Chúng tôi đi lên Tuyên Quang lúc gần 9 giờ tối. Phó phòng CSĐT, đồng chí Đỗ Văn Hùng, cùng anh em đội trọng án đi chiếc xe Jeep đời mới chạy trước, còn 7 anh lính đặc nhiệm do Phó phòng CSHS Lê Thanh Hùng chỉ huy thì chất lên chiếc xe của báo An ninh thế giới và tôi là người cầm lái.
Lính đặc nhiệm đều to như “con tượng”, người “thấp bé nhẹ cân” nhất trong xe lại chính là tôi, có “ngót” 70 cân. Xe chở quá tải nên phải tắt điều họa nhiệt độ. Nóng quá, gió lùa vào xe cũng là thứ gió ngùn ngụt lửa, mặc dù trời đã về đêm.Chúng tôi đi như cướp đường với tốc độ bình quân hơn 80km/giờ vì ai cũng hiểu rằng việc tìm ra tung tích kẻ giết người sớm phút nào là quý giá phút ấy… Quả thực, sau này nghĩ lại chặng đường đã qua, tôi phát hãi vì đã chạy quá liều lĩnh.
Phải công nhận rằng ngay sau khi khám nghiệm hiện trường, việc CSĐT xác định được thủ phạm gây án chỉ có một, và quen biết với gia đình là những nhận định hết sức chính xác, đồng thời, anh em cũng xác định được là kẻ gây án đã bị thương ở bàn tay trái. Từ điều đó, anh em tập trung làm rõ các mối quan hệ của Phạm Công Thức và Phạm Công Tảo - hai người con của ông Sinh là hai nạn nhân của vụ án này. Thức và Tảo từ nhỏ đã mắc bệnh tâm thần nên bạn bè không có ai. Nhưng rõ ràng là thủ phạm đã ngủ cùng giường với Thức và hạ sát Thức trước tiên, vậy thì chắc chắn kẻ đó phải là người được gia đình nạn nhân quý mến. Sau khi lấy lời khai của các thành viên trong gia đình, anh em phát hiện ra một điều là trước đây, gia đình thường mua vàng sa khoáng của một số người từ Tuyên Quang đem về. Và trong số đó, chỉ có một người tên là Châu ở thị trấn Chiêm Hóa và Thức chỉ chơi với người đó. Các điều tra viên lại tìm ra một người có quan hệ buôn bán vàng với Châu và theo người này thì Châu đúng là có quen biết nhà ông Sinh và có dáng người thấp bé, mặt lưỡi cày… Đặc điểm nhận dạng này trùng với lời của nhân chứng là khoảng 10 giờ đêm, khi đến nhà ông Sinh, thấy có một người dáng bé nhỏ, mặc áo đen, đi dép lê và có chiếc cặp đen. Tất cả những thông tin ban đầu và duy nhất về đối tượng chỉ có vậy.
Trên xe, các trinh sát bàn luận hết sức sôi nổi và căng thẳng về khả năng gây án của tên Châu còn đang là những hình ảnh hết sức lờ mờ. Lê Thanh Hùng thì tin chắc như đinh đóng cột rằng: “Nó là thủ phạm, linh cảm của lính đặc nhiệm bảo cho tôi biết điều ấy”. Đúng là làm trính át, linh cảm nghề nghiệp là điều hết sức quan trọng và nó chỉ có được ở những trinh sát giỏi nghề, có bản lĩnh và chinh chiến nhiều. Nhưng quả thật, với ngần ấy thông tin về một con người mà kéo quân lên tận Chiêm Hóa trong đêm thì quả là cũng có phần phiêu lưu. Tuy ai cũng mong là kéo quân lên, “vồ” được đối tượng, nhưng lại cũng rất lo lắng nếu như nó có ở nhà thì sao? Và nếu nó lại niềm nở ra đón anh em trinh sát: “Đêm hôm thế này, các bác đến nhà em chắc có việc gì quan trọng… Dạ, mấy ngày vừa rồi, em chỉ ở nhà…?”. Như vậy thì rất có thể khả năng vụ án đi vào ngõ cụt mà với các trinh sát, đó mới là điều đáng sợ.
