6 người ngộ độc botulinum sau ăn bún riêu chay, thì người mua nguyên liệu một nguy kịch, một tử vong, nên chưa xác định nguồn nhiễm khuẩn.
Ông Trần Minh Hoàng, Phó Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Bình Dương, ngày 26/3 báo cáo kết quả điều tra bước đầu đến Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, về chùm ca nghi ngờ ngộ độc thực phẩm tại địa phương, khiến một người tử vong, 5 người nguy kịch.
Ngày 20/3, bà Hà, 53 tuổi, ngụ phường Phú Thọ, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, và người em gái 42 tuổi, đến Miếu Chiêu Liêu gần nhà, nấu bún riêu để ăn trưa. Bữa trưa có 25-30 người ăn là Phật tử đang sinh hoạt tại Miếu Chiêu Liêu, do bố của hai chị em chủ trì.
Sau bữa ăn về nhà, bà Hà biểu hiện chóng mặt, mờ mắt, cứng lưỡi, khó nuốt. Sáng hôm sau, gia đình đưa vào bệnh viện địa phương và đến 13h được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115 ở TP HCM.
Người em gái sau bữa ăn có triệu chứng tương tự, được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy, tử vong sau khi gia đình xin về do bệnh nặng. Giấy ra viện ghi chẩn đoán viêm não, viêm tủy, viêm thân não. Bệnh nhân 16 tuổi, con gái người này, được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 điều trị nghi nhiễm độc Botulinum toxin.
Bệnh viện Nhân dân 115 ngày 25/3 tiếp nhận thêm ba bệnh nhân nữ nghi ngộ độc, nâng số người liên quan chùm ca này lên 6.
Chiều 25/3, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bình Dương đến nơi nghi xảy ra ngộ độc, điều tra danh sách những người đã ăn trưa. Người đại diện Miếu Chiêu Liêu cho biết hai chị em bà Hà là người trực tiếp mua nguyên liệu và chế biến các món ăn gồm bún riêu chay, cơm, khổ qua kho, đậu hủ kho, cà chua, chè thập cẩm, trà tắc.
"Bà Hà đang nguy kịch, em gái đã tử vong nên không xác định được chính xác các nguyên liệu đã mua và nơi mua", đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bình Dương thông tin. Cơ quan chức năng yêu cầu người đại diện Miếu Chiêu Liêu thông tin đến toàn Phật tử đang sinh hoạt đây, nếu có biểu hiện bất thường về sức khỏe phải đến ngay cơ sở y tế để khám, theo dõi điều trị.
Sáng 26/3, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp cùng các chi cục thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, các phòng y tế, tiếp tục điều tra, lấy mẫu chả chay, loại bao gói kín và pate chay trên thị trường, các cơ sở sản xuất tại tỉnh, gửi xét nghiệm tìm vi khuẩn và độc tố của Clostridium botulinum.
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không sử dụng các sản phẩm chả chay, pate hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn mác, hình dáng không còn nguyên vẹn.
Tối 25/3, bác sĩ của Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội mang hai lọ thuốc giải độc botulinum vào TP HCM, truyền cho bà Hà và bệnh nhi ở Nhi đồng 2. Sức khỏe cả hai cải thiện rõ rệt, sau khi được truyền huyết thanh kháng độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum là Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT).
Theo đại diện Sở Y tế TP HCM, biểu hiện lâm sàng sau truyền huyết thanh kháng độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum là bằng chứng cho thấy những trường hợp này đã ngộ độc thức ăn pate có độc tố botulinum.
Botulinum là loại độc tố thần kinh cực mạnh, sinh ra bởi vi khuẩn yếm khí - loại vi khuẩn ưa môi trường kín như thức ăn đóng hộp hoặc môi trường thực phẩm không đủ tiêu chuẩn kềm chế vi khuẩn phát triển, sinh độc tố.
Sở Y tế TP HCM yêu cầu người dân tạm ngưng sử dụng tất cả sản phẩm liên quan đến pate chay trong khi chờ xác định chính xác thông tin về bữa ăn và thực phẩm nói trên. Sở khuyến cáo những ai đã cùng ăn pate chay với các bệnh nhân trên, cần đến bệnh viện gần nhất để được theo dõi và điều trị.
Khi dùng thức ăn chứa độc tố botulinum, người bệnh xuất hiện các triệu chứng ngộ độc sau 12-36 giờ, thậm chí lâu hơn. Triệu chứng thường gặp là đau bụng, đau cơ, mệt mỏi, nhìn mờ hay nhìn đôi, khô miệng, nói khó, nuốt khó, sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân. Cuối cùng, bệnh nhân khó thở, không thở được do liệt các cơ hô hấp. Các triệu chứng này xuất hiện chậm hay nhanh tùy thuộc vào lượng botulinum ăn phải.
Bệnh nhân ngộ độc botulinum nặng thường phải thở máy trung bình hai tháng hoặc hơn, mất nhiều tháng để phục hồi và có thể gặp nhiều biến chứng. Nếu không điều trị kịp thời có thể tử vong, liệt không hồi phục.
Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, cuối tháng 8/2020 cảnh báo về pate Minh Chay vì gây ngộ độc cho nhiều người. Hàng chục bệnh nhân ngộ độc bolutinum do ăn pate này ở nhiều địa phương trên khắp cả nước. Nhà chức trách xác định hàng nghìn người đã mua sản phẩm này và thu hồi được gần 300 lọ.
Hơn 30 năm Việt Nam không ghi nhận ca ngộ độc botulinum nào, do đó không dự trữ huyết thanh cũng như thuốc giải độc. Khi ấy, các bệnh viện đề nghị Bộ Y tế nhập thuốc từ nước ngoài về điều trị.Tháng 9/2020, WHO tài trợ khẩn cấp 10 liều thuốc kháng độc botulinum đưa từ Thụy Sĩ về Việt Nam để cứu người bị ngộ độc botulinum do ăn pate Minh Chay.
Lê Phương
TP.HCM: 2 người nguy kịch, 1 chết nghi do ăn pate chay |
5 bà cháu ngộ độc trứng cá sấu hỏa tiễn |
Hơn 300 người ở Bình Định bị ngộ độc là do nguồn nước |
Ngày đăng: 10:30 | 27/03/2021
/ vnexpress.net