Hai công trình sao chép, đã được nghiệm thu và được Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội ghi danh vào hồ sơ thi thăng hạng giảng viên cao cấp.
Vô tư sao chép không xin phép các tác giả
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam liên tiếp nhận được nhiều đơn thư của các cá nhân tố Tiến sĩ Mai Thị Thanh - Trưởng Khoa Lý luận chính trị Đại học Bách Khoa Hà Nội sao chép đề tài nghiên cứu khoa học - đạo văn.
Điều đáng bàn, một trong những người tố bà Mai Thị Thanh sao chép đề tài khoa học là Phó Giáo sư Hồ T.D - người từng tham gia trong hội đồng khoa học thẩm định đề tài của bà Thanh với tư cách là ủy viên.
Theo đơn thư, đề tài T2005-57 có tên “Phát huy vai trò chủ thể của sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội trong học tập môn Triết học Mác – Lê nin hiện nay” do nhóm tác giả 6 người thực hiện, trong đó bà Mai Thị Thanh làm chủ nhiệm đề tài và Đề tài T2014 – 134 “Giải pháp nâng cao vai trò chủ thể nhận thức trong học tập các môn lý luận chính trị của sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội” có sự trùng lặp kỳ lạ, sao chép về nội dung.
Cả hai công trình bị tố là sao chép, trùng lặp này đã được nghiệm thu và được Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội ghi danh vào hồ sơ thi thăng hạng giảng viên cao cấp của bà Mai Thị Thanh. (Ảnh: Trinh Phúc).
Điểm bất thường trong hai đề tài này mà đơn thư đã chỉ ra, Đề tài T2014 – 134 thực hiện vào năm 2014 trong khi đề tài T2005-57 thực hiện năm 2005 nhưng trong nội dung phần tài liệu tham khảo của T2014 – 134 lại không hề có viện dẫn hay trích dẫn nguồn tài liệu liên quan đến đề tài T2005-57.
Cả hai công trình bị tố là sao chép, trùng lặp này đã được nghiệm thu và được Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội ghi danh vào hồ sơ thi thăng hạng giảng viên cao cấp của bà Mai Thị Thanh.
Điều đáng bàn, trước khi gửi đơn thư lên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, người viết đơn đã từng có phát biểu tại Đại hội cán bộ công nhân viên chức Khoa Lý luận chính trị năm 2015.
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội từng có lập tổ công tác xác minh và kết quả cho rằng, Đề tài T2014 – 134 có kết thừa và phát triển đề tài T2005 – 57 nhưng không được liệt kê trong danh mục tài liệu tham khảo và yêu cầu bà Thanh rút kinh nghiệm trích dẫn.
Người tố cáo cho rằng kết luận của nhà trường không thỏa đáng.
Qua đơn thư, người tố cáo cho rằng, hai đề tài này có hàng loạt câu văn, đoạn văn giống hệt nhau đã vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, ăn gian nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp.
Bản thân bà Hồ T. D. là thành viên hội đồng khoa học khi thẩm định đề tài T2014 – 134 đã gửi đơn tố cáo về vấn đề này lên Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Qua đọc hai đề tài này, phóng viên nhận thấy sự trùng lặp kỳ lạ của nhiều trang viết từ dấu chấm đến dấu phẩy và ngôn từ.
Sự trùng lặp này kéo dài nhiều trang viết nhưng không thực hiện trích dẫn, có sự lặp đi lặp lại nhiều đoạn văn trong công trình.
Tại sao, hai đề tài có hai đối tượng nghiên cứu khác nhau nhưng lại có sự lặp lại những đoạn văn kéo dài hàng trang viết giống nhau 100%.
Hơn nữa, thời gian nghiên cứu cách nhau 9 năm, rõ ràng khách thể nghiên cứu đã có sự thay đổi nhưng tác giả vẫn giữ y nguyên câu văn, hành văn, dấu chấm, dấu phẩy của công trình trước đó để lắp ghép vào công trình sau là một điều khó hiểu trong nghiên cứu khoa học.