Xe chạy được năm chục cây số thì anh em mới sực nhớ ra rằng từ sáng đến giờ họ chưa ăn gì. Đến Việt Trì sẽ ăn - mọi người bàn nhau như vậy. Nhưng thật không may, thành phố Việt Trì mất điện, tối như hũ nút, chả biết hàng quán ở đâu mà lần, thế là chúng tôi lại cắm đầu cắm cổ chạy tiếp. Tới một quán nước, chúng tôi dừng xe, hy vọng kiếm được cái gì ăn, nhưng đúng là họ chỉ có… nước ngọt. Lúc này, tôi mới sực nhớ nha rằng trong xe có túi ổi miền Nam và Tổng biên tập vừa đi công tác ở TP.HCM mang ra cho anh em. Số ổi trên xe là phần của anh lái xe, nhưng chưa kịp lấy. Thấy tôi lấy túi ổi đem xuống, anh em mừng rỡ reo lên và bổ ra chia nhau. Ổi Sài Gòn quả to nên mỗi người chỉ xơi nửa quả và tống thêm lon nước “bò húc” là cũng chắc dạ.
Đến Công an tỉnh Tuyên Quang là 12 giờ đêm. Sau khi nghe anh em đặt vấn đề về truy tìm thủ phạm gây án đặc biệt nghiêm trọng, đồng chí Phó phòng CSĐT Công an tỉnh trực ban đêm hôm đó đã nhanh chóng cử một cán bộ cùng anh em đi ngay Chiêm Hóa, đồng thời gọi điện cho Công an huyện bố trí cảnh sát hình sự, cảnh sát khu vực để vào việc ngay. Từ Tuyên Quang đi Chiêm Hóa khoảng 70 cây số, nhưng từ ngã ba đi Hà Giang rẽ vào, đường hẹp và hầu như không có đoạn nào thẳng được hơn ba trăm mét. Lái xe đêm đi đường ngoằn nghèo, đèo dốc liên tục cũng có cái hay là đỡ buồn ngủ… Đến hai giờ sáng thì chúng tôi tới công an huyện và thật mừng là khi thấy các đồng chí lãnh đạo huyện cùng cảnh sát hình sự, cảnh sát khu vực đã chờ sẵn.
Đối với anh em công an huyện Chiêm Hóa, nhân vật Nguyễn Văn Châu tức Nguyễn Minh Châu chẳng ai lạ gì. Theo đồng chí Trường, CSHS huyện cho biết thì Châu là đối tượng nghiện hút và cờ bạc. Trước kia, hắn chuyên buôn bán vàng sa khoáng, nhưng từ hai năm nay thì chỉ thấy hắn ở nhà bán hàng cho vợ. Nhà Châu trước ở ngay bến phà, khi cầu Chiêm Hóa được xây dựng, hắn dời nhà lên sát chân đồi, cách đầu cầu khoảng 300 mét. Hắn là thứ tư và “kẻng trai” nhất trong 9 anh chị em. Châu là người giao du rộng, khéo mồm và máu gái. Châu có vợ tên là Định và cả vợ chồng Châu đều theo đạo Thiên Chúa. Con gái lớn đang học lớp 8 và con trai thứ hai đang học lớp 6. Theo CSKV thì từ thứ bảy tuần trước đến nay, không thấy Châu đâu. Trong thị trấn, Châu có quan hệ thân thiết với hai người là Thế và Mở.
Ba giờ sáng, anh em CSĐT và đặc nhiệm chia làm hai tổ. Một tổ đến nhà Nguyễn Văn Thế, còn một tổ do đại úy Trung, Đội trưởng Đội điều tra trọng án của CAHN chỉ huy thì vào kiểm tra nhà tên Châu. Các máy bộ đàm được kiểm tra tần số, gọi thử và lúc này cũng mới biết là có trinh sát chưa hề sử dụng máy bao giờ.
Trời mùa hè mà sương mù dày đặc. Thị trấn chìm trong sương và yên tĩnh đến lạ lùng, chỉ có tiếng nước dòng sông Lô thúc vào ghềnh đá. Nhưng qua cầu Chiêm Hóa, bỗng không gian yên tĩnh vỡ ra bởi tiếng… chó. Từ những ngôi nhà hai bên đường, những con chó chân cao, tai to lao ra và xông thẳng vào anh em. Thật đúng là tình huống ngoài dự kiến. Không thể hò hét đuổi chó được, một trinh sát bảo tôi đi sau… chặn chó. Thế là với chiếc máy ảnh làm vũ khí, tôi đành phải đi… đoạn hậu! Cũng rất may là chó ở nhà cạnh đường chỉ giỏi sủa mà không đớp.
