Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng việc Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương cầm xì gà tiếp bà con Thủ Thiêm là hình ảnh phản cảm nhưng để đánh giá đầy đủ thì cần phải tuỳ thuộc hoàn cảnh, không nên vì một hình ảnh mà vội kết luận ngay.
Sau khi một tờ báo đăng tải tấm hình ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) tay đeo đồng hồ \'\'sang\'\' và cầm xì gà khi gặp công dân Thủ Thiêm (TP.HCM) ngày 7/11, đã có nhiều ý kiến phản biện.
Trả lời PV bên hành lang Quốc hội ngày 9/11, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, hình ảnh đó là phản cảm nhưng cần căn cứ vào hoàn cảnh để đánh giá.
Đại biểu Dương Trung Quốc.
- Vì sao hình ảnh ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) đeo đồng hồ "sang" và tay cầm xì gà tiếp xúc với người dân Thủ Thiêm lại khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều, thưa ông?
Tôi thấy có hai thái cực. Một thái cực là chính khách đóng kịch. Không ít những vị quan chức bố trí hình ảnh của mình, ví dụ ăn mặc lam lũ đi mọi nơi.
Ngược lại, có những người không phải vô tình mà không ý thức được hình ảnh của mình, dẫn đến phản cảm xã hội.
Điều quan trọng nhất là cần họ sống thật. Họ cũng có quyền sử dụng những gì nếu chính đáng. Họ có quyền vươn tới đời sống tốt đẹp hơn nếu đóng góp chính đáng cho xã hội. Không bắt buộc họ phải đóng vai người nghèo.
Khi tôi mới làm ở quốc hội, bàn về tài sản của các vị ra ứng cử, tôi thấy họ nghèo quá. Nghèo chỉ ở thời đánh Pháp đuổi Nhật thôi, nhưng giờ cả xã hội làm giàu.
Vì vậy, vấn đề hình ảnh phải là hình ảnh thật. Chỗ này tôi ăn mặc sạch sẽ, đàng hoàng, chỗ khác tôi ăn mặc phù hợp với hoàn cảnh.
Tôi đi chống lũ thì phải gần gũi với những người đó, sẵn sàng có thể lội nước với mọi người. Điều đó là ý thức của chính khách về hành động của mình.
Ý thức đó không nên cực đoan đến mức là anh đóng vai, đóng kịch nhưng cũng không nên vô tâm đến mức không quan tâm đến hình ảnh của mình. Đó là phẩm chất của nhà chính trị.
- Nhiều ý kiến cho rằng hình ảnh Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) một tay cầm điếu xì gà, một tay cầm hồ sơ của dân là phản cảm?
Đương nhiên, hình ảnh đó phản cảm, nhưng hình ảnh này cũng có tính thời điểm. Hút xì gà không xấu. Khi người dân đưa đơn, anh có nhận không. Anh cần cho người dân cái hẹn và giữ đúng lời hứa. Còn người dân thì phải thực hiện đúng luật.
Anh không giữ lời, người dân mới phải đột nhập, phải tiếp cận bằng mọi cơ hội. Điều đó người dân không có lỗi, chính anh mới là người có lỗi.
Hình ảnh người phóng viên chụp lên phản ánh một sự việc, nhưng đằng sau còn có nhiều ý tưởng khác. Chúng ta nên tạo thành ý thức của người làm chính trị.
Hình ảnh vị Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương đeo đồng hồ xịn, tay cầm xì gà đang gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. (Ảnh: Quang Định)
- Tuy nhiên, ông Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương giải thích điếu xì gà ông cầm là do một người bạn cho và lúc đó cũng cầm miếng trầu, cau của người dân cho?
Tôi không bình luận một người cụ thể, vì đó là hình ảnh bề ngoài. Tôi cho rằng rất dễ gây phản cảm, thế thôi. Nhưng ở đây, phải xác định cụ thể nó rơi vào hoàn cảnh nào.
Đừng nên vì một hình ảnh mà ta kết luận ngay. Còn hình ảnh rõ ràng nhắc nhở mọi người phải thích ứng với hoàn cảnh, với môi trường sống của mình và cộng đồng.
ĐBQH Dương Trung Quốc
Ví dụ, tôi cũng từng gặp trường hợp mình đang làm một việc gì đó, người khác đến vì phép lịch sự mình vẫn phải làm đầy đủ nhưng rõ ràng lúc đó mình không còn phù hợp nữa.
Có nhiều lúc tôi mặc quần đùi, áo may ô ở nhà, dân đến chẳng nhẽ tôi không mở cổng ngay. Nếu anh phóng viên ảnh nào chụp lại thì sẽ bảo tôi là không nghiêm túc với dân. Nhưng thực ra là tôi muốn nhanh chóng tiếp cận dân để dân đỡ phải ngồi chờ.
Hình ảnh chỉ là một phần, cần phân tích. Đừng nên vì một hình ảnh mà ta kết luận ngay. Còn hình ảnh rõ ràng nhắc nhở mọi người phải thích ứng với hoàn cảnh, với môi trường sống của mình và cộng đồng.