Phải chăng đây là phương pháp nghiên cứu “cấp số nhân” mà giảng viên của Đại học Bách Khoa này sáng tạo ra?
Việc gian lận trong khoa học đang là vấn đề khiến dư luận bức xúc, làm hoen ố hình ảnh đội ngũ tri thức nước nhà.
Vừa qua dư luận bức xúc về nhiều trường hợp đạo văn, cố tình khai khống hồ sơ của các ứng viên Phó Giáo sư, Giáo sư.
Thiết nghĩ, những việc sao chép vô tội vạ công trình khoa học, rồi đưa công trình đó vào hồ sơ để được công nhận là giảng viên cao cấp cần thiết phải được xử lý tận gốc vấn đề.
Phải trả lời rõ ràng vì sao đề tài do chính mình từng tham gia thực hiện mà bà Mai Thị Thanh lại quên không đưa vào trong danh mục tài liệu tham khảo?
Nếu thực sự có sự kế thừa, phát triển giữa đề tài T2014 – 134 và T2005 – 57 đề tài trước đó thì cần chỉ ra rõ ràng kế thừa bao nhiêu và phát triển như thế nào?
Trường thừa nhận trùng lặp, sao chép bất hợp pháp
Trước đơn thư của bà Nguyễn Thị D., phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ làm việc với Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Ngày 12/6, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã có kết luận trả lời đơn thư của bà Nguyễn Thị D.
Theo kết luận cả 2 đề tài T2005- 57 và đề tài T2017 – 134 có sự trùng lặp đến 454 dòng. Tỷ lệ trùng lặp là 32,42%.
Kết luận cho thấy, bà Mai Thị Thanh sao chép 454 dòng nhưng không thực hiện trích dẫn và xin phép các tác giả. (Ảnh: Trinh Phúc).
Trong danh mục tài liệu tham khảo của T2017 – 134 không liệt kê T2005 – 57 và không có thông tin về việc 5 tác giả của T2005 – 57 đồng ý cho phép sử dụng kết quả sử dụng trong công trình nghiên cứu khoa học khác.
Kết luận cũng chỉ ra trong đánh giá khoa học đề tài T2017 – 134 có sự nể nang, động viên trong đánh giá nghiệm thu đề tài.
Điều kỳ lạ, mặc dù một đề tài có sự sao chép đến 32,42% nhưng vẫn không bị hủy. Bản thân Tiến sĩ Mai Thị Thanh chỉ bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
Trao đổi với phóng viên, người có đơn thư cho rằng, kết luận như vậy chưa khách quan, có sự bao che và tiếp tục đấu tranh để tìm ra lẽ phải.
Phóng viên cũng cho rằng, một công trình sao chép đến 32,42% là quá lớn.
Theo tìm hiểu tại Điểm C, khoản 2, Điều 4, Thông tư 08/2018/TT-BGDĐT về quy định điều kiện, nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong cơ sở giáo dục đại học thì các công trình khoa học đã công bố có nội dung trùng lặp từ 30% trở lên chỉ được tính điểm quy đổi một lần.
Điều này có nghĩa, bà Mai Thị Thanh không đáp ứng hồ sơ để thi tăng thăng hạng giảng viên cao cấp. Đơn thư của bà Nguyễn Th. D. là có căn cứ.
Từng có tiền sử in sách trái quy định bị thu hồi
Trong đơn thư, người tố cáo không chỉ tố cáo việc bà Mai Thị Thanh sao chép đề tài mà còn tố cáo bà Thanh từng tự ý đứng tên chủ biên xuất bản trái phép sách nên bị thu hồi.
Oái ăm ở chỗ, bà Mai Thị Thanh là một tiến sĩ, một trưởng khoa nhưng lại cho mình cái quyền tự xưng chủ biên của một loạt các bài viết tham gia hội thảo khoa học.