Sau khi vây chặt căn nhà gỗ mái ngói, đồng chí CSKV gõ cửa và phải rất lâu, Lê Thị Định, vợ Châu mới ra mở cửa. Chúng tôi vào nhà, trên bàn thờ Chúa vẫn có hai ngọn nến cháy leo lét. Vợ Châu là người đàn bà cao, gầy, mặt mỏng và đáo để. Nguyễn Minh Châu không có nhà. Thấy vậy, Thiếu tá Hùng có vẻ mừng, anh bảo tôi: “Nó không có nhà thế thì đúng nó là thủ phạm rồi”.
Thấy công an, lúc đầu vợ Châu run cầm cập nhưng khi anh em đặt vấn đề là cần tìm “nạn nhân trong một vụ tai nạn giao thông” thì cô ta bình tĩnh trở lại và mau mắn trả lời những câu hỏi của trinh sát. Định cho biết Châu đi Hà Nội từ sáng thứ bảy ngày 17, khi đi xách cặp đen, loại cặp 36 ngàn đồng. Thấy có chiếc cặp để góc nhà, Đại úy Trung hỏi:ơ
- Có giống chiếc cặp kia không?
- Giống như thế nhưng dầy hơn một chút - Định trả lời ngay không chút đắn đo.
Thế rồi trước những câu hỏi khéo léo của Trung, chị ta cho biết thêm những chi tiết cực kỳ quan trọng là ngày trước, khi về Hà Nội, Châu thường nghỉ ở nhà ông Sinh, buôn vàng, ở gần gò Đống Đa, ngoài ra Châu còn có một bà cô ruột tên là Thuộc ở gần nhà thờ Trình Xuyên, huyện Vụ Bản, Nam Định. Khi trả lời đến đây thì Lê Thị Định linh cảm thấy có sự không bình thường và thế là chị ta từ chối không trả lời hoặc chỉ trả lời “không biết”. Cũng lúc đó thì mũi đi kiểm tra nhà Nguyễn Văn Thế đã về và thông báo không có tên Châu. Như vậy là hình ảnh một tên Châu là thủ phạm đã hiện sắc nét dần… Thời gian trôi đi nhanh vùn vụt. Định bắt đầu giở trò lu loa rằng đêm hôm mà tại sao công an vào nhà, và tại sao lại chỉ có công an khu vực là có cảnh phục, còn chúng tôi nom như… trộm. Thế rồi chị ta bảo con gái lớn ra canh chừng chúng tôi. Nghe những lời thị Định nói về mối quan hệ của chồng, chúng tôi biết chắc là hôm qua chị ta không xem truyền hình vì chương trình thời sự đã đưa tin về vụ giết người cướp của ở tiệm vàng Kim Sinh phố Tây Sơn. Nếu xem, chắc chắn chị ta sẽ đề phòng khi thấy công an đến đột ngột thế này. Tôi hỏi cháu bé: “Tối qua, cháu có xem tivi không”, “Dạ, cháu có xem phim”, “Lúc chương trình thời sự, mẹ cháu có xem không?”. “Không ạ, vì lúc đó đang có người thuê máy chơi trò chơi điện tử”.
Nghe trả lời vậy, Thiếu tá Đỗ Văn Hùng nói nhỏ với tôi:
- May quá, suýt nữa thì công toi. Chỉ cần chị ta xem và bây giờ chối phắt thì có mà mò kim đáy bể.
Đúng là có đi với anh em, được cảm nhận tất cả những điều lo lắng của họ thì mới thấy đối với những vụ án đang điều tra, sự bùng nổ thông tin nhiều khi tác hại khôn lường. Trong đánh án, yếu tố quan trọng đầu tiên là phải bất ngờ, bí mật, thủ phạm càng mất cảnh giác càng tốt. Chỉ khi nào không còn một tia sáng nào về thủ phạm, lúc đó mới cần đến công bố công khai. Không rõ từ hôm gây án đến nay, thằng Châu có xem tivi không và nếu biết, nó sẽ đối phó như thế nào…?!