Không loại trừ ảnh được dựng hoặc bố trí để chụp nếu vì một mục đích nào đó, tôi làm sao biết được. Thậm chí là ảnh có thực, ghi hình thực nhưng ở lúc nào, thời điểm nào, chúng ta phải phân tích được thì mới đánh giá được.
Rõ ràng, mạng xã hội thể hiện bức xúc xã hội. Những người làm chính trị phải ý thức được điều đó.
- Gần đây xã hội thường xuyên chú ý đến những vật dụng mà quan chức mang theo khi xuất hiện trước công chúng như đồng hồ, điện thoại. Điều đó phản ánh điều gì, thưa ông?
Điều đó phản ánh tâm thế của xã hội bây giờ giữa chênh lệch đời sống, bất công. Rõ ràng, khi chúng ta công nhận tham nhũng đang là vấn nạn, thì người ta sẽ coi đó là chứng cứ của tham nhũng.
Không phải tự dưng mà chúng ta phải quan tâm đến vấn đề thống kê tài sản.
- Có phải do lương thực tế của cán bộ viên chức không cao dẫn tới việc người dân nghi ngờ?
Chúng ta không nên nói như vậy, vì mỗi trường hợp khác nhau. Ví dụ, họ là công chức nhưng gia đình họ lại có một doanh nghiệp lớn, chuyện đó không phải là chuyện ghê gớm lắm.
Rõ ràng, nếu anh đang ở vai trò công chức, đặc biệt là người lãnh đạo, người dân nhìn vào rõ ràng điều đó gây phản cảm.
Vấn đề là ý thức của anh. Ai cũng thích có đồng hồ tốt, đắt tiền, kể cả tiền mua đồng hồ là chính đáng nhưng anh cần biết sử dụng vào lúc nào.
Thực ra, văn hóa rất đơn giản, văn hóa là ứng xử giữa con người với con người và con người với thiên nhiên. Mùa đông thì không thể mặc phong phanh được, gặp dân thì phải có trang phục phù hợp, đi tiệc tùng với bạn bè thì thoải mái.
Nhìn sâu xa hơn, quay lại cán bộ phải nêu gương, có cuộc sống giản dị, phù hợp.
Tôi cho giản dị là một tiêu chí số đông nhưng không nhất thiết phải giản dị. Anh có thú vui riêng của anh, nhưng nên để chỗ khuất, không được khoe khoang. Không nên biến mọi người nhất nhất như nhau nếu như thế sẽ thành giả dối.
Tôi có đủ nguồn thu nhập chính đáng tại sao tôi không có quyền sống tương xứng với thu nhập của tôi? Điều đó có liên quan đến sự phát triển xã hội, kích thích mọi người đều làm giàu một cách chính đáng.
Lúc nào anh ăn mặc cũng xuềnh xoàng mọi thứ chưa chắc đã phải là hình ảnh hay. Mọi người phải hướng đến điều tốt đẹp hơn.
- Phải chăng các bức xúc đó thể hiện việc người dân không thích quan chức giàu có?
Tôi không nghĩ vậy, nếu thế thì đó là hiện tượng không tích cực. Chính người dân mong quan chức giàu thì cả nước mới giàu được.
Vấn đề là giàu kiểu gì, bằng cách nào để giàu lên. Quan chức phải làm thế nào để mọi người cùng giàu lên. Mình mà giàu có được bằng con đường chân chính thì là mặt tích cực.
Ở Mỹ, Tổng thống Trump rất giàu có, là nhà tư bản hẳn hoi. Còn khi ông ấy thực thi là thực thi trách nhiệm của người do dân bầu. Ông Trump có giấu sự giàu đâu, trừ trường hợp người ta phát hiện ông trốn thuế thì ông phải chịu trách nhiệm.
Cần có cái nhìn lành mạnh. Mình không tô hồng cuộc sống nhưng phải có động lực để phát triển.
Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương: "Người ta đang hiểu lầm rằng tôi đeo đồng hồ xịn, cầm xì gà khi tiếp bà con Thủ Thiêm"
Đã có những ý kiến khác nhau khi xem tấm hình ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương Thanh tra Chính ... |
Chủ tịch TP.HCM: Tôi không vì lợi ích của dân Thủ Thiêm thì làm gì
Trao đổi với người dân Thủ Thiêm sáng 7.11, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định “TP dứt khoát không khoan nhượng với ... |
Người Thủ Thiêm đòi làm việc với Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương
Chỉ vài hộ được gặp ông Nguyễn Hồng Điệp nên những người còn lại hoặc năn nỉ, hoặc căng băng rôn phản đối dự án ... |
\'Không có bản đồ quy hoạch 1/5.000 khu đô thị Thủ Thiêm\'
Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương, khẳng định không có bản đồ quy hoạch 1/5.000 khu đô thị Thủ Thiêm ... |
Ngày đăng: 23:38 | 09/11/2018
/