Theo đơn thư, tháng 6/2015, Khoa Lý luận chính trị tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng giảng dạy các môn học lý luận chính trị trong các trường đại học không chuyên ngành Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Hội thảo có 31 tác giả tham gia viết bài. Sau hội thảo, ngày 20/11/2015 bà Mai Thị Thanh đã phát hành rộng rãi cho các đại biểu và các giảng viên 1 cuốn sách có tên “Nâng cao chất lượng dạy, học các môn lý luận chính trị trong trường đại học khối ngành kỹ thuật: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” do bà Mai Thị Thanh đứng tên chủ biên liên kết với nhà xuất bản lý luận chính trị.
Đến tháng 12/2015, Tiến sĩ Mai Thị Thanh lại phát hành rộng rãi tiếp cuốn: “Kỷ yếu hội thảo – Nâng cao chất lượng giảng dạy các môn học lý luận chính trị trong các trường đại học không chuyên ngành Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Cả hai cuốn sách trên đều là tuyển tập 31 bài viết của 31 tác giả gửi hội thảo trên và có biên soạn.
Liên quan đến sự cố tự ý đứng tên chủ biên khi chưa có sự đồng ý của 31 tác giả của 31 bài viết gửi đến hội thảo “Nâng cao chất lượng giảng dạy các môn học lý luận chính trị trong các trường đại học không chuyên ngành Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh”, phía Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã cung cấp cho phóng viên kết luận trả lời đơn tố cáo về nội dung này.
Theo đó, bà Mai Thị Thanh đã tự đặt tên xuất bản phẩm, tự đứng tên chủ biên khi chưa có sự đồng ý của các tác giả khác; Việc đứng tên chủ biên không hợp với thông lệ.
Tuy nhiên, bà Mai Thị Thanh đã kịp thời khắc phục là xin dừng in xuất bản phẩm “Nâng cao chất lượng dạy học các môn Lý luận Chính trị trong trường đại học khối ngành kỹ thuật: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” do bà Mai Thị Thanh chủ biên, đề nghị thu hồi và tiêu hủy xuất bản phẩm này. Nhà xuất bản chính trị đã có quyết định thu hồi và tiêu hủy.
Hành vi của bà Thanh không đủ cấu thành hành vi sao chép sách. Và cho rằng, nội dung tố cáo bà Thanh “Không trung thực, vi phạm tiêu chuẩn đạo đức của nhà giáo và tiêu chuẩn đạo đức đảng viên do hành vi sao chép sách của bà Mai Thị Thanh” là không đúng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, không phải ngẫu nhiên một người thích đứng tên chủ biên sách hơn là chỉ vài trò một tác giả trong một kỷ yếu hội thảo khoa học.
Bởi theo cách tính điểm cộng công trình nghiên cứu khoa học của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, quy định tại khoản 2, điều 3 của thông tư 16/2009/TT-BGDĐT (17/07/2009) là: “Sách phục vụ đào tạo đã được xuất bản do tập thể biên soạn thì người chủ biên (nếu có) được tính 1/5 số điểm công trình đã được tính cho cuốn sách đó, 4/5 số điểm còn lại được chia theo giá trị đóng góp của từng người tham gia”.
Trước những thông tin mà những người viết đơn thư cung cấp, cùng với quá trình làm việc với đại diện Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, thiết nghĩ cần thiết phải có một kết luận khách quan, xử lý triệt để vấn đề này tránh việc khiếu kiện lâu dài ảnh hưởng đến các cá nhân, đơn vị có liên quan đến vụ việc này.
Bị tố đạo văn, GS Nguyễn Đức Tồn lần đầu giải trình
Trong giải trình GS Tồn phản bác và đưa ra nhiều chứng cứ chứng minh ông không đạo văn của bất cứ ai. |
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Bộ Giáo dục sẽ kiên quyết cấm học lệch, ngăn chặn bệnh thành tích
Liên quan đến vấn đề đại biểu chất vấn về "bệnh thành tích trong giáo dục", "trường chuẩn quốc gia mà chưa phải chuẩn", "học ... |
Thông tin mới về vụ GS Nguyễn Đức Tồn bị tố đạo văn học trò
Hội đồng Chức danh giáo sư ngành Ngôn ngữ học đã có văn bản báo cáo Thường trực Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà ... |
Ngày đăng: 17:04 | 17/06/2018
/ https://vtc.vn