Cũng vào rạng sáng hôm đó, các trinh sát của Phòng CSHS, rồi của quận Đống Đa đã lần tìm ra người xe ôm đã chở tên Châu sau khi gây án ra bến xe phía nam… Thế là khả năng Nguyễn Văn Châu là kẻ gây án đã được khẳng định.
Một cuộc họp chớp nhoáng được tổ chức ngay tại Công an huyện và quyết định ngay những biện pháp cấp bách. Một mặt báo về cho Ban giám đốc CA Hà Nội, một mặt triển khai ngay việc giám sát các di biến của Lê Thị Định và một số người thân trong gia đình, đồng thời tập trung trinh sát đi xác minh những mối quan hệ của tên Châu. Theo lệnh của Ban giám đốc, thiếu tá Lê Thanh Hùng và đại úy Trung chỉ huy một nhóm nằm lại Chiêm Hóa, còn Đỗ Văn Hùng kéo quân về thị xã Tuyên Quang, tôi cũng nằm trong số đó.
Sau khi xẻ cho anh em đặc nhiệm nửa số tiền mang đi khoảng gần triệu đồng, tôi lại lái xe đưa các trinh sát về Tuyên Quang.
6 giờ sáng ngày 20 tức là một ngày sau khi xảy ra vụ án, mũi truy lùng ở Chiêm Hóa báo cáo về cho thượng tá Nguyễn Đức Nhanh, Phó giám đốc CATP Hà Nội về kết quả trinh sát và khả năng tên Châu trốn về nhà bà cô ở Trình Xuyên, Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
6 giờ 30 sáng, Trung tá Nguyễn Đức Bình, Trưởng phòng CSHS dẫn một nhóm trinh sát về Nam Định. Ra khỏi thành phố đến đoạn Thường Tín thì có vụ tai nạn giao thông, xe cộ tắc đường đỗ dài cả cây số làm các anh đứng ngồi như kiến bò trên chảo lửa.
9 giờ 30 phút anh em mới tới được huyện Vụ Bản.
10 giờ, trung tá Bình dẫn quân ập vào nhà bà Thuộc. Nhưng tên Châu vừa đi cách đó nửa giờ. Những chiếc hộp nhựa đựng đồ nữ trang còn vứt vương vãi sau vườn. Và lúc này, các trinh sát cũng mới biết có những tình huống mà không ai ngờ tới.
Số là lúc trời đã sáng, lấy cớ là phải sang nhà hàng xóm có chút việc, Lê Thị Định sang nhà người anh của Châu và gọi điện thoại về Vụ Bản cho bà thuộc, nói về việc công an đến nhà. Biết đã bị lộ, tên Châu vùng dậy bảo bà Thuộc đi gọi người lái xe ôm hôm qua đã đưa hắn đi đến ông bác sĩ khâu vết thương ở tay. Sáng sớm, người lái xe ôm có đến theo hẹn để đưa hắn đi thay băng, nhưng hắn hẹn lại đến chiều vì còn đang… buồn ngủ. Xe đến, hắn bảo chở ra bến xe Nam Định. Nhưng lúc này, hắn đã có ý thức rõ ràng rằng hắn đang là con thú bị săn đuổi. Hắn lên chiếc xe khách tuyến Nam Định - Hà Giang, nhưng xe đi được cây số, hắn nhảy xuống và lại gọi xe ôm về Duy Tiên…
Và kể từ giờ phút đó, cuộc săn lùng tên thủ phạm có hành vi dã man nhất từ trước tới nay với quy mô cũng lớn nhất trong lịch sử đấu tranh với tội phạm hình sự thời mở cửa của Công an Hà Nội bắt đầu.
(Còn nữa)
Nghề coi tù (Kỳ 2)
Có một phạm nhân chết và được chôn tại nghĩa trang Văn Điển. Được gần một tháng rưỡi thì bỗng có lệnh của Viện Kiểm ... |
Chiến dịch truy lùng tử tù vượt ngục chưa từng có của Công an Hà Nội (Kỳ 1)
Nếu không bắt được chúng, nếu không có những thực nghiệm điều tra nghiêm túc, khoa học thì không ai có thể tin rằng một ... |
Ngày đăng: 06:00 | 12/01/2018
Nguyễn Như Phong / An ninh Thế giới