Cơ sở ở Hưng Yên của Đại học Thủy lợi rộng hơn 56 hecta, nhưng thi thoảng mới có vài trăm sinh viên xuống học quân sự.
Cơ sở hai của Đại học Thủy lợi tại khu đô thị Đại học phố Hiến (tỉnh Hưng Yên) rộng 56,35 hecta, gồm 2 khối giảng đường và hạ tầng đáp ứng cho 13.400 sinh viên theo học; một ký túc xá hơn 4.000 chỗ ở.
Khu giảng đường 5 tầng rộng rãi. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 1.125 tỷ đồng, trong đó hơn 979 tỷ vốn vay ADB, trên 138 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước và hơn 7,6 tỷ đồng vốn tự huy động của Đại học Thủy lợi.
Mục tiêu xây dựng cơ sở ở Hưng Yên, theo Hiệu phó Đại học Thủy lợi Trần Viết Ổn, là cùng trường chính tại Hà Nội, đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu theo chiến lược phát triển nhà trường đến năm 2020 có quy mô 22.420 sinh viên. Công trình được khởi công từ năm 2014 và hoàn thành vào tháng 12/2016.
Giảng đường 100 chỗ ngồi rộng rãi có bảng viết, máy chiếu, hệ thống loa, đèn chiếu sáng, quạt trần, điều hòa. Các phòng học nhỏ hơn cũng được trang bị đầy đủ thiết bị này, phủ sóng wifi.
Phòng thí nghiệm hóa học hiện đại, sạch sẽ.
Khu ký túc xá đáp ứng chỗ ở cho hơn 4.000 sinh viên, bên cạnh là sân bóng đá cỏ nhân tạo, sân bóng rổ, bóng chuyền.
Ký túc xá cao 8 tầng, được bố trí 2 thang máy. Ngoài phòng ở của sinh viên, mỗi tầng đều bố trí một phòng tự học, phòng sinh hoạt chung có tivi để phục vụ nhu cầu giải trí của các bạn trẻ. "Ký túc xá và khu giảng đường đều phủ sóng wifi, giúp chúng em dễ dàng truy cập Internet", Nguyễn Thị Hạ, lớp 59 KT3 khoa Kinh tế và Quản lý nói.
Mỗi phòng ký túc xá có 4 giường tầng, 2 tủ đồ và khu vệ sinh hiện đại, có bình nóng lạnh.
Tầng một của ký túc xá, ngoài khu bếp ăn "nấu rất ngon" như ý kiến của Nguyễn Thị Thu Hà lớp KT2 Kế toán, còn bán hàng tạp hóa, có dịch vụ giải khát, photocopy...
Hiện tại cơ sở hai của Đại học Thủy lợi chỉ có 400 sinh viên học giáo dục quốc phòng trong một tháng. "Ngay sau khi cơ sở ở Hưng Yên hoàn thành, vào tháng 2/2017, Đại học Thủy lợi đã đưa 3.000 sinh viên khóa 58 xuống học một học kỳ nhưng các em không thích. Chúng tôi sau đó lại phải chuyển sinh viên về Hà Nội. Từ tháng 12/2017 đến nay, nhà trường bố trí 4 đợt đưa khóa 59 xuống học Giáo dục quốc phòng. Mỗi đợt khoảng 400-500 em", Hiệu phó Trần Viết Ổn nói.
Các sinh viên khóa 58 đã phản hồi với Đại học Thủy lợi là thấy buồn khi phải học tập ở khu vực "cô lập" với môi trường xung quanh. Hiện toàn khu đô thị Đại học phố Hiến (Hưng Yên) với quy mô 1.000 ha, có duy nhất cơ sở của Đại học Thủy lợi hoạt động.
Không có không gian giao lưu, học tập, sinh viên còn không có chỗ để đi chơi, giải trí, xem phim, không kiếm được việc làm thêm. Đó là chưa kể việc đi lại của sinh viên gặp khó khăn do trường cách xa bến xe trung tâm Hưng Yên và ít taxi, xe ôm qua lại.
Khu giảng đường không có người học nên bàn ghế bám bụi, phòng vệ sinh đã rêu mốc, cỏ mọc cao nơi khuôn viên.
"Ở đây yên tĩnh, không khói bụi nhưng buồn. Chúng em phải đi mãi mới ra được bên ngoài mà ở đó cũng chẳng có chỗ chơi. Em thích học ở Hà Nội hơn. Trên đó có nhiều bạn bè đang, dịp rảnh rỗi chúng em lại tụ họp, hoặc lên Hồ Gươm, đi xem phim. Ở Hà Nội em làm thêm, kiếm được 2 triệu đồng/tháng", Nguyễn Thị Thu Hà lớp KT2 Kế toán nói.
Giang Huy - Quỳnh Trang
Cả khoa chỉ có 5 sinh viên: Tương lai nào cho các trường sư phạm địa phương?
9 giảng viên dạy cho 5 sinh viên, dù lấy điểm chuẩn ở mức 9 điểm/3 môn nhưng các trường sư phạm ở địa phương ... |
Ngày đăng: 01:26 | 02/06/2018
/ VnExpress