Trường hợp có căn cứ hoặc nghi ngờ người phạm tội có dấu hiệu bỏ trốn ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, cơ quan điều tra sẽ phối kết hợp với Interpol để bắt và dẫn độ.
truy nã
Bạn đọc hỏi:
Người thân của tôi vướng vào vụ lừa đảo, bị cơ quan điều tra khởi tố vụ án. Do lo sợ nên người này đang bỏ trốn ra nước ngoài. Tôi xin hỏi, cơ quan điều tra có ra lệnh truy nã quốc tế không?
Trả lời:
Luật sư Nguyễn Thị Tuyến - Trưởng VP luật Khải Hưng, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho hay, theo quy định tại Điều 161, Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, cơ quan điều tra ra quyết định truy nã bị can khi bị can trốn hoặc không biết bị can đang ở đâu. Quyết định truy nã được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người phát hiện, bắt, giữ người bị truy nã.
Trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự cũng như các văn bản liên quan không có thuật ngữ "truy nã địa phương" hay “truy nã toàn quốc”, bởi bất kỳ ai, ở địa phương nào cũng có quyền bắt người truy nã, vì vậy hiệu lực về lãnh thổ của lệnh truy nã được ngầm hiểu là toàn quốc. Việc truy nã quốc tế cũng không có quy định cụ thể, bởi tính khả thi của việc thực thi luật pháp Việt Nam ngoài phạm vi lãnh thổ.
Quyết định truy nã được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người phát hiện, bắt, giữ tội phạm. Đối với việc bắt giữ người đang có quyết định truy nã: Bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan công an, VKS hoặc UBND nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản và giải ngay người bị bắt đến cơ quan điều tra có thẩm quyền (Điều 82, Bộ luật Tố tụng hình sự).
Công dân Việt Nam, phạm tội tại Việt Nam, thông thường sẽ áp dụng phạm vi truy nã trên toàn quốc, trong trường hợp có căn cứ hoặc bị nghi ngờ có dấu hiệu bỏ trốn ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, cơ quan điều tra cùng với các cơ quan có thẩm quyền, phối kết hợp với Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) hoặc các quốc gia mà Việt Nam tham gia ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp để thực hiện việc bắt và dẫn độ người phạm tội về nước để xét xử.
Trường hợp truy nã những bị can đang bị truy tìm để truy tố hoặc bắt giam thì lệnh truy nã đỏ được ban hành. Lệnh truy nã đỏ mang lại khả năng hiển thị quốc tế cao. Tất cả thông tin về tội phạm và nghi phạm đều được gửi tới các cán bộ biên phòng, cửa khẩu, hải quan khiến việc di chuyển của họ trở nên khó khăn. Các quốc gia có thể yêu cầu và chia sẻ thông tin quan trọng liên quan đến một cuộc điều tra.
Trong lệnh truy nã đỏ ngoài ảnh đối tượng truy nã còn có 2 phần nội dung chính yếu. Phần thứ nhất là những thông tin liên quan nhân thân đối tượng. Phần thứ 2 là những thông tin tư pháp thông báo quá trình phạm tội và những căn cứ pháp luật để bắt giữ đối tượng.
Về dẫn độ người phạm tội về nước để xét xử, Điều 32, luật Tương trợ tư pháp 2007 nêu rõ, dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó trên cơ sở yêu cầu của nước có người bị dẫn độ.
Tuy nhiên, các bước để thực hiện chuyển giao người phạm tội giữa quốc gia yêu cầu và quốc gia được yêu cầu được tiến hành theo trình tự và nội dung mà các bên đã thỏa thuận trong hiệp định dẫn độ, hiệp ước tương trợ tư pháp về hình sự được ký kết song phương hay đa phương, hoặc giữa các quốc gia là thành viên của tổ chức Interpol. Đối với trường hợp người bị dẫn độ mang quốc tịch của một quốc gia chưa ký kết hiệp định tương trợ tư pháp, việc thực hiện các thủ tục dẫn độ được tiến hành trên cơ sở tôn trọng luật pháp của quốc gia nơi người bị dẫn độ đang sinh sống, thông qua ủy thác tư pháp.
Ls.Nguyễn Thị Tuyến
Đại gia Vũ "nhôm" bị khởi tố, tài sản "khủng" xử lý thế nào?
Dư luận đặt ra câu hỏi, vậy sau khi ông Vũ “nhôm” bị khởi tố, nhiều khối tài sản còn lại sẽ bị xử lý ... |
Công an Đà Nẵng treo quyết định truy nã Vũ \'nhôm\' ở trụ sở phường
Quyết định truy nã đại gia bất động sản Vũ "nhôm" nêu bị can này bị khởi tố với hành vi "cố ý làm lộ ... |
Ngày đăng: 10:42 | 26/12/2017
/ http://www.nguoiduatin.vn