Bỏ trốn sang nước ngoài để trốn tránh trách nhiệm trước pháp luật... là phản ứng tâm lý của người phạm tội trước nguy cơ bị trừng phạt, bao gồm cả đối tượng phạm pháp từng có chức vụ, quyền hạn.
Trốn ra nước ngoài - thủ đoạn của các đối tượng tham nhũng
Trung tá Đào Trung Hiếu (Thạc sĩ, chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) đưa ra nhận định trên dưới góc nhìn của một chuyên gia.
Theo ông Hiếu, với năng lực tài chính, tài sản có được từ tham ô, tham nhũng, họ có tâm thế bỏ trốn và điều kiện để trốn xa. Phương án được lựa chọn đó là nước ngoài, đến những nước họ có quốc tịch hoặc quốc gia chưa ký các hiệp định về dẫn độ với Việt Nam, để vô hiệu hoá hoạt động tầm nã tội phạm về quy án của lực lượng chấp pháp Việt Nam.
Để chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất khi hành vi phạm tội bị bại lộ, điều tra, họ thường có sự chuẩn bị trước, như: chuyển tài sản, tiền ra nước ngoài; mua nhà đất; sơ tán thân nhân gia đình ra nước ngoài trước, nhập quốc tịch với các quốc gia có chế độ công dân, nhiều quốc tịch...
Ông Hiếu cho rằng, ở các quốc gia khác, quan chức tham nhũng bỏ trốn khá phổ biến trong bối cảnh toàn cầu hoá và việc giao thương, di chuyển thuận tiện như hiện nay.
Ông Nguyễn Minh Long (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng: pháp luật hình sự không có quy định về việc cấm xuất nhập cảnh với những người đang bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố. Do đó những đối tượng dễ dàng thoát thân dù đã bị cách chức vụ nhưng chưa bị khởi tố.
Theo quy định pháp luật, chỉ người bị buộc tội mới có thể bị áp dụng biện pháp ngăn chặn. Người bị buộc tội gồm: người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo (điểm đ, khoản 1, Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định).
Biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc bỏ trốn
Trung tá Hiếu cho biết, để ngăn chặn tình trạng quan chức phạm tội bỏ trốn, cơ quan chức năng cần tổ chức giám sát chặt chẽ các đối tượng trong diện điều tra; áp dụng các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ trong công tác quản lý xuất nhập cảnh.
Cấm xuất cảnh, khi đã khởi tố bị can thì cần áp dụng biện pháp ngăn chặn, bắt tạm giam để loại trừ khả năng đối tượng bỏ trốn.
Hoạt động điều tra cần đảm bảo bí mật, tránh rò rỉ thông tin, có cơ chế kiểm soát thông tin vụ án đảm bảo tuyệt mật, an toàn, phòng tránh việc lộ lọt thông tin, triển khai các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để giám sát di biến động của đối tượng, kịp thời phát hiện các âm mưu bỏ trốn của đối tượng.
Trong khi đó, luật sư Long cho rằng, có thể quy định thời hạn gia hạn xuất nhập cảnh dài hơn thời hạn điều tra xác minh giải quyết tin báo tội phạm; Kiến nghị khởi tố đặc biệt đối với những loại tội phạm kinh tế đặc biệt nghiêm trọng liên quan người có chức vụ quyền hạn. Bên cạnh đó, cần có phương pháp để tránh "rút dây động rừng".
Trốn ra nước ngoài, dẫn độ ra sao?
Theo luật sư Long, việc dẫn độ được quy định tại chương 4 Luật tương trợ tư pháp 2007.
Tuy nhiên, ông Long cho rằng, nội dung còn chung chung và trở nên lạc hậu với các điều ước quốc tế song - đa phương có quy định về dẫn độ mà Việt Nam là thành viên; chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tế xử lý các vụ việc dẫn độ của Việt Nam.
Trường hợp đối tượng truy nã bỏ trốn sang quốc gia chưa ký hiệp định song phương hoặc đa phương liên quan việc dẫn độ thì chỉ có thể qua con đường ngoại giao để đề nghị nước bạn bắt giữ đối tượng truy nã dẫn về Việt Nam.
Hay một số tội danh trong Bộ luật Hình sự Việt Nam không có trong quy định pháp luật hình sự một số nước trên thế giới nên yêu cầu các nước không thiện chí hợp tác sẽ rất khó khăn.
Việt Dũng
Ông chủ Nhật Cường Mobile bị Interpol đưa vào danh sách truy nã đỏ
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị Interpol truy bắt Bùi Quang Huy và Interpol đã đưa ông chủ Nhật Cường ... |
Nguyên Giám đốc Sở Tài chính TP HCM bị truy nã
Bộ Công an truy nã Đào Thị Hương Lan, nguyên Giám đốc Sở Tài chính TP HCM, sau khi khởi tố nhưng phát hiện bà ... |
Chủ tịch HĐQT Đại học Đông Đô bị truy nã, hàng trăm học viên kêu cứu
Trong khi Chủ tịch HĐQT Đại học Đông Đô bị truy nã về tội Giả mạo trong công tác, hàng trăm học viên của trường ... |
Ngày đăng: 08:50 | 15/07/2020
/ laodong.vn