu đồng, đồng nghĩa với việc chiến thắng tuyệt đối trong một gameshow mang tính thử thách tài năng gây cười đối với Trường Giang, Trấn Thành là một sự sắp xếp lộ liễu.
“Nghe chúc mừng hai mẹ con chắc bà Tân Vlog là biết chắc chắn thắng rồi, coi làm gì nữa”, “Chương trình này nên ngừng phát sóng tốt hơn”, “Qua câu chuyện trên chúng ta thấy rõ không phải là cuộc thi mà chỉ pr cho nhau trong sự sắp đặt”, “Đưa bà Tân Vlog lên câu view, tăng rating à?”... nhiều kiến tranh cãi.
Thời gian qua, độ “hot” của bà Tân Vlog không chỉ gây lan truyền sâu rộng trên mạng xã hội mà còn được nhiều nhà sản xuất chương trình truyền hình thực tế khai thác triệt để. Chỉ trong một thời gian ngắn, người phụ nữ này liên tiếp xuất hiện trong hàng loạt chương trình truyền hình lớn bé, từ talk show cho đến gameshow. Điều đó cho thấy bà Tân đang là một “quả trứng vàng” cho nhiều đơn vị sản xuất khai thác.
Đây không phải là lần đầu tiên chương trình này gây tranh cãi với chiêu thức này. Việc anh chàng nông dân hát dở tệ có tên Lệ Rơi xuất hiện trong tập 4 “Thách thức danh hài” 2015 cũng làm rộ nhiều ý kiến trái chiều. Đặc biệt, giám khảo Trấn Thành cũng bị cư dân mạng “ném đá” vì quá dễ cười với phần thi của thí sinh này.
Lệ Rơi chỉ đứng làm vài động tác búng ngón tay và hát sai nhịp, sai tone một bài hát quen thuộc là giám khảo Trấn Thành đã có thể lăn ra cười ngặt nghẽo. Và sau 3 vòng thi với chỉ cùng một mẹo trên, Lệ Rơi đã dễ dàng cầm trên tay 20 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó, trước áp lực của dư luận, Lệ Rơi đã phải đăng tải clip xin nhà sản xuất chương trình không phát sóng tập có mình góp mặt.
Tương tự, các nhân vật “bà Tưng” Phạm Huyền Anh, cu Thóc, Tùng Sơn, Hoa Vinh... cũng từng gây ồn ào không kém khi xuất hiện trong gameshow. Điều đáng nói là nhiều khán giả đã tinh ý nhận ra việc dàn xếp của chương trình để cho các “hiện tượng mạng” này đoạt giải. Và vì thế mà cuộc chơi cũng trở nên “kém vui” khi dấu hiệu lợi dụng độ “hot” của các tên tuổi này để câu khách cứ lộ dần.
“Chơi dao hai lưỡi có ngày đứt tay”
Đạo diễn Dũng Nghệ cho rằng, việc các nhà sản xuất gameshow dùng nhiều chiêu thức và cả chiêu trò để câu kéo khán giả là việc rất đỗi bình thường. Khán giả cũng nên thông cảm cho họ bởi bỏ một số tiền lớn làm chương trình mà không có lãi, thậm chí lỗ nặng… thì sẽ không đủ lực để làm tiếp.
Tuy nhiên, điều đáng nói là cái gì cũng có giới hạn. Nếu chỉ dừng ở mức độ sử dụng độ “hot” của các “hiện tượng mạng” để câu kéo khán giả trong một chương trình “vô thưởng vô phạt” thì được. Còn đối với chương trình mang tính thi thố và thử thách có thưởng thì nên thận trọng. Bởi như thế rất dễ tạo nên phản ứng ngược chiều vì thiếu công bằng đối với các thí sinh khác.
“Trình độ dân trí của người xem ngày một cao nên họ rất tinh tế khi phát hiện ra chuyện dàn sếp, sắp đặt… Nếu cứ lạm dụng việc này sẽ dễ khiến người xem tẩy chay chương trình. Chưa kể, chỉ một tập thôi cũng đã nổ ra bao ý kiến phản đối”, đạo diễn Dũng Nghệ nhấn mạnh.
Đạo diễn Hoàng Nhật Nam cũng cho rằng, sản xuất gameshow ở thời điểm này là một “cuộc chơi mạo hiểm”. Trong khi mọi thứ đã trở nên bão hoà thì nhà sản xuất buộc phải “cân não” để tìm ra những phương thức thể hiện mới.
Dùng các “hiện tượng mạng” để thu hút sự chú ý của khán giả đối với gameshow không có gì là xấu và cũng không phải là chiêu thức mới. Chỉ có điều, nên có sự phân tách rõ ràng giữa “lợi dụng” và “lạm dụng”. Lợi dụng họ cho mục đích tốt đẹp thì sẽ không có gì quá đáng, nhưng lạm dụng họ cho những mục đích chưa đẹp thì nên cẩn thận bởi “chơi dao hai lưỡi có ngày đứt tay”.
Theo đạo diễn Hoàng Nhật Nam, “hiện tượng mạng” ngày nay rất dễ nổi và cũng rất dễ chìm. Nhà sản xuất “cứng nghề” là người biết lựa chọn những ai phù hợp để đưa vào chương trình của mình. Không phải bạ ai cũng cố “nhét” vào để rồi phải hứng lấy “gạch đá” từ công chúng.
“Công chúng là những người góp phần quan trọng trong việc quyết định chương trình tồn tại hay không tồn tại. Vì thế, nhà sản xuất muốn tạo ra lợi nhuận cũng phải đặt sự tôn trọng người xem lên hàng đầu. Bất kỳ chiêu thức nào cũng sẽ được chấp nhận nếu đặt đúng chỗ và hợp lý. Tuy nhiên, các “hiện tượng mạng” mà đặt nhầm chỗ trong chương trình là rất nguy hiểm, nhất là với những nhân vật có quá nhiều tai tiếng”, đạo diễn Hoàng Nhật Nam chia sẻ
20 bước chân sang đất Triều Tiên của ông Trump: Lịch sử hay "chương trình truyền hình thực tế"? |
Nhạt như truyền hình thực tế |
Kim siêu vòng 3 mặc bikini cưỡi voi như nữ thổ dân ở Bản Đôn |
Ngày đăng: 21:00 | 12/10/2019
/ vietnamnet.